(QNO) - Quản lý bệnh nhân suy tim và đưa phòng khám suy tim vào hoạt động mang đến cơ hội tiếp cận phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân suy tim tại Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam vừa tổ chức hội thảo "Tối ưu hóa điều trị bệnh nhân suy tim và ra mắt chương trình quản lý bệnh nhân suy tim tại BVĐK Quảng Nam”, đồng thời đưa vào hoạt động phòng khám quản lý bệnh nhân suy tim, bắt đầu từ chiều ngày 6/9.
Gánh nặng điều trị
BS.CKII Nguyễn Lương Quang - Trưởng khoa Nội Tim mạch, BVĐK Quảng Nam cho biết, suy tim là tình trạng bệnh lý phổ biến gây tàn tật, tốn kém và có khả năng tử vong cao.
Hiện tại, ước tính có 38 triệu người trên thế giới đang sống cùng và chịu các tác hại không ít do suy tim gây nên. Mỗi năm có hơn 1 triệu bệnh nhân phải nhập viện liên quan đến suy tim, trong đó chiếm 80-90% liên quan đến tình trạng mất bù của suy tim mạn.
Gánh nặng cho nguồn lực y tế rất lớn do liên quan đến thời gian nằm viện và tái nhập viện của bệnh nhân suy tim, nhất là trong tình trạng đang già hóa dân số như hiện nay.
Việt Nam có tỷ lệ nhập viện và tái nhập viện lần lượt là 15% và 7%, thời gian nằm viện trung bình vào khoảng 9 ngày, tử suất cho bệnh nhân nội viện là 7% và trong vòng 30 ngày sau xuất viện là 2-3%. Chi phí hàng năm ước tính dành cho mỗi bệnh nhân suy tim là 1.000 đô la Mỹ cho điều trị nội trú tại bệnh viện.
Tại khoa Nội Tim mạch - BVĐK Quảng Nam, chỉ tiêu thu dung nội trú là 520 bệnh nhân/tháng, trong đó suy tim chiếm tỷ lệ khoảng 35%. Chỉ tiêu khám bệnh ngoại trú khoảng 3.000 bệnh nhân trung bình hàng tháng, trong đó suy tim chiếm khoảng 30% bệnh nhân đến khám.
Hướng đến điều trị chuyên sâu
Tại hội thảo, PGS.TS - BS Nguyễn Tá Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, trong 5 năm kể từ khi phát hiện, suy tim gây tử vong nhiều hơn một số bệnh ung thư. Thống kê sơ bộ, chi phí y tế của bệnh nhân suy tim tại Việt Nam khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, có hơn 20 bệnh viện trên toàn quốc triển khai chương trình quản lý bệnh nhân suy tim.
BS.CKII Nguyễn Lương Quang cho biết, khoa Nội Tim mạch - BVĐK Quảng Nam hiện là tuyến cuối trong khám, chẩn đoán, điều trị nội khoa các bệnh về tim - mạch máu cho bệnh nhân tại Quảng Nam và các vùng lân cận.
"Trong những năm qua, ngoài việc hoàn thiện và nâng cao các kỹ thuật can thiệp tim mạch, khoa Nội Tim mạch đã từng bước áp dụng các phác đồ điều trị suy tim của Bộ Y tế phù hợp với điều kiện của địa phương, điều này đã làm thay đổi tiên lượng của bệnh nhân suy tim.
Tuy nhiên, vấn đề giáo dục tuân thủ điều trị cho bệnh nhân suy tim chưa bài bản, chưa có sự quản lý có hệ thống làm cho bệnh nhân bị mất dấu sau đợt điều trị suy tim cấp trong nội viện ra ngoại viện. Ngoài ra, bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối của chúng ta không thể tham gia vào chương trình quản lý suy tim chung của Việt Nam do đó không thể tiếp cận các phương pháp điều trị tối ưu như ghép tim, thiết bị hỗ trợ thất..." - BS.CKII Nguyễn Lương Quang chia sẻ.
Do vậy, việc thành lập Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim nhằm triển khai mô hình hoàn chỉnh trong quản lý suy tim, đảm bảo nhiệm vụ điều trị chuyên sâu các bệnh lý tim mạch cho người dân tại Quảng Nam và vùng lân cận.
Chương trình nhằm chẩn đoán, tư vấn, điều trị, theo dõi, tái khám ngoại trú, quản lý tất cả bệnh nhân suy tim từ 15 tuổi trở lên đã được điều trị tại BVĐK Quảng Nam. Cạnh đó, hoàn thiện và thống nhất quy trình chẩn đoán, cũng như xây dựng mạng lưới chuyển tuyến với bệnh viện tuyến cơ sở, hoàn thiện chẩn đoán và điều trị suy tim giữa các bác sĩ của các tuyến trong tỉnh và khu vực.
Điều quan trọng nữa, theo BS.CKII Nguyễn Lương Quang, bệnh nhân suy tim tại Quảng Nam sẽ được hòa nhập thông tin với nền tảng quản lý bệnh lý suy tim để theo dõi, quản lý dữ liệu trên toàn quốc, nhằm giúp bệnh nhân tiếp cận các phương tiện điều trị tối ưu, phục vụ nghiên cứu khoa học.
Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ tử vong và tái nhập viện, đồng thời giúp cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại BVĐK Quảng Nam tiếp cận các phương pháp điều trị tối ưu như ghép tim, thiết bị hỗ trợ thất....