(VHQN) - Sau những ngày tết đoàn viên, dòng người lại tiếp tục tha phương. Hành lý ngày trở lại thành phố, ai cũng gói ghém theo hương vị quê nhà.
Mang theo con cá tràu đồng
Hơn 20 năm nay, gia đình chị gái tôi tết nào cũng về quê. Sau những ngày ăn tết quê, đến lúc phải trở vào phố để mưu sinh, hành lý bao giờ cũng trĩu nặng.
Ngoài những thứ như là bánh chưng, bánh thuẫn, bánh khô mè, bột ngũ cốc, trà đậu, nước mắm còn có thịt muối mẹ làm, cá chuồn, cá thu, cá tràu, tôm đất trữ đông.
Năm nào cũng vậy, gia đình chị chọn đi vào bằng tàu lửa, vì như thế sẽ mang được nhiều hàng hóa vào Sài Gòn hơn. Dẫu Sài Gòn không thiếu thứ gì, song người ở phố vẫn thích mang đồ ở quê vào làm quà biếu. Kể cả người nhận, là hàng xóm, đồng nghiệp, bạn hàng Sài Gòn, họ cũng tỏ ra thích thú khi nhận những thức quà từ xứ Quảng.
Có khi, chị mang theo các chục ký cá tràu ở quê vào phố. Chị nói, đầu năm mới ăn cá tràu thì cả năm khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn. Đặc biệt, cá tràu chế biến nhưn mỳ Quảng cùng với gia vị nghệ tươi, nén, dầu phụng, ớt xanh… thì còn hấp dẫn hơn. Mỗi bận chuẩn bị vào lại thành phố, chị dặn ông anh làm nghề đánh cá sông cuối xóm, có bao nhiêu cá tràu rộng dồn hết lại để chị mang đi.
Món mỳ Quảng thì nhất định không thể thiếu củ nén, muỗng dầu phụng. Vậy là mẹ tôi lại tất tả lên Gò Nổi mua chục lít dầu, thêm mấy lon nén khô cho chị kịp chuyến tàu vào phố...
Như một khoảng xanh trong tâm hồn người xa xứ, vị quê gói ghém theo ký ức mỗi bận người rời quê nhà.
Biếu thức quê, tặng nỗi nhớ
Hành lý của chị còn có cả bánh khô mè Bà Ly - thức bánh được kế thừa qua ba đời. Bánh gia truyền nên hương vị tinh khiết, mộc mạc không lẫn vào đâu.
Đó là sự hòa quyện từ mùi thơm của nếp, vị ngọt của đường mía, vị béo thơm của mè rang, hương cay nồng ấm của gừng cùng với âm thanh giòn xốp từ gạo.
Vì món bánh đậm đà vị quê xứ, nên chị nói các cụ già hàng xóm Sài Gòn rất thích. Họ dọn bánh được biếu từ người con gái xứ Quảng, chiêu một ngụm trà rồi ngồi kể chuyện cố hương.
Trong hành lý của người đàn bà xứ Quảng lập nghiệp tha phương, xem chừng còn lịu địu theo cả món ngon của mẹ. Chị tôi mê món tôm hữu (tam hữu) mẹ làm, nên nhứt định cứ phải tìm cho đầy đủ nguyên liệu để... đóng thùng mang vào miền Nam.
Tôm hữu - món dân dã nhưng vô cùng độc đáo. Các nhà nghiên cứu văn hóa nói đây là món ăn hàm chứa sự mộc mạc, chân thành như tấm lòng người Quảng Nam. Để chế biến món tôm hữu đúng vị phải cần có tôm đất, rau húng, hành hương Trà Quế, thịt heo ba chỉ.
Tôm cho vào chảo dầu phụng đảo đều vừa chín, thịt ba chỉ xắt thẻ xào chín, hành hương trụng nước sôi để ráo, tất cả kẹp lại cùng với vài ba cộng rau húng, dùng hành lá quấn tròn vừa một miếng ăn, chấm với mắm ớt tỏi.
Món tôm hữu có vị the của rau húng, hương thơm dậy mùi của hành, lẫn trong đó có vị béo của thịt, vị ngọt thanh của tôm đất, vị cay của mắm ớt tỏi. Ăn tới đâu thấm thía tới đó.
Vậy là chị tôi phải mua cho được vài ký tôm đất, rồi rau hành mang theo. Phần để biếu, phần để trổ tài làm món tôm hữu cúng khai trương đầu năm rồi thết đãi bạn bè. Chị nói, để họ biết cái món ngon quê mình độc đáo ra sao.
Ở Sài Gòn nhưng chị tôi sống nơi có rất nhiều người tha phương. Và không phải ai tết cũng được về nhà như chị. Vậy là cái tâm ý, mình về ăn tết quê thì khi vào phố phải mang theo ít quà quê tặng người ở lại, đã thành nếp bao năm nay.
Chị nói, cảm giác lâng lâng khi đem chai nước mắm Hà Quảng - Điện Dương quê mình cho bà chị hàng xóm, chị ấy quý tới nỗi chỉ để dành nấu cháo cho cháu nội. Còn khi biếu vợ chồng anh bên nhà ký cá chuồn, anh liền bảo vợ đi chợ mua gia vị về chế biến món cá chuồn nướng ớt xanh - món đặc sản ở Núi Thành quê anh…
Như một khoảng xanh trong tâm hồn người xa xứ, vị quê gói ghém theo ký ức trong trẻo mỗi bận người rời quê nhà. Những thức vị hòa quyện vào nhau, thành niềm yên bình, thấm sâu...