(QNO) - Ba mẹ đều hy sinh sau trận đánh bom của Mỹ - ngụy, mới 13 tuổi Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) đã thoát ly và tham gia vào ngành Thương nghiệp Đặc khu Quảng Đà, sau đó vào bộ đội, trực tiếp đánh giặc trong Tết Mậu Thân năm 1968. Bao kham khổ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng cậu Tuấn rất can trường. Những ngày đầu hoạt động được bà con chở che, đùm bọc như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của vị Tướng này.
Đang là học sinh lớp 7 (Trường cấp 2 Giải phóng), chàng thiếu niên Nguyễn Thanh Tuấn đã biết phụ giúp các chú, các anh chị ở cửa hàng 3 (ở xã Đại Thắng, vùng B Đại Lộc, Quảng Nam lúc bấy giờ) ghi chép sổ sách kế toán khi thiếu người.
Những ngày cuối năm 1967, Mỹ - ngụy “đánh hơi” thấy khả năng ta sẽ có đợt tiến công lớn, nên chúng đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét, đánh phá vùng B rất ác liệt. Bom đạn pháo cày xới liên tục ngày đêm, nhiều cán bộ và đồng bào ta bị giết hại. Ba và mẹ của Nguyễn Thanh Tuấn cũng hy sinh trong thời điểm ấy. Biết hoàn cảnh, cửa hàng đã động viên cậu Tuấn thoát ly, tham gia vào ngành thương nghiệp Đặc khu Quảng Đà. Và anh đã đồng ý.
Chỉ vài ngày sau, chàng thanh niên trẻ Thanh Tuấn cùng các anh, chị từ quê nhà lên căn cứ của Tiểu ban Thương nghiệp - Mậu dịch Đặc khu (tại một vùng núi của huyện Đại Lộc - cách phía Đông dốc Ông Thủ khoảng vài giờ đi bộ). Nguyễn Thanh Tuấn được các anh, các chú bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán. 13 tuổi đã phải sống tự lập. Bao nhiêu kham khổ, nỗi đau tột cùng là bấy nhiêu thử thách, sức chịu đựng trong vóc dáng của một con người nhỏ nhắn. May nhờ có các cô, chú nuôi nấng, giúp đỡ, kèm cặp.
Sau hơn nửa tháng học tập, Nguyễn Thanh Tuấn được phân công về Cửa hàng 7 và hoạt động khu vực vùng phía Đông của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Nguồn hàng hóa thu mua chủ yếu từ Hội An đưa ra, đa phần là muối, gạo, mắm cái, thịt hộp, cá hộp và một số nhu yếu phẩm khác... Anh được giao nhiệm vụ làm kế toán cho một Tổ mua hàng. Hàng hóa mua về được bộ phận dân công cùng đội vận tải đưa về căn cứ hoặc xuất cấp tại chỗ cho các đơn vị quân đội hoạt động, đóng quân trong vùng.
Một kỷ niệm đầu tiên theo ông suốt đời quân ngũ là khi được phân công ở cùng nhà một người dân. Thím tên là Quý. Những ngày ở trên núi Nguyễn Thanh Tuấn liên tục bị sốt rét rừng. Khi xuống đồng bằng vẫn liên tiếp bị những cơn sốt hành hạ đến thừa sống, thiếu chết. Song do nhiệm vụ, anh vẫn đi mua hàng.
Cái bệnh sốt rét khi mắc phải thật khó chịu. Nó như người giả bệnh. Cả ngày đi làm bình thường, tối về lên cơn sốt, hết nóng lại đến ớn lạnh, toàn thân ê ẩm. Mỗi lần lên cơn sốt, nhờ có thím Quý chườm khăn, pha nước chanh, giúp Nguyễn Thanh Tuấn bao phen qua cơn nguy kịch.
Như thường lệ, ngày hôm đó, Nguyễn Thanh Tuấn đi mua hàng, đến chiều về lại nhà thím Quý. Thím đã dọn sẵn bữa cơm canh. Hôm ấy, mâm thức ăn có một món đặc biệt đó là món ram thịt. Thím nói: “Trưa nay nhà có giỗ, nhưng con không ở nhà, thím để lại con ít ram, con ăn cho nóng, để nguội mất ngon. Sốt miệng đắng khó ăn, cố gắng ăn hết cơm với ram nghe con!”.
Hôm đó, anh ăn rất ngon miệng. Đêm đấy, cơn sốt rét không còn hành hạ anh như các đêm trước, ngày hôm sau chỉ thoáng qua và dứt hẳn. Đến ngày thứ ba, khi hết sốt, thím Quý mới hỏi Nguyễn Thanh Tuấn rằng: "Con biết ram con ăn hôm trước là ram gì không?"
Anh Tuấn bảo: "Hôm trước thím nói rồi còn gì, là ram thịt".
Thím cười và bảo: "Không phải. Thấy con sốt mà thím xót ruột quá. Nghe bà con lối xóm đồn, khi sốt ăn trùn khoang cổ sẽ khỏi. Bữa đó thím đi đào trùn về, làm sạch, rồi băm nhỏ trộn với trứng gà, thêm gia vị làm ram dành cho con ăn đấy. Nhưng sợ con không dám ăn. Cả nhà bàn nhau nói trưa có giỗ để phần ram cho con. Mà thật may bệnh sốt của con đã khỏi. Cầu trời phật, ba, mẹ con linh thiêng phù hộ cho con bình an, mạnh giỏi…".
Cô con gái nhỏ của thím nhìn chàng thiếu niên Tuấn mà cười khúc khích. Chắc bé rất vui vì thấy anh Tuấn bị lừa một cách dễ thương nhất. Nguyễn Thanh Tuấn đã vượt qua cơn sốt rét từ món ăn này. Từ ngày ấy, đã đọng lại trong ông một ơn nghĩa không thể nào quên. Đó là lòng dân và ơn dân!
Đến đầu năm 1968, ta mở Chiến dịch tổng tiến công Tết Mậu Thân, gây cho địch tổn thất nặng nề. Chỉ trong thời gian ngắn, quân giải phóng đã tiến công hơn 400 chi khu, tiểu khu, thành phố, thị xã của Mỹ, ngụy ở miền Nam. Sau Tết, địch phản kích quyết liệt, chúng đánh khắp mọi nơi, hễ nghi ngờ là chúng ném bom, nã pháo. Cửa hầm y tế tại thôn 2, xã Xuyên Tân (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thời bấy giờ) nơi cán bộ ta đang ẩn náu bị bom hất bay. Nguyễn Thanh Tuấn suýt chết trước quả bom ấy. Mỹ ngụy càn quét liên tục, cửa hàng không thể hoạt động, phải giải thể. Nguyễn Thanh Tuấn được phân công về làm kế toán ở Cửa hàng 3 đứng chân tại vùng B Đại Lộc. Sau này, ông có dịp quay lại, lần hỏi tin mới hay thím Quý đã mất vì đạn pháo của Mỹ. Bà con lối xóm cũng bị bọn ngụy lùa vào khu dồn dân, từ đó không còn tin tức gì về người nhà của thím Quý.
Tại Vùng B, cửa hàng làm nhiệm vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho Tiểu đoàn 91 (Đặc công Lam Sơn, vừa hành quân từ miền Bắc vào chiến trường Quảng Đà, được Quân khu bổ sung về trực thuộc Mặt trận 44). Cơ duyên vào bộ đội của vị Trung tướng này bắt đầu từ đây. Gặp anh Đinh là Trung đội trưởng thông tin, Nguyễn Thanh Tuấn bạo dạn hỏi: "Em muốn xin đi bộ đội được không?".
Anh Đinh bảo: "Chắc được thôi. Em cứ chuẩn bị đi, anh về báo cáo với chỉ huy Tiểu đoàn. Nếu được, lần sau anh sẽ thông báo".
Vài ngày sau, người Trung đội trưởng gặp Nguyễn Thanh Tuấn và nói: "Tiểu đoàn hoan nghênh và tiếp nhận em vào đơn vị. Em hãy chuẩn bị lên đường nhập ngũ".
Mặc dù không được dặn dò trước phải giữ thông tin, nhưng chàng thiếu niên Nguyễn Thanh Tuấn vẫn giữ bí mật, không nói với ai. Anh âm thầm, lặng lẽ làm mọi việc, quyết toán sổ sách đầy đủ và viết lại một bức thư thông báo với lãnh đạo cửa hàng: “Tôi xin phép đi bộ đội để trực tiếp trả thù cho ba, mẹ đã bị giặc Mỹ giết hại và tham gia trực tiếp đánh giặc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Và Nguyễn Thanh Tuấn đã đầu quân về Tiểu đoàn Đặc công 91 từ ngày ấy...
Giờ đây ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn vẫn thường xuyên được các cấp, ngành, chính quyền địa phương cả nước mời tham gia hội thảo lịch sử, nói chuyện thời sự, báo cáo chuyên đề, giảng bài chính trị... Trải qua những cuộc chiến, trận đánh, người chiến sĩ Giải phóng quân năm xưa vẫn đau đáu mong một lần được viếng mộ và gặp lại người thân thím Quý.