(VHQN) - Bà ơi bà! Giá mà bà cháu mình được ngồi đung đưa trên vầng trăng lưỡi liềm kia thì vui phải biết. Hai bà cháu mình ngắm mây bay luồn qua những kẽ ngón chân. Thò tay xuống nhón mây chỗ này thả ra chỗ kia. Nặn lại mấy vầng mây hình thù xấu xí kia thành hình bông hoa, con cún.
- Ôi bé con của bà thật khéo mường tượng. Bà cháu mình thì chưa thể lên cung trăng được đâu chứ ông nội cháu có khi đang ngắm mây trên ấy.
- Liệu ông có nhìn thấy bà cháu mình không ạ?
- Chắc là ông đang mỉm cười nghe cháu chuyện trò. Cháu tinh mắt thử nhìn kỹ xem biết đâu ông đang nhón mây nặn cho cháu hình bông hoa trên đó.
Bé Bông nhổm dậy, ngửa cổ chăm chú nhìn lên bầu trời một lúc rồi bỗng nhiên hô to:
- Bà ơi! Đúng là có đám mây hình bông hoa kìa bà. Một bông hoa sáu cánh. Đúng là ông đang nghe bà cháu mình trò chuyện. Ông ơi ông! Ông có thấy cháu lớn nhanh không? Cháu cao từng này rồi. Tóc cháu dài từng này. Đôi dép này lúc ông mua còn rộng giờ cháu đi vừa vặn lắm rồi. Bà nói bán đậu đen sẽ mua cho cháu cặp sách thật xinh để đi học. Cháu nhớ ông ghê. Ông có nhớ nhà mình không ạ?
Mấy tiếng “ông có nhớ nhà mình không ạ?” cứ bé dần, nghẹn lại rồi bật thành cơn nức nở. Bà vội vàng ôm Bông vào lòng vỗ về xoa dịu. Bố mẹ đi xuất khẩu lao động, Bông ở với ông bà từ bé. Những đêm khát sữa con bé khóc ngằn ngặt, hết ông đến bà bế cháu trên tay hát hết bài ru này đến bài ru khác. Chiều nào ông cũng chở Bông quanh làng trên chiếc xe đạp cũ. Con bé thân thuộc từng ngõ rẽ vào cổng nhà ông Bình, ông Tư, bà Sáu, cô Long… Lúc ông ngồi uống trà cùng bạn già thì con bé chạy chơi quanh đâu đó. Khi về trên ghi đông xe đạp treo đủ thứ quà mà các ông bà cho Bông. Từ nải chuối, quả na, ít bánh kẹo lộc đi chùa đến con cá, mớ tôm tươi rói. Hai ông cháu còn chưa chịu về nhà mà rẽ qua cánh đồng làng xem lũ trẻ thả diều. Ông bế Bông công kênh trên đôi vai gầy guộc để cháu có thể gần hơn với bầu trời và cánh diều căng gió. Có lần xem ti vi thấy máy bay bay giữa bầu trời đầy mây, Bông bảo ông:
- Sau này lớn con sẽ dẫn ông bà đi máy bay. Tha hồ mà ngắm mây ông nhỉ?
Nhưng ông không thể đợi được đến ngày Bông lớn. Năm ngoái ông mất vì tai biến, chẳng kịp dặn dò Bông điều gì. Những buổi chiều nhớ ông, Bông hay ra đầu hiên ngồi xoay tròn chiếc bàn đạp xe, mắt rơm rớm khóc. Thế là ông bỏ Bông đi ngắm mây một mình rồi. Bà bảo ông ở trên trời ấy, lúc là đám mây, lúc là ngôi sao lấp lánh, lúc lại là vầng trăng lưỡi liềm cong vắt. Bông cứ thấy vừa gần gũi vừa xa xôi khó tả. Từ lúc ông mất Bông buồn lắm, chẳng thiết chuyện trò. Bố mẹ đi làm ăn xa đã mấy năm không về chỉ có thể trò chuyện với Bông qua màn hình điện thoại. Ở làng này thiếu gì những đứa trẻ phải xa bố mẹ như Bông. Tụi trẻ con cứ gặp là tranh nhau khoe:
- Mẹ tớ đi hái nho tận Úc đấy, nơi mà có rất nhiều chuột túi.
- Bố mẹ tớ bên Hàn Quốc. Mẹ tớ bảo học mà không giỏi sau này mẹ cho sang đó đi làm kiếm tiền.
- Bố tớ cũng dọa y như thế. Không học thì chỉ có đi xuất khẩu lao động.
Thỉnh thoảng có người làng làm ăn ở bên Nhật về, bố mẹ lại gửi rất nhiều quà cho hai bà cháu Bông. Mặc chiếc váy mới Bông chẳng buồn chạy khoe chúng bạn. Nếu còn sống thể nào ông cũng khen Bông sao mà lớn thế, mặc váy mới sao mà xinh thế. Bông sẽ quay một vòng từ trước ra sau cho ông ngắm. Hết mùa hè năm nay là Bông vào lớp một. Một tuần bà đèo Bông đi học thêm nhà cô giáo bốn buổi. Bông đã biết nhận mặt chữ, mặt số, cô giáo đang dạy viết nét xiên trái, xiên phải, nét móc xuôi, móc ngược. Mỗi hôm đi học về là hai tay Bông mỏi rã rời, bà phải động viên bằng mấy viên kẹo gấu. Mắt bà mờ rồi, không thể dạy cháu học bài. Tối nào bà cũng nhắc:
- Cháu phải tự giác học tập. Đừng phụ công bố mẹ phải mưu sinh vất vả tận xứ người để lấy tiền cho cháu được đến trường bằng bạn bằng bè.
- Cháu thấy bố mẹ các anh chị trong xóm vẫn hay bảo: “Cứ học hết cấp ba là cho đi xuất khẩu lao động”. Có đúng vậy không bà?
- Các cháu phải chịu khó học hành, lớn lên làm bác sĩ cứu người, làm bộ đội, công an để bảo vệ đất nước. Khi nào đất nước mình giàu mạnh rồi thì mọi người không phải đi làm ăn xa nữa. Sẽ không còn những đứa trẻ phải thiệt thòi, xa bố mẹ từ lúc còn bé xíu như cháu nữa.
- Cháu thích làm cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ bà ạ.
- Đúng rồi! Cháu của bà ngoan lắm.
Trên bàn học ông vẫn mỉm cười hiền từ trong bức ảnh chụp khi Bông tròn bốn tuổi. Bông tưởng như ông vẫn còn đây, cầm tay mình đưa từng nét chữ. Con bé nói với bà sẽ cố gắng được thật nhiều hoa điểm 10 đỏ tươi để tặng cho ông. Bà đang sảy đậu ngoài sân dừng tay nhìn lên bầu trời, mỉm cười bảo: “Ông nghe tiếng cháu hứa rồi đấy. Bà thấy ông đang vẫy tay chào”. Bông chạy ra ngoài sân ngồi hóng gió cùng bà.
Đêm nay không oi nồng như mọi khi, gió reo vui trên những tàu lá chuối. Hoa cau tận cuối vườn tỏa ra thơm ngát. Dế mèn nấp đâu đó trong bụi cỏ ven sân kêu rỉ rả. Trên tán cây lũ chim non lích chích tìm hơi mẹ một hồi rồi thôi. Bông gối đầu lên chân bà ngắm vầng trăng lưỡi liềm cong vắt nằm giữa một đám mây ngũ sắc. Chao ôi sao mà đẹp. Trước khi chìm vào giấc ngủ Bông đã kịp nhìn thấy dáng lưng ông quen thuộc. Trong giấc mơ con bé thấy mình mặc bộ quần áo mới, xỏ chân vào đôi dép được ông mua tặng. Bông ngồi sau xe bà, hòa vào niềm vui ngày tựu trường, tíu tít. Trên bầu trời ông đứng vẫy tay cười giữa đám mây ngũ sắc…