Mưa lũ đi qua, hàng trăm héc ta lúa mùa, cây lâm nghiệp và mô hình chăn nuôi của người dân ở các huyện miền núi Quảng Nam bị gãy đổ, ngập nước gây thiệt hại nặng nề.
Mất trắng 4.000 con cá diêu hồng
Sau cơn bão số 6, mô hình sinh kế của vợ chồng anh Alăng Trước (trú thôn Ra Đung, xã Jơ Ngây, Đông Giang) gần như mất trắng khi có gần 4.000 con cá giống diêu hồng được nuôi trong các lồng bè bị chết do lũ. Mô hình này được vợ chồng anh nuôi thử nghiệm gần 2 tháng trước, với kỳ vọng sẽ giúp thoát nghèo.
Anh Alăng Trước kể, đầu tháng 9/2024, từ nguồn hỗ trợ chương trình khuyến nông của tỉnh, vợ chồng anh thả nuôi khoảng 6.000 con cá diêu hồng ở lòng hồ thủy điện Sông Kôn 2.
Để hình thành nên mô hình sinh kế mới, gia đình anh vay vốn ngân hàng và người thân gần 30 triệu đồng để mua nguyên vật liệu lồng bè trên sông. Nửa tháng đầu, do điều kiện môi trường tự nhiên chưa phù hợp nên khoảng 1.000 con cá giống bị chết. Sau lần đó, cá sinh trưởng khá tốt.
Theo anh Trước, mưa lớn kéo dài từ chiều 26/10 khiến các sông suối trên địa bàn huyện Đông Giang ngập lụt. Đến sáng 27/10, nước dâng lên cao hơn, vợ chồng anh xuống khu vực lòng hồ để kiểm tra, rồi di chuyển lồng bè đến vị trí an toàn hơn.
Tuy nhiên sau đó, lượng mưa lớn dần, thủy điện bắt đầu xả đập để điều tiết lũ càng khiến dòng nước chảy xiết, toàn bộ hệ thống lồng bè bị hư hỏng nghiêm trọng, hàng nghìn cá giống bị chết, dập nát.
“Ước tính có khoảng 4.000 con cá diêu hồng bị chết, thiệt hại này với gia đình tôi là rất lớn. Vì thế, rất mong nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ từ các cấp chính quyền, cũng như Công ty Thủy điện Sông Kôn 2 giúp gia đình tôi tiếp tục duy trì lồng bè nuôi cá, mở hướng thoát nghèo” - anh Alăng Trước đề nghị.
Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây - Bhnướch Lâm cho hay, ngoài mô hình nuôi cá lồng bè của hộ Alăng Trước, rất nhiều diện tích lúa rẫy, lúa nước của người dân địa phương đang vào mùa thu hoạch bị ngã rạp, thiệt hại nặng nề.
Nguy cơ mất trắng mùa lúa sau mưa lũ là điều khó có thể tránh khỏi, vì thế người dân đang cần sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền cấp trên trong những tháng cuối năm.
Thiệt hại hàng tỷ đồng
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang, sau cơn bão số 6, địa phương có khoảng 20ha lúa bị ngập úng, gãy đổ; trong đó, lúa nhe mùa 19,5ha và lúa nước hơn 0,5ha. Ngoài ra, khoảng 0,2ha hoa màu bị vùi lấp; 1,5ha cây trồng lâu năm bị hư hại, 120m2 nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do lũ và hơn 26ha keo bị ngã đổ...
Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, ngoài hoa màu và cây trồng lâm nghiệp bị hư hại nặng nề, sau cơn bão số 6 vừa qua, địa phương ghi nhận có nhiều điểm sạt lở về giao thông dọc các tuyến đường liên xã.
Một số điểm khu dân cư xuất hiện dấu hiệu sạt lở đất ở taluy dương, nhiều hệ thống mương thoát nước, trụ sở làm việc của ủy ban xã... bị hư hỏng, ước tổng thiệt hại hơn 3,3 tỷ đồng.
Không chỉ Đông Giang, mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 6 cũng khiến các huyện miền núi Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Hiệp Đức... bị thiệt hại nặng nề về hệ thống đường giao thông, hoa màu, cây lâm nghiệp. Hàng chục ngôi nhà của người dân bị tốc mái; nhiều khu điều trị, làm việc của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang bị nứt gãy, sụt lún.
Đáng chú ý, vết nứt sâu có chiều dài hơn 30m, với khối lượng đất có nguy cơ sạt lở hơn 100m3 được phát hiện phía sau khu dân cư Nà Nổ (thôn Gia Cao, xã Phước Gia, Hiệp Đức) đe dọa tính mạng hàng chục hộ đồng bào địa phương. Ước tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Thiên tai được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp thời gian tới, điều lo nhất lúc này ở miền núi là tình trạng sạt lở đất và lũ quét. Để chủ động phòng ngừa trước hiểm họa, thời gian qua, miền núi xây dựng các kịch bản ứng phó, trong đó ưu tiên hỗ trợ sơ tán người dân, di dời nhà cửa, vật dụng cần thiết đến nơi an toàn.