Ẩm thực trong lễ hội cũng là một đặc sắc của xứ sở, gây nhớ gây thương với người về dự cuộc hội làng.
Tháng Hai, khi gốc gạo già điểm bông đỏ rực, người người lại nô nức về thượng nguồn sông Mẹ trẩy hội Bà Thu Bồn. Giữa mênh mang sông nước hữu tình, du khách ngược xuôi đắm mình trong không gian lễ hội và thưởng thức các loại bánh trái, sản vật của địa phương.
Những sản vật này được làm từ tâm huyết, lòng tôn kính, biết ơn bà mẹ xứ sở của cư dân sông nước, gửi gắm ước vọng về năm mới mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Hành trình khám phá ẩm thực lễ hội của khách thưởng ngoạn bắt đầu từ mâm bánh truyền thống dâng cúng Bà với các loại bánh ít, bánh chưng, bánh ú, bánh gừng. Tận mắt chứng kiến những đôi tay khéo léo nhào bột, nặn bánh, tỉ mỉ làm nên những chiếc bánh độc đáo, đặc trưng hương vị dân gian mới cảm nhận được lòng thành kính được gởi gắm.
Xuôi dòng về Hội An, Cẩm Nam là vùng đất màu mỡ, trù phú được bao bọc bởi các nhánh của hạ lưu sông Thu Bồn. Từ lâu bắp nếp Cẩm Nam đã trở thành đặc sản của phố cổ. Khi hơi xuân mát mẻ còn vương trên ngọn lá, ngày hội bắp nếp Cẩm Nam diễn ra và níu chân du khách bằng mùi bắp nếp ngọt ngào.
Ngay tại cánh đồng bắp xanh mướt, mỗi du khách có trải nghiệm riêng cho mình về quá trình trồng, chế biến và thưởng thức hương vị của từng món ăn từ bắp nếp như bắp luộc, nướng, chè bắp, ram bắp, sữa bắp… Mỗi món ăn giúp ta thêm hiểu, thêm thương sự cần cù, chịu khó của người nông dân. Nỗi nhớ quê xứ như cựa mình trước mùi vị thơm ngọt từ trái bắp lớn bằng phù sa sông Mẹ.
Đến hẹn lại lên, ở mỗi vùng đất, cư dân bản xứ sẽ có những lễ hội, ngày hội theo đặc trưng riêng. Ngoài câu chuyện lịch sử hình thành, phát triển vùng đất, đời sống cộng đồng, phong tục tập quán thì lát cắt về ẩm thực chính là nét đặc trưng tạo nên bản sắc riêng.
Tham gia lễ hội, thức ăn uống không chỉ là trải nghiệm vị giác, mang hương vị đặc trưng mà còn là món quà. Theo chân du khách, những món ẩm thực sẽ lan tỏa câu chuyện về lễ hội, niềm tin thiêng liêng, nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán. Và, mỗi khi có dịp chạm đến “vị” của món ăn, ta “tận hưởng” lớp trầm tích đặc sắc của vùng đất, cộng đồng dân cư gắn với nó.