Môi trường

Mơ dải rừng chim muông di trú...

XUÂN HIỀN 12/02/2024 08:32

Chiếc dầm trên tay người đàn ông trung niên thoai thoải rẽ nước. Quanh thân ghe là thảm thực vật xanh mướt. Chúng tôi vừa lướt đi giữa những thảm xanh như ngọc của sông Đầm vừa nói về giấc mơ khôi phục thiên đường bảo tồn sinh học cho vùng đất ngập nước vùng Trung Bộ...

tnb-61978-09.jpg
Sông Đầm đang từng ngày được phục hồi để trở thành lá phổi xanh cho đô thị Tam Kỳ.Ảnh: HẢI HOÀNG

Vùng trú ẩn muôn loài

Vẫn còn kịp nhìn thấy những tia nắng nhạt khiêm nhường len lỏi qua đám lau sậy. Thỉnh thoảng hiện ra bên những vạt dừa nước đang sinh sôi, là vài chươm đã dựng lâu năm.

Xa xa, giữa những chân rạ và đường chân trời, tôi hình dung đang có một dải rừng xanh ngọc thoáng ẩn thoáng hiện. Khung cảnh giữa trời nước hình như càng khiến bản giao hưởng của vùng đất ngập nước này dễ nhận diện hơn.

Trong bãi lau sậy, vang tiếng ríu rít của những con chim choắt lớn di cư đến sông Đầm săn mồi. Chúng trú ngụ ở đó, sinh sản. Cũng vì sông có nhiều cá tôm, ốc nên hằng ngày, hàng đàn cò bay đến kiếm ăn.

Những giai điệu không ngừng nghỉ của sự sống muôn loài vang lên khắp ngóc ngách sông Đầm.

Ông Phạm Vàng - người dân thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cũng là người lái thuyền cho chúng tôi, nói rằng mùa này chim về đầm không bằng những ngày giêng hai, nhưng so với các năm trước, số lượng vẫn nhiều hơn.

Bao đời sống dọc sông Đầm, ông Vàng hiểu những quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái cho xứ đất của mình. Cả những vạt lau sậy đang dày dặn phủ tràn mặt nước, cũng dung chứa những huyền thoại về xứ đất anh hùng.

TS.Vũ Tiến Chính (Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam), khi thực hiện đề tài "Nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ sông Đầm" đã công bố những tài sản vô giá mà vùng đất này sở hữu.

Từ năm 2020 đến nay, qua khảo sát, sông Đầm ghi nhận được 81 loài thuộc 53 họ và 20 bộ trong các loài động vật có xương sống. Có 33 loài cá khác nhau thuộc 21 họ, 11 bộ và 1 loài lươn đồng. Sông Đầm cũng là nơi trú ẩn của 16 loài bò sát, ếch nhái.

Đặc biệt, cùng với loài cò nhạn có trong Sách đỏ, sông Đầm ghi nhận có 31 loài chim đang sinh sống. Đối với các loài động vật không xương sống, các nhà khoa học đã ghi nhận 214 loài và 211 loài côn trùng.

Sông Đầm cũng là nơi tìm thấy sự sinh trưởng của 170 loài thực vật bậc cao thuộc 74 họ khác nhau cùng đặc trưng của các loài cây ngập nước bản địa như sậy, dừa nước, tràm ta....

Mặt nước giữ những cánh rừng

Bất chợt giữa mặt nước như có hơi sương, đàn cò trắng tấp nập bay về đậu trên những nhánh đước. Một đàn cò khác la đà như muốn sà xuống đám sậy xanh rì.

tnb-61978-14.jpg

Mùa này, đồng nước sông Đầm ít bóng người hơn. Vẫn chủ yếu là dân địa phương đang dựa vào lợi thế sông nước để làm sinh kế. Nhưng cư dân bản địa ở đây biết, nếu họ chỉ khai thác thì "mỏ vàng" này sẽ cạn kiệt.

Làm thế nào để chim muông và côn trùng vẫn chọn vùng đồng nước sông Đầm trú ngụ là ý thức cơ bản nhất để mỗi người dân hiểu ra như thế nào là bảo tồn hệ sinh thái đa dạng sinh học mà xứ sở mình đang có.

Chỉ có phục hồi những cánh rừng và thảm thực vật, thì mới mong không làm đứt gãy hệ sinh thái đa dạng mà tạo hóa đã dành cho nơi đây.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói, trong hoạt động để tạo lập và bảo tồn sông Đầm, điều may mắn và thành công nhất của địa phương là sự đồng thuận của người dân.

Trong số khoảng 22ha rừng cây phục hồi đã hoàn thành với nhiều chủng loại bản địa được cắm xuống như vừng, tre, cừa, sậy, dừa nước thì diện tích đất người dân địa phương hiến đến hơn 12,3ha.

Họ cũng là những cánh tay đắc lực của chính quyền trong câu chuyện phát hiện và giữ không gian sống cho những loài chim theo mùa về di cư.

Họ tự tay gỡ bỏ những chiếc lưới giăng bắt chim trời, tự mình thả cá về sông, cắm thêm những cây bần cây đước cây tràm để tạo nơi sinh sôi cho chim trời...

Kỳ vọng về một công viên thiên nhiên được bảo tồn thông qua hệ sinh thái đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm đang từng chút một gần hơn với những hoạch định của chính quyền.

Ông Nguyễn Minh Nam nói, TP.Tam Kỳ đang làm phân khu quy hoạch sông Đầm gắn với hình thành bảo tàng thiên nhiên cũng như xúc tiến hoàn thiện hồ sơ về khu bảo tồn đa dạng sinh học gắn với hệ sinh thái đất ngập nước.

Để sông Đầm được định danh một khu bảo tồn, cùng với câu chuyện trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái, chỉ riêng năm 2023, địa phương đã thả về dòng sông gần 30 nghìn con cá các loại. Người dân cũng ký cam kết không tận diệt, không đánh bắt xung điện và săn bắt chim trời ở sông Đầm.

Lòng hăm hở khi chính mình dự phần trong câu chuyện hình thành một khu bảo tồn tương lai ngời lên trong mắt người dân vùng ven Tam Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mơ dải rừng chim muông di trú...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO