Một người Quảng ở Cali

PHẠM XUÂN HÙNG 30/09/2023 08:28

Nghe vợ chồng tôi sang thăm chơi, Uy Nguyễn đã nhắn tin hẹn. Uy Nguyễn là bạn cùng lớp cấp 3 với vợ tôi, cùng quê Duy Xuyên. Muốn gặp nhau, tôi phải đi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, cách xa hàng ngàn cây số, lệch đến 3 múi giờ. Thật tình, không có Uy Nguyễn tôi cũng sẽ sang bờ Tây bởi nhiều người bảo, nếu ai chưa đến Cali (bang California) nhất là khu vực quận Cam thì chưa biết đến cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Uy Nguyễn (ngoài cùng, bên trái) tại khu thương xá Phước Lộc Thọ ở bang Cali.Ảnh: X.H
Uy Nguyễn (ngoài cùng, bên trái) tại khu thương xá Phước Lộc Thọ ở bang Cali.Ảnh: X.H

1. Từ thành phố Las Vegas thủ phủ cờ bạc, mất gần 6 giờ đồng hồ trên đường cao tốc xuyên qua sa mạc Mojave tôi mới đặt chân đến thành phố Los Angeles. Nghỉ lại một đêm, sáng sớm mai cả nhà bắt xe uber (một dạng taxi công nghệ phổ biến ở Mỹ) đến khu thương xá Phước Lộc Thọ, nơi tập trung người Việt đông nhất quận Cam như lời hẹn với Uy Nguyễn.

Tầm gần trưa, tranh thủ trong lúc chờ Uy Nguyễn, tôi dạo một vòng quanh khu thương xá Phước Lộc Thọ. Đó là một tòa nhà rộng, hai tầng, kiến trúc pha trộn nhưng cơ bản vẫn toát lên nét Việt.

Tầng một gồm nhiều gian hàng bán mỹ phẩm, áo quần thời trang các kiểu. Tầng 2 thiết kế theo hình chữ U, rất nhiều quầy hàng bán các sản phẩm cao cấp như vàng bạc, đá quý, đồ mỹ nghệ. Cả khu thương xá ước có khoảng 400 gian hàng.

Chủ các gian hàng hầu hết là người Việt Nam, nói giọng đủ các vùng miền. Biết tôi là du khách người Việt ai cũng thân thiện nhưng không quá xởi lởi. Thì cũng phải thôi, Phước Lộc Thọ ngày nào cũng đón bao nhiêu là lượt du khách từ Việt Nam sang thăm chơi, nên việc gặp gỡ đã trở thành “chuyện thường ngày” ở đây.

Uy Nguyễn đến, tay bắt mặt mừng, giọng Quảng rổn rảng, tự nhiên như người nhà. Uy Nguyễn đến một mình, tự lái chiếc ô tô Bentley đời mới nhất năm 2023. Thấy tôi nhìn chiếc xe, Uy Nguyễn bảo: “Chiếc này em mới lấy, đặt mấy tháng xe mới về. Giá nó ở Mỹ tầm 350.000 đô la. Về Việt Nam chiếc này tầm hai mấy tỷ”. Uy Nguyễn vừa dẫn tôi ra xe vừa bảo “anh sang đây không có nhiều thời gian nên em sẽ chở anh đi lòng vòng, thăm thú các nơi. Trên đường đi mình trò chuyện luôn thể”.

Những điểm mà Uy Nguyễn chở gia đình tôi ghé chơi là những địa chỉ du lịch khá nổi tiếng như khu tập trung cộng đồng người Việt Little Saigon, công viên Disneyland, Huntington Beach…

Ghé thăm khu người Việt, Uy Nguyễn kể, giọng tự hào: “Trước đây cỡ mười lăm, hai mươi năm, ở đây chỉ có một phần người Việt, còn lại là người Hoa, người Hàn, người Ấn, người Mễ (Mexico)... Nhưng dần dần, nhiều người Việt làm ăn phát đạt, mua lại đất đai, hàng quán. Các nhóm cư dân khác cứ thế thu gọn, chuyển đi nơi ở mới thành ra bây giờ ở đây chỉ toàn là người Việt”.

Nhắc đến chuyện người Việt làm ăn phát đạt, tôi đùa: “Uy Nguyễn cũng là người Việt thành công đấy chứ”. Uy cười: “Vậy thì em chở anh đến thăm chơi một cơ sở kinh doanh của em”.

Dọc đường đi, lắp nối các mẩu chuyện tôi hình dung ra chặng đời đã qua của Uy Nguyễn với những nỗ lực phấn đấu tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đã gặt hái kết quả trên đất Mỹ.

Uy Nguyễn là tên ở Mỹ, họ tên khai sinh đầy đủ ở Việt Nam là Nguyễn Anh Uy, sinh năm 1970. Quê Uy Nguyễn ngay thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), anh sang đây từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước. Uy Nguyễn nhớ lại lúc mới sang, đó là khoảng thời gian anh chật vật, nhiều lúc như rơi vào trầm cảm.

Ngày ấy cộng đồng người Việt chưa đông như bây giờ, nghề nghiệp chuyên môn cũng chưa có nên tìm kiếm việc làm rất khó. Uy Nguyễn bắt đầu từ việc đi bỏ báo. Nghĩa là sáng sớm anh phải rời nhà, đi đến nhà in nhận báo vừa in xong cho vào các tệp nilon, rồi cứ theo địa chỉ đến đặt trước cửa nhà người ta.

Nghe tưởng dễ nhưng Uy Nguyễn bảo, công việc này phải đi sớm, nhiều hôm mưa gió, rét mướt, bụng đói chưa kịp ăn sáng, mệt muốn xỉu. Đó là chưa kể việc anh phải vừa làm vừa đăng ký học lấy bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh.

Giai đoạn tiếp theo, Uy Nguyễn học xong, xin vào làm ở một cơ sở kinh doanh do một người Hàn Quốc làm chủ. Với đồng lương tích cóp lẫn kinh nghiệm làm ăn, quan hệ với các doanh nghiệp, một thời gian sau, Uy Nguyễn xin thôi việc và bắt đầu khởi nghiệp.

2. Khác với tôi hình dung, cơ sở kinh doanh của Uy Nguyễn tại Cali khá rộng, hai tầng, diện tích cả ngàn mét vuông. Đến đây, gặp các nhân viên tôi mới hay Uy Nguyễn là Tổng Giám đốc điều hành Công ty Teletron, một công ty khá lớn và có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện máy và nội thất cao cấp.

Uy Nguyễn giới thiệu sản phẩm của công ty Teletron. Ảnh: X.H
Uy Nguyễn giới thiệu sản phẩm của công ty Teletron. Ảnh: X.H

Mới nhìn thôi đã thấy quy mô của công ty, toàn bộ hai tầng trưng bày các sản phẩm điện máy như ti vi, tủ lạnh, máy sưởi… đời mới, giá mỗi chiếc tầm vài ngàn đô la Mỹ. Riêng nội thất thì có những sản phẩm tôi chưa hề nghe nói đến.

Có những chiếc giường mà tấm nệm đan bằng sợi nano, góp phần chữa bệnh, giá khoảng 25.000 đô la Mỹ. Lại có những chiếc giường thông minh, tự động điều chỉnh đầu vai gáy để chống ngáy, phía dưới gắn các cảm biến, mắt thần, thiết bị theo dõi đo nhịp thở, nhịp tim, huyết áp…

Người nằm nếu gặp chuyện bất trắc, chiếc giường thông minh sẽ gửi cảnh báo khẩn cấp đến bác sĩ gia đình. Tôi hỏi giá, Uy Nguyễn bảo, chiếc giường thông minh này tầm khoảng 40.000 đô la Mỹ, xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Trò chuyện với các nhân viên công ty Teletron, mới hay họ rất hài lòng với công việc, mức lương thuộc vào loại khá ở Mỹ. Họ nói, phần lớn sản phẩm kinh doanh của công ty là mặt hàng độc quyền của nhà sản xuất nên khách hàng rất chuộng. Sản phẩm cũng chỉ dành cho giới trung lưu trở lên, có thu nhập cao nên lợi nhuận cũng tương ứng.

Uy Nguyễn còn cho tôi hay, hiện công ty anh đã mở 16 địa chỉ kinh doanh ở hơn 10 bang và thành phố đông dân, ở cả hai bờ Đông và Tây nước Mỹ. Doanh số hàng năm của công ty đã lên 8 chữ số, nghĩa là ít nhất cũng hơn trăm triệu đô.

3. Vừa dạo chơi, vừa ghé vài nơi ăn uống, tôi có cảm giác người Việt ở đây đã là một cộng đồng lớn, chi phối mạnh mẽ các ngành nghề kinh doanh. Từ cơ sở nhỏ như quán ăn, quầy cà phê đến lĩnh vực nhà hàng, khu vui chơi và đến cả những cơ sở kinh doanh lớn trong các ngành nghề mua bán bất động sản, máy móc, thiết bị công nghệ cao.

Thậm chí, nhiều người Việt giàu có đã mang tiền về đầu tư ở Việt Nam và tiếp tục có những thành công. Như Uy Nguyễn, anh đã từng về Đà Nẵng lúc thành phố chưa phát triển, góp vốn mua một khu đất ở ven biển, xây dựng khách sạn và kinh doanh phát đạt.

Công ty Teletron của Uy Nguyễn tại Cali.Ảnh: X.H
Công ty Teletron của Uy Nguyễn tại Cali.Ảnh: X.H

Trong khi ăn tối, tôi dò hỏi Uy Nguyễn về công việc và những chuyến đi về Việt Nam của anh. Dò hỏi bởi tôi đã nhìn thấy trong phòng làm việc của anh có treo nhiều bằng khen, giấy chứng nhận, các vật phẩm lưu niệm từ quê nhà như Hội đồng hương Quảng Nam, Hội doanh nhân đất Quảng…

Chừng như biết ý tôi, Uy Nguyễn rất kiệm lời khi nói về mình hay các công tác thiện nguyện mà anh tham gia. Nhưng Uy Nguyễn không hay, với thông tin thời 4.0, trước khi đến đây tôi đã biết, ngoài chuyện kinh doanh, anh cũng nặng lòng với quê nhà, bạn bè, làng xóm và gia đình.

Bên cạnh đóng góp cho quê hương xứ Quảng, hiện ở Mỹ, Uy Nguyễn còn là thành viên tích cực trong việc kêu gọi đóng góp tài chính và hỗ trợ các sinh viên gốc Việt có đời sống khó khăn.

Đặc biệt, hiện ở Washington D.C và miền Nam California, anh còn tạo quỹ trao học bổng cho những sinh viên người Việt vừa có thành tích cao trong học tập, vừa thực hiện được các hoạt động gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam trên đất Mỹ.

Anh cũng thường xuyên tài trợ cho các công trình tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ của người Việt ở Cali. Thỉnh thoảng, anh còn đi trao quà các dịp lễ, tết như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… cho trẻ em người Việt ở đây.

Trước khi chia tay, tôi ghé thăm nhà Uy Nguyễn. Một ngôi nhà khang trang, bài trí rất giống với những ngôi nhà ở Việt Nam. Phía sau có khu vườn nhỏ với nhiều loại cây trái nhiệt đới như cam, chanh, bưởi…

Anh tâm sự, hai đứa con trai sinh đôi của anh đã lớn, đang học năm thứ hai đại học. Một cháu học ngành y và cháu còn lại đang học ngành khoa học với mơ ước sau này làm việc ở cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ Nasa. Còn anh, mơ ước là thành công hơn nữa trong kinh doanh, ngõ hầu làm thêm những việc cần làm cho làng xóm, cho quê nhà ở xứ Quảng…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một người Quảng ở Cali
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO