Ngư dân nói không với rác thải

VIỆT NGUYỄN 24/11/2021 07:50

Ngày càng có nhiều ngư dân nói không với rác thải, chung tay làm sạch bãi biển.

Các ngư dân luôn chung tay bảo vệ môi trường biển, làm sạch bãi biển Tam Thanh. Ảnh: V.N
Các ngư dân luôn chung tay bảo vệ môi trường biển, làm sạch bãi biển Tam Thanh. Ảnh: V.N

Tín hiệu vui

Với hơn 190 tàu thuyền khai thác hải sản, lượng rác trước đây ngư dân xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) thải ra môi trường trong những chuyến biển ngắn ngày và dài ngày là không nhỏ. Thực trạng ô nhiễm môi trường biển đã đánh thức ý thức không xả rác thải ra biển của cộng động ngư dân nơi đây.

Ngư dân Nguyễn Văn Vui (thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh) cho biết, trong các chuyến đánh bắt, thường thấy nhiều loại rác thải như túi ny lon, lon bia, vỏ chai, can nhựa... trôi nổi trên biển.

“Qua thông tin trên báo đài và tuyên truyền ở địa phương, chúng tôi biết, tình trạng này nếu không được cải thiện thì môi trường biển sẽ biến động, các loài hải sản khó sinh sôi phát triển.

Cho nên trong các chuyến ra khơi chúng tôi luôn vớt rác trên biển và kêu gọi ngư dân trên địa bàn cùng vớt rác, bảo vệ môi trường biển. Tôi cũng vận động ngư dân luôn nhặt rác, dọn rác ở bãi biển Tam Thanh. Rất mừng là sự chung tay của ngư dân đã ngày càng lan tỏa tinh thần nói không với rác thải” - ông Vui nói.

Đi biển gần 30 năm nay, với tâm niệm bảo vệ biển chính là bảo vệ sinh kế của mình, ngư dân Nguyễn Văn Ba (thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh) luôn tự nhắc mình không xả rác ra biển và dọn rác khi thấy trôi trên biển. Từ nghề đánh bắt hải sản, ông Ba đã tích lũy vốn liếng đầu tư nhà hàng Biển Xanh và homestay Biển Xanh trên địa bàn để phục vụ du khách.

Ông bảo: “Biển sạch thì các loài hải sản mới có thể sinh sôi nhanh. Bãi biển đẹp thì du khách mới thường xuyên đến ăn uống, nghỉ lại. Phải giữ gìn và làm đẹp thêm vốn liếng quý của quê hương” - ông Ba chia sẻ.

Ở xã Tam Quang (Núi Thành), nhiều chủ tàu cá sản xuất xa bờ trang bị túi lớn để chứa các loại rác thải trong suốt chuyến biển. Ngư dân Trần Sành (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) - chủ tàu cá QNa-91259 cho biết: “Trước đây tôi cũng có thói quen xả rác xuống biển, nhưng nay đã nhận thức được tác hại nên thôi và kêu gọi các ngư dân khác cùng bảo vệ môi trường biển. Việc này được thực hiện nhiều lần thành quen, ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển”.

Cùng chung tay

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp với Bộ NN&PTNT, địa phương có nghề cá trên toàn quốc đã và đang triển khai các chương trình cùng hành động giảm thiểu rác thải ở biển. Trong đó, kêu gọi, nhắc nhở ngư dân khi đi khai thác hải sản cần trang bị túi, dụng cụ đựng rác thải trên tàu thuyền để tránh xả rác xuống biển, vớt các loại rác mang về bờ; khi thấy ngư lưới cụ trôi nổi trên biển, thu gom đem về bờ xử lý.

Ông Nguyễn Anh Đồng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Thanh cho rằng, chương trình của WWF Việt Nam rất thiết thực, xã Tam Thanh hưởng ứng bằng cách phối hợp với ngành thủy sản tỉnh tổ chức các chương trình tuyên truyền, vận động ngư dân không xả rác ra biển, thu gom, vớt rác đưa về bờ xử lý. Chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trên địa bàn thường xuyên phối hợp với ngư dân tổ chức hoạt động dọn sạch rác ở bãi biển.

Chính phủ đã có Quyết định số 1746 về kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu nhằm thực hiện hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, bảo đảm ngăn ngừa xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền, trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Quảng Nam sẽ thí điểm xây dựng mô hình đoàn tàu thu gom rác thải, bảo vệ môi trường biển, nguồn lợi hải sản và nhân rộng khi cho thấy hiệu quả.

Còn bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường chia sẻ, Quảng Nam luôn tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của biển với đời sống, từ đó kêu gọi sự chung tay bảo vệ môi trường biển, sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bằng các hành động thiết thực.

Qua triển khai các chương trình, kế hoạch, đã có sự chung tay, tham gia đông đảo của lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, các câu lạc bộ, các đội, nhóm tình nguyện... Cam kết bảo vệ môi trường biển cũng được xác lập từ chính quyền các địa phương ven biển, tổ chức, doanh nghiệp.

Quảng Nam còn xây dựng các chiến lược, chương trình bảo vệ môi trường biển với nhiều giải pháp dọn rác trên bãi biển, truyền thông về vẻ đẹp của biển, vai trò bảo vệ biển của ngư dân, cộng đồng cư dân ven biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngư dân nói không với rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO