Ngành du lịch vẫn đang “đóng băng” trong dịch Covid-19. Xoay xở để gượng dậy là điều tất yếu, tuy nhiên cần có sự đồng hành mạnh mẽ hơn, bởi sức đề kháng của doanh nghiệp du lịch đang giảm sút hơn lúc nào hết, trước khi vắc xin có thể giải quyết được vấn đề.
Tiếp tục mở cửa cầm cự
Vừa qua, một phần tuyến tham quan Hội An - Cù Lao Chàm đã được mở cửa trở lại với khách địa phương. Đầu tháng 7 tới, sẽ có 13 di tích tư nhân trong khu phố cổ được tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng để duy trì mở cửa đón khách tham quan. Đó là một phần các nỗ lực để khởi động trở lại các hoạt động du lịch dù còn rất dè dặt bởi lo ngại dịch bệnh.
Ông Nguyễn Xuân Hà - đại diện nhà sản xuất show diễn “Ký ức Hội An” thông tin, dự kiến cuối tháng 6 show diễn “Ký ức Hội An” sẽ hoạt động trở lại với công suất đón khách không quá 50% so với bình thường để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Theo kế hoạch, phải đến cuối năm nay Hội An mới tổ chức 2 sự kiện du lịch lớn liên quan đến đèn lồng và làng rau Trà Quế. Trong khi đó, rất nhiều sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch quy mô lớn trong mùa hè này trên địa bàn tỉnh đã lùi thời điểm tổ chức hoặc bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin, chính quyền thành phố cũng vừa chỉ đạo các điểm đến, nhất là khu phố cổ, tổng vệ sinh để tính toán mở cửa trở lại trong cuối tháng 6 hoặc tháng 7 này nếu tình hình tiếp tục ổn định. Còn phần lớn các sự kiện kích cầu du lịch đã đăng ký với tỉnh sẽ chuyển sang năm 2022.
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, với tình hình dịch bệnh như hiện tại thì từ đây đến cuối năm nguồn khách tiềm năng nhất vẫn là khách trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khách nhập cảnh có thu phí. Tình hình khống chế dịch Covid-19 tốt hơn mới có thể tính đến việc đón khách quốc tế bằng chuyến bay charter (bay thuê chuyến) như dự định.
Cơ quan quản lý cũng đang tính toán phương án ưu tiên một phần vắc xin cho nhóm lao động tại các cơ sở lưu trú đón khách nhập cảnh có thu phí, các khu điểm du lịch chuẩn bị mở cửa trở lại và nhóm các đơn vị liên quan đến việc đón khách quốc tế bằng chuyến bay charter. Về việc xã hội hóa tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng 18 nghìn lao động ngành du lịch trên địa bàn tỉnh, hiện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã vận động các doanh nghiệp đăng ký 8.000 liều vắc xin cho người lao động.
“Hội An cần tính toán thời điểm hợp lý để mở cửa đồng loạt trở lại nhằm cung cấp chuỗi giá trị sản phẩm cho du khách. Nếu làm tốt thì sẽ tạo hiệu ứng chung, từ đó sẽ tiếp tục mở rộng ra đối với các điểm đến như Khu đền tháp Mỹ Sơn, hồ Phú Ninh…” - ông Lê Ngọc Tường nói.
Cần “khoan thư sức” cho doanh nghiệp
Rất nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã trải qua một năm nữa không có doanh thu. Bà Đặng Triều Vân - Chi hội trưởng Chi hội Du lịch phía nam (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) chia sẻ, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện Tiên Phước đang hết sức khó khăn bởi các khoản nợ ngân hàng khi đầu tư, vận hành không có doanh thu.
Trong khi đó, ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch Hội Khách sạn (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) bộc bạch: “Các doanh nghiệp du lịch hiện đang được giãn nợ nhưng thực tế là vẫn tính lãi dù không có nguồn thu. Đến khi kết thúc việc giãn nợ thì doanh nghiệp khó lòng trả nổi bởi ngành du lịch rất khó hồi phục nhanh kể cả khi dịch Covid-19 đi qua. Cần phải có giải pháp xây dựng nền kinh tế tịnh tiến với nhau, ở đó duy trì hài hòa ngân hàng - doanh nghiệp - người lao động”.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp bây giờ “chưa chết” nhưng “sẽ chết” khi du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại. Doanh nghiệp không được ưu tiên cơ cấu nợ sẽ kiệt quệ khi đến hạn trả cả lãi và gốc vào cuối năm nay.
“Khi xây dựng dự án vay nợ, doanh nghiệp tính kịch bản cho sự kiện đón hàng trăm, hàng nghìn khách, nhưng bây giờ không có khách nên điêu đứng là điều tất yếu. Tỉnh cần có nguồn hỗ trợ lãi vay tái thiết, đơn cử như một doanh nghiệp vay vài tỷ đồng để tái thiết thì cần được hỗ trợ khoản lãi vay đó trong một thời gian nhất định” - ông Phan Xuân Thanh đề xuất.
Còn ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hội An đề nghị, trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành, cơ quan chức năng cần xem xét lại thuế đất, thuế mặt bằng. Đại diện một doanh nghiệp khác cho rằng, việc truy thu một số khoản thuế theo quy định là đúng nhưng hoàn toàn không phù hợp trong thời điểm hiện tại. Các bên liên quan cần ngồi lại bàn về thuế đất để có một mẫu số chung hợp lý, hài hòa nhằm khoan sức cho doanh nghiệp.
Ông Lê Ngọc Tường cho biết, nếu doanh nghiệp đồng thuận, sở sẽ nghiên cứu xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với cơ chế ưu đãi để tỉnh xem xét. Có thể giải quyết thành 3 đợt, với 6 tháng 1 lần từ nay đến cuối năm 2022. Về các vấn đề ngoài thẩm quyền, sở sẽ tiếp tục tích cực tác động đến cơ quan chức năng để gỡ khó cho doanh nghiệp.