Mỗi ngày, tôi gọi là ngày vui

HỨA XUYÊN HUỲNH 23/07/2023 08:37

Ngày vui, không chỉ là nỗi khát khao tìm kiếm bấy lâu nay của người đời, mà đôi khi chúng có được từ sự lựa chọn…

Dòng “lạc khoản” lạ của học giả - dịch giả Nguyễn Hiến Lê cùng vài tác phẩm liên quan. Ảnh: H.X.H
Dòng “lạc khoản” lạ của học giả - dịch giả Nguyễn Hiến Lê cùng vài tác phẩm liên quan. Ảnh: H.X.H

1. “Long Xuyên, một ngày đẹp trời trong 365 ngày đẹp năm 1951”. Học giả Nguyễn Hiến Lê viết dòng “lạc khoản” như thế khi khép lại bài tựa cho một dịch phẩm. Vậy là, sẽ không có ngày nào xấu, ngày nào buồn đủ sức “chen” vào một năm ròng đối với học giả Nguyễn Hiến Lê. Từ một năm, có thể khái quát thành một quãng đời và cả cuộc đời.

Tất cả khởi nguồn từ khi học giả Nguyễn Hiến Lê đọc cuốn “How to stop worrying and start living” của Dale Carnegie, để sau này dịch thành “Quẳng gánh lo đi và vui sống”.

Ông thuật lại: “Từ khi vì duyên may được đọc cuốn sách ấy, đã thấy tâm hồn nhẹ nhàng, khoáng đạt hơn trước nhiều. Và mỗi lần có điều gì thắc mắc, mở sách ra, là thấy ngay cách giải quyết, chẳng khác Tôn Tẫn khi xưa mỗi lúc lâm nguy mở cẩm nang của thầy cho, tìm phương thoát nạn. Nếu đời người quả là bể thảm thì cuốn sách này chính là ngọn gió thần đưa ta tới cõi Nát bàn, một cõi Nát bàn ở ngay trần thế”.

Ai cũng biết, tác giả (Dale Carnegie) đã khéo léo bày vẽ cho nhiều thế hệ độc giả cách thức chặn đứng nỗi lo qua các phần viết về phương cách diệt lo, phân tích vấn đề rắc rối, diệt tật ưu phiền, luyện tinh thần để thảnh thơi, quy tắc thắng ưu tư, bảo toàn nghị lực và can đảm, mãn nguyện khi chọn nghề, bớt lo về tài chính…

Với lời tựa của dịch giả (Nguyễn Hiến Lê), độc giả hẳn cũng rất thích lối diễn đạt thú vị, kích thích sự tò mò, nhất là cụm từ “cõi Nát bàn/ Niết bàn ở ngay trần thế”. Riêng tôi thì chú mục hơn ở dòng “lạc khoản”. Chỉ một dòng ấy thôi (một ngày đẹp trời trong 365 ngày đẹp của năm) đủ để độc giả hình dung dịch giả đang mỉm cười khi viết lời tựa. Trước khi dừng bút, rất có thể ông đã bật cười sảng khoái.

Hãy đọc câu này: “Chúng tôi xin trân trọng tặng nó cho hết thảy những bạn đương bị con sâu ưu tư làm cho khổ sở trằn trọc canh khuya, tan nát cõi lòng. Ngay từ những chương đầu, bạn sẽ thấy tư tưởng sầu thảm của bạn tiêu tan như sương mù gặp nắng xuân và bạn sẽ mỉm cười nhận ra rằng đời quả đáng sống”.

2. Phải học cách “quẳng gánh lo”, tức mặc nhiên nhìn nhận “gánh lo” đã có sẵn và luôn oằn trên vai mỗi một con người.

Trước khi vào chương 1 tiểu thuyết “Cõi người ta”, nhà văn phi công Antoine de Saint-Exupéry kể lại những gì ông cảm nhận trong chuyến bay đêm đầu tiên ở Argentina. Hình ảnh ấy luôn hiển hiện trước mắt ông, một đêm đầy tăm tối, chỉ có những ánh đèn hiếm hoi rải rác lóe sáng dưới đồng bằng như những vì sao.

Những vì sao “nằm” dưới đồng bằng ấy đã gợi trong nhà văn Pháp những suy nghĩ gì? “Mỗi một ánh đèn làm hiện lên trong biển đêm tăm tối đó sự kỳ diệu của ý thức. Trong mái ấm này, người ta đọc sách, người ta suy nghĩ, người ta theo đuổi những tâm sự.

Trong mái ấm khác, có lẽ người ta tìm cách thám hiểm không gian, người ta dùng những phép tính để tìm hiểu về tinh vân Antromètre. Chỗ khác, người ta yêu nhau. Xa xa, dưới thôn xóm, có những ánh lửa leo lét, hiện thân của những con người đói khổ đang van xin lương thực…” (Cõi người ta, NXB Trẻ - 2001).

Lần đầu khi đọc những dòng này, trong tôi trỗi lên câu hỏi: Người ta đang làm gì bên dưới mái nhà của mình, mỗi ngày? Ở vào những thập niên đầu của thế kỷ 21, liệu rằng mối suy tư có khác lạ so với cách đó một thế kỷ: Tất cả đang đầy ắp niềm vui hay đâu đó vẫn leo lét buồn như ánh lửa nơi thôn xóm xa xôi? Và có người sẽ phải tìm học cách làm sao để khép lại nỗi lo?

3. Tuân Nguyễn, quê gốc Thừa Thiên Huế, người dịch cuốn “Con bim trắng tai đen” của Gavriil Troyepolsky, vốn cũng được biết đến với tư cách một nhà thơ. Tên ông được nhiều tác giả nhắc kèm với câu thơ “Cuộc đời vui quá, không buồn được”.

Nhiều bài thơ của ông được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên báo Văn học, báo Văn nghệ, tạp chí Đất Quảng… và chọn in trong tuyển tập “Thơ miền Trung thế kỷ XX”, như cuốn “Nhớ Tuân Nguyễn” do Trần Phương Trà sưu tầm, biên soạn (NXB Hội Nhà văn - 2008) đã ghi nhận.

Tuân Nguyễn có một cuộc đời đầy xáo trộn, thậm chí vướng vòng lao lý, ra tù cưới vợ (là con gái nhà văn Hoài Chân, một trong 2 tác giả của “Thi nhân Việt Nam”) để rồi kết thúc vội vã ở tuổi 49 sau một tai nạn giữa đường phố Sài Gòn đông đúc khi đang đạp xe chở báo về cho vợ bán…

“Đối chiếu” đời và thơ, để nhận ra câu “Cuộc đời vui quá, không buồn được” còn hơn cả một tuyên ngôn thơ. Một tuyên ngôn thơ chứa đầy nghịch lý, nhưng vẫn hàm chứa nỗi khát khao, có sức sống kỳ lạ giúp con người ta vượt lên nỗi đau…

Ngay trong tuyển tập thơ văn của Tuân Nguyễn, bài thơ “Chỉ cần em vui” (do Giáo sư sử học Chương Thâu cung cấp) cũng có những ý thơ reo vui khi tác giả dạo bước giữa đường chiều Hà Nội hồi năm 1961: “…Và anh bỗng vui như giữa ngày hội lớn/ Thấy trên môi em những nụ yêu đời/ Chỉ cần em cười thôi, dù không phải với anh/ Anh cũng đã thấy lòng anh như mặc toàn áo mới”.

*
*        *

Khoảng một thập niên kể từ khi học giả Nguyễn Hiến Lê viết dòng “lạc khoản” ít nhiều mang tính chơi chữ giới thiệu cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, thế giới ghi nhận ý tưởng coi trọng hạnh phúc quốc gia hơn thu nhập quốc dân dần bắt nguồn từ Bhutan, để rồi quốc gia nhỏ bé này xác lập nhiều mục tiêu đạt đến hạnh phúc. Ngót 40 năm sau, vào tháng 6/2012, Liên Hiệp Quốc mới chính thức chọn ngày 20/3 hằng năm là Ngày Quốc tế hạnh phúc (International Day of Happiness).

International Day of Happiness chỉ có 1 ngày để nhắc nhớ, với các yếu tố cốt lõi để khiến cộng đồng an vui như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý, mức sống…

Còn với thơ ca nhạc họa, người nghệ sĩ luôn biết cách làm thăng hoa nỗi buồn mỗi ngày, như tựa một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Và một khi 365 ngày trong năm đều là ngày đẹp, xin mượn tựa ca khúc ấy để nói rằng, mỗi ngày tôi gọi là ngày vui…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mỗi ngày, tôi gọi là ngày vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO