Mỗi bức ảnh là một thông điệp về du lịch Quảng Nam

ĐĂNG KHOA 19/03/2021 10:41

(QNO) - Những ngày cuối tuần, tôi và những người bạn hay lang thang về phố cổ Hội An để trải nghiệm, để “…Loanh quanh trên những con đường nhỏ/ Lang thang qua phố xưa nhà cổ/ Đi đâu cũng một màu xanh trong vắt hồn phố xưa/ Chiều về Hội An để đêm mơ Hoài phố…” (Nguyễn Duy Khoái). 

 
Nhộn nhịp bên bờ sông Hoài! (Ảnh: Mai Thành Chương)

Thật vậy, Hội An có sức quyến rũ rất kỳ lạ đối với du khách gần xa. Hội An đúng với tên gọi: Nhân tình thuần hậu. Hội An đã khẳng định một thương hiệu về một vùng đất, một cách làm du lịch khá bài bản, chuyên nghiệp. Hội An đã trở thành người bạn thân thiết của tôi tự bao giờ. Vì vậy, mà trong suốt thời gian đi tìm những "khoảnh khắc" đẹp nơi đây, tôi đã có dịp gặp gỡ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mai Thành Chương và đã có cuộc trò chuyện khá thú vị về nhiếp ảnh, về du lịch Quảng Nam sau đại dịch Covid-19, về phố Hội - sông Hoài...

 

Trân trọng cảm ơn Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mai Thành Chương đã dành thời gian có một cuộc trao đổi với Báo Quảng Nam câu chuyện về nhiếp ảnh rất ý nghĩa, nhiều cảm xúc! Xin anh hãy giới thiệu một chút về mình.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc xã Bình Nam, huyện Thăng Bình; người dân quê tôi luôn chịu thương, chịu khó, quanh năm vẫn thiếu trước hụt sau... Bây giờ thì quê tôi đã đổi thay và phát triển nhiều rồi.

Tuổi thơ của tôi rất lam lũ. Tôi không may mắn như bao người khác, nhưng tôi có một người mẹ tuyệt vời để được chăm sóc, vỗ về. Chính mẹ là người đã chở che, tiếp thêm nhiều nghị lực để tôi vượt qua mọi khó khăn. Và một điều rất đặc biệt không thể không nói đến đó là truyền thống cách mạng và văn hóa của quê hương, nền nếp của gia đình đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm, đã để lại trong tôi nhiều ký ức đẹp, những ấn tượng sâu đậm, không thể nào quên.

Từ trong gian khó, tôi luôn khao khát tìm cho mình một cái nghề để phụ giúp gia đình. Và thật là may mắn, tôi đã được một người anh giúp đỡ, dẫn dắt vào nghề nhiếp ảnh từ khá sớm. Theo đó, bằng lòng đam mê và ham học hỏi từ các bậc đàn anh đi trước, tôi đã yêu, đã “say” với nghề; đến bây giờ nhiếp ảnh là cuộc sống và Hội An đã là quê hương thứ hai của tôi. Tôi đang kinh doanh về in ấn ảnh nghệ thuật và làm dịch vụ ảnh trang trí khách sạn, nhà hàng, cung cấp file ảnh nghệ thuật tại phố cổ...

 
 

Xin hãy kể cho chúng tôi biết bộ ảnh đầu tiên mà anh đã “chụp” về đề tài gì, ở đâu? Thời điểm đó có gì khó khăn, thách thức? Anh có thể mạnh dạn nói một chút, so sánh một chút với các tác phẩm ảnh gần đây của mình?

Bắt đầu biết về ảnh nghệ thuật từ năm 2003, với tác phẩm: Qua đồi cát. Rồi sau đó cũng vì lo chuyện cơm áo, gạo tiền, nên mãi đến 2006 mới bắt đầu “chơi” lại. Thời điểm bấy giờ rất khó khăn cho sáng tác, về công nghệ lúc này chưa có máy số, phải chụp bằng phim, mà một khi chụp phim thì chắn chắn sẽ không linh hoạt khi bấm máy, dễ bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp, việc xử lý ảnh cần phải có tay nghề kỹ thuật cao và đáng kể là nếu không vững  tay nghề là rất dễ bị “đốt” tiền… Hơn nữa, trước đây làm nghề ảnh chưa có điều kiện nghiên cứu, xem nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ lớn, có tên tuổi nên tự phải học hỏi và tư duy sáng tạo...

Hiện nay công việc nhiếp ảnh, làm nghề ảnh thì phương tiện đã hỗ trợ nhiều, kỹ thuật cũng được chia sẻ…; nhưng dù có hiện đại đến đâu thì cái cơ bản của người nghệ sĩ nhiếp ảnh vẫn phải có Ý TƯỞNG -  QUAN SÁT - SUY NGHĨ - BẤM MÁY… để "chộp" lấy, ghi lại khoảnh khắc bằng tất cả cảm xúc của mình.

 

Phong cách nhiếp ảnh mà anh đam mê, theo đuổi là gì? Anh muốn truyền tải điều gì thông qua những bức ảnh của mình?

Cuộc sống quanh ta luôn là có những khoảnh khắc đẹp. Khoảnh khắc đó có thể là niềm vui, là hạnh phúc, là sự trải nghiệm, là sự yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp. "Những khoảnh khắc ấy là những mảnh ghép cho cuộc sống, dần dà chúng hiện lên theo năm tháng tạo nên một bức tranh to hơn, rộng hơn mà khi càng khôn lớn, con người ta ai cũng muốn vẽ lên đó những gam màu tươi sáng".

Phong cách nhiếp ảnh của tôi cũng khá đơn giản, thích chụp đời sống văn hoá và du lịch. Tác phẩm tôi mong muốn truyền tải đến người xem hiểu được bản sắc, giá trị văn hoá, cảnh đẹp của quê hương và đất nước tôi. Điều quan trọng là phải trân quý từng khoảnh khắc, yêu nghề và không ngừng đổi mới, sáng tạo bắt kịp xu thế phát triển của cuộc sống quanh ta.

 
 
  

Theo anh, yếu tố nào để định nên giá trị của một bức ảnh? 

Tác phẩm có chất lượng phải hội tụ được nhiều yếu tố, nội dung, ánh sáng, bố cục, ... phải sáng tạo bằng tất cả niềm đam mê của người nghệ sĩ; phải hướng đến giá trị: CHÂN – THIỆN – MỸ trong từng tác phẩm.

Cảm hứng sáng tạo nhất trong hoạt động nhiếp ảnh của anh là gì: Phượt, tìm hiểu về một sự kiện, về văn hóa của một vùng đất, một nhân vật đặc biệt nào đó hoặc…?

Bất kỳ hoạt động sáng tạo nghệ thuật nào cũng không hề giản đơn, nói đầy đủ và chính xác là đầy cam go, thách thức... Nhưng một khi người nghệ sĩ đã đam mê “cái nghiệp” của mình thì cũng thấy rất vui vẻ, vinh dự, tự hào. Tôi thích lang thang, trải nghiệm, khám phá văn hoá, con người ở những vùng đất mới....

Câu danh ngôn nào về nhiếp ảnh mà anh thích nhất? Anh có lời khuyên nào dành cho những người trẻ đam mê và muốn theo nghề nhiếp ảnh?

Sir Donald McCullin CBE - một phóng viên ảnh người Anh có nói rằng: “Nhiếp ảnh đối với tôi không phải là nhìn, mà là cảm. Nếu bạn không thể cảm nhận được những gì bạn đang nhìn, thì bạn sẽ không thể nào làm cho người xem cảm nhận bất cứ điều gì khi họ nhìn vào bức ảnh của bạn”. Tôi nghĩ, những ai yêu thích nhiếp ảnh nên xem đó là phương châm khi cầm máy.

Nhiếp ảnh là nghệ thuật quan sát, là một thú chơi rất có ích và lưu giữ được nhiều giá trị cho mình và xã hội, các bạn trẻ rất may mắn sinh ra trong thời buổi công nghệ nên các bạn may mắn tiếp cận được rất nhiều kiến thức. Nhưng trong sáng tác các bạn cần niềm đam mê vô tận, cần nắm bắt được xu hướng đời sống và văn hoá để có tư duy sáng tạo, đặc biệt không nên chắp ghép ảnh, hạng chế setup sai thực tế, hãy suy nghĩ và chọn cho mình một tư duy sáng tạo riêng...

 
 

 Anh có thể bật mí “bộ sưu tập” về những giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế của mình ? Anh có thể chia sẻ rõ hơn về bộ ảnh mà anh tâm đắc nhất, ấp ủ để thực hiện?

Tôi có suy nghĩ rằng, Nhiếp ảnh là một cách để cảm nhận, để rung động, để yêu thương; vì vậy, mỗi khi làm nghề, tôi luôn tự nhắc mình là đang có một ai đó chờ đợi mình ở cái khoảnh khắc tuyệt vời trong từng khuôn hình mà người nghệ sĩ bắt gặp, bấm máy. Phải biến những điều mới mẻ thành quen thuộc và biến những điều quen thuộc thành mới mẻ để tạo nên sức hấp dẫn, thú vị của mỗi bức ảnh.

Với những ai yêu thích nhiếp ảnh và xem nhiếp ảnh là nghề, là nghiệp và mưu sinh bằng hoạt động nhiếp ảnh như tôi, thì đoạt được các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế là niềm vinh dự, sự khích lệ rất lớn trên con đường sáng tác. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết, trên hết vẫn tùy thuộc vào giá trị, quan điểm sống, cách thức mà người nghệ sĩ nhiếp ảnh dấn thân.

Bộ ảnh tôi đang ấp ủ và quyết tâm thực hiện cho bằng được đó là bộ ảnh quảng bá về Du lịch Việt Nam. Nhiều người nhận định rằng, nhiếp ảnh rất có thế mạnh trong việc quảng bá du lịch Việt Nam; hơn nữa tình hình “đóng băng” du lịch hiện nay thì lại rất cần người nghệ sĩ nhiếp ảnh vào cuộc, cùng chung tay để khôi phục, phát triển du lịch của nước nhà, của Quảng Nam, của Hội An. Tôi nói thật, đất nước mình đẹp, đẹp lắm, đẹp vô cùng; phong cảnh thiên nhiên thì hùng vĩ, xinh đẹp, con người thì hiền hòa, thân thiện, du lịch Việt Nam tuyệt đẹp và đáng yêu ở rất nhiều góc độ kể cả đến từng góc nhỏ của cuộc sống. Đây là động lực để tôi theo đuổi và không ngừng sáng tạo.

Nếu có lời nhận xét về nhiếp ảnh Quảng Nam, anh sẽ nói gì? Theo anh, hoạt động nhiếp ảnh Quảng Nam trong thời gian tới nên như thế nào để xứng tầm với truyền thống cách mạng, văn hóa rất bản sắc nơi đây?

Theo tôi, hoạt động nhiếp ảnh của Quảng Nam trong những năm gần đây cũng đã có “chỗ đứng” nhất định trên “sân chơi” của khu vực, trong nước và quốc tế. Nhiều tác phẩm ảnh của nhiều nghệ sĩ có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật tốt; có tính nhân văn và thẩm mỹ cao; có sự tìm tòi, sáng tạo trong từng góc máy, tạo được hiệu quả thị giác ấn tượng, phong phú; có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, chạm được vào tâm cảm của công chúng.

 

Tuy nhiên, nhiếp ảnh Quảng Nam cần có khát vọng vươn khơi, vươn xa hơn nữa; cần có sự kết nối và động viên khơi niềm đam mê của những người cầm máy; tổ chức nhiều hơn các cuộc giao lưu về nhiếp ảnh cho các bạn trẻ và người mới chơi học hỏi và cọ sát. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng cần đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức những cuộc thi hằng năm nhân các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của dân tộc, quê hương để giới nhiếp ảnh có “đất” mà thỏa sức sáng tạo, vì ẩn phía sau mỗi bức ảnh dù là ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật đều phải hiểu đó là sự lưu giữ và nhân lên nhiều lần giá trị về một sự kiện, một nhân vật; là một thông điệp có ý nghĩa về du lịch, là sự truyền cảm hứng cho du khách check in; tác phẩm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh còn là lời mời gọi xúc tiến đầu tư, là sự quảng bá cho mảnh đất, con người và bản sắc văn hóa của quê hương…

Để làm được điều đó, đội ngũ những người yêu thích nhiếp ảnh Quảng Nam cần phải được “tắm mình” trong dòng chảy của đời sống xã hội để góp phần chuyển tải những năng lượng tích cực cho cuộc sống; hay nói một cách khác là hãy xách máy lên, nào ta cùng đi lên rừng, xuống biển…

 

Năm nay, tỉnh ta có rất nhiều sự kiện lớn được tổ chức như Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam; các hoạt động phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19…, anh có dự định gì mới có thể chia sẻ với mọi người?

Ngoài việc dõi theo, ghi chép, phản ánh thông qua các tác phẩm ảnh về sự kiện, ảnh nghệ thuật về các hoạt động kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam; tôi và các bạn nhiếp ảnh Quảng Nam cũng đã lên kế hoạch tổ chức các nhóm sáng tác về hình ảnh du lịch Quảng Nam, nhất là hưởng ứng chủ trương của tỉnh về phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19. Dự kiến vào tháng 4 năm nay sẽ tổ chức cuộc giao lưu, triển lãm kích cầu du lịch cho địa phương thông qua hoạt động trải nghiệm, sáng tác của 150 nhà nhiếp ảnh và nhà báo cả nước tụ hội về Hội An để quảng bá cho quê mình.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam PHAN CHÍN  trao đổi với chúng tôi về hoạt động nhiếp ảnh của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mai Thành Chương

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mỗi bức ảnh là một thông điệp về du lịch Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO