Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam đã hoàn tất việc lập đề án điều chỉnh ranh giới để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
Đầu tư nhỏ giọt
Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Nam Giang, nhà công vụ hải quan, ban quản lý khu kinh tế... nằm ở con dốc cuối cùng của quốc lộ (QL) 14D dài 74km từ bến Giằng đến biên giới. Không có kho, bãi, điểm tập kết hàng hóa... tại cửa khẩu.
Hàng trăm chiếc xe container, xe vận tải lớn đậu đầy trên mảnh đất trống bên phải trạm kiểm soát hoặc đỗ thành vệt dài, dọc theo QL, chờ làm thủ tục thông quan.
Số vốn gần 204,2 tỷ đồng phân bổ nhiều năm chỉ tạm đầu tư nơi Tiểu khu I (trung tâm khu kinh tế) một ít đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện..., nhưng cũng thiếu ổn định, xuống cấp. Tháng 8/2021, chính thức “thăng hạng” lên cửa khẩu quốc tế, nhưng QL 14D vẫn là đường cấp 5 miền núi, rất khó để thu hút đầu tư.
Sau 20 năm đầu tư, kế hoạch xây dựng khu kinh tế cửa khẩu thành khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan bất thành.
Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 387 ngày 24/3/2009 với tổng diện tích tự nhiên 31.060ha đã không thể hiện thực hóa trên thực tế.
Ngoài Tiểu khu I (30ha) có chút sinh khí, hai tiểu khu còn lại tại Chà Vàl (khoảng 630ha) và La Dêê (khoảng 56ha) vắng bóng khu đô thị, khu nhà ở, thương mại - dịch vụ…
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ngày càng gia tăng. Xuất khẩu chủ yếu máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu thi công, linh kiện xe ô tô, nhựa đường…
Nhập khẩu chủ yếu điện năng, gỗ xẻ, tinh bột sắn, máy cẩu, xe cẩu, máy công nghiệp… Nhiều nhất là hàng quá cảnh như tinh bột sắn, quặng nhôm bauxite (Lào quá cảnh qua Việt Nam ra cảng Đà Nẵng, Chân Mây và cảng THACO về Trung Quốc).
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang cho hay, năm 2024, tổng lượng hàng hóa qua cửa khẩu tăng 474% so năm 2023 (gần 1,8 triệu tấn), nhiều nhất là hàng quá cảnh, tăng 591% (trên 1 triệu tấn), tổng phương tiện xuất nhập cảnh qua lại cửa khẩu tăng 352% (hơn 112 nghìn lượt).
Không chỉ tần suất giao thông tăng, đẩy áp lực lên hạ tầng cửa khẩu mà thời tiết khắc nghiệt khu vực này cũng đã tác động mạnh đến sự xuống cấp của hạ tầng cửa khẩu.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam nói, phương tiện vận tải có tải trọng lớn với tần suất cao ngày càng gia tăng, thời tiết khắc nghiệt, hầu hết các công trình, hạng mục kỹ thuật tại cửa khẩu và QL 14D xuống cấp nặng nề. Tuy nhiên, hạ tầng thiếu hụt, không đủ lực đầu tư để tương xứng với tính chất của một cửa khẩu quốc tế.
Hoạch định cho tương lai
Các cuộc khảo sát, điều tra từ 70 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Nam Giang đã đưa ra dự báo đến cuối năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu sẽ đạt gần 1,2 tỷ USD.
Chính quyền Quảng Nam đã lên Chương trình tổng thể phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiến hành nhiều cuộc đánh giá lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, các loại hàng vận chuyển, tốc độ tăng trưởng từng năm để có thể dự báo chính xác, hiệu quả đầu tư... để điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế này.
UBND tỉnh Quảng Nam công bố điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu sẽ theo hướng dịch chuyển thêm việc nghiên cứu xuống đến Bến Giằng (khu vực hai bên dọc theo QL 14D).
Tiểu khu I sẽ ưu tiên bố trí bãi tập kết xe, không bố trí dân cư. Chỉ bố trí dân cư tại các Tiểu khu II & III. Tiểu khu II (Chà Vàl) đầu tư các loại kho để tập kết, trung chuyển hàng hóa giải quyết việc làm, lao động địa phương, bố trí sắp xếp dân cư phù hợp.
Tiểu khu III (La Dêê) sẽ dành đất phát triển dịch vụ, công nghiệp, sản xuất, sắp xếp dân cư hiện trạng để tạo quỹ đất, hạn chế tối đa hình thành các khu dân cư mới...
Trung tâm cửa khẩu sẽ được sửa chữa hoặc đầu tư cho xứng tầm của một cửa khẩu quốc tế. Việc điều chỉnh, định hướng phát triển quy hoạch một khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua tuyến EWEC 2 là điều cần thiết.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Trưởng ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam nói, cửa khẩu hình thành từ năm 2006. Quy hoạch rất rộng (31.060ha), nhưng thực chất chỉ hơn 1.000ha các khu chức năng có thể phát triển được, còn lại nằm trong rừng đặc dụng sông Thanh. Tác động vào rất khó.
Hiện nay nhiều tập đoàn lớn mong muốn đầu tư, nhưng với quy hoạch hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu. UBND tỉnh, Chính phủ có chủ trương điều chỉnh lại ranh giới của khu kinh tế này theo hướng loại hết rừng đặc dụng ra.
Xác định mở khu kinh tế từ biên giới xuống Bến Giằng, dọc theo QL 14D. Các cơ quan tư vấn đang tính toán tránh xung đột giữa khu kinh tế và khu dân sinh thông qua quy hoạch các phân khu chức năng. Việc mở rộng, kết nối cả khu kinh tế cửa khẩu, đường Hồ Chí Minh, sẽ mở ra vệt không gian kinh tế, tạo động lực phát triển cho cả miền Trung.
Theo ông Thiều Việt Dũng - Phó ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và dự toán công tác lập đề án điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang.
Quy mô diện tích khoảng 34.160ha, bao gồm 31.060ha quy hoạch cũ và 3.100ha dự kiến mở rộng. Đề án điều chỉnh ranh giới này phù hợp với định hướng đồ án quy hoạch Quảng Nam 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang giai đoạn tới.
Hiện tư vấn của Bộ Tài chính đã hoàn tất việc khảo sát, lấy ý kiến các sở, ngành, huyện Nam Giang và đang hoàn chỉnh việc điều chỉnh ranh giới. Khi địa phương thống nhất sẽ trình lên Trung ương thẩm định, phê duyệt xong sẽ tiến tới điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, dự kiến hoàn tất trong năm nay.