(VHQN) - Sử làng, sử quê, lắm lúc là một nhịp thở khi ngồi trước hiên nhà. Nhớ cha nhớ mẹ, cái rộc cái ruộng trước làng giờ đã thành ký ức...
1. Tôi nhớ bữa uống rượu ở nhà chị Ba Sắc (xã Duy Phú, Duy Xuyên). Khi tôi hỏi chuyện cúng kính thổ thần đất đai, anh Hai Chơi - người nhà chị Ba Sắc nói, cũng khấn vái như các nơi, và phải khấn thần linh Mỹ Sơn, bởi mình sống ở đất Chăm xưa, răng không có được.
Chỗ nhà chị Ba Sắc đi mấy bước là vô tháp Mỹ Sơn.
Nghe tới đó, tôi sực nhớ cũng đêm uống rượu ở An Lương (Duy Hải). Ông già thằng bạn cùng lớp cấp 3 nói khấn vái phải nói có Bà… đỡ, xin Bà đỡ. Nơi đây một thuở, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên, từng tồn tại Hải Phố - một thương cảng trước mặt Hội An, có trước Hội An. Về sau khai quật khảo cổ học, gặp những mỏ neo bự chảng. Di tích Chăm ở đây không thiếu.
Giờ thì tôi đang ngồi với thầy giáo Đoàn Ngọc Ân ở tư gia ông. Hồi đi học, thầy là hiệu phó trường cấp 3 Duy Xuyên. Chúng tôi bất ngờ…thọ giáo thầy, bởi bữa đó môn Sử vắng giáo viên, lớp ồn như Chợ huyện (sát trường Sào Nam bây giờ có Chợ huyện).
Thầy đi ngang qua, tạt vô, “xổ chiêu” luôn, bài về Hội nghị Paris. Tôi nhớ vắn tắt là thầy minh định tại sao hội nghị bàn tròn mà không bàn vuông? Đó là lối dạy… hơi hiếm, không nệ lý thuyết lung tung dài dòng.
Tôi tìm thầy, ngoài việc tin ông có kiến văn sử - địa cứng, thì còn lý do ông là đồng tác giả cuốn “Duy Xuyên - Vùng đất và con người” xuất bản 2016, được tái bản năm 2020.
Thầy nói, em lưu ý Quảng Nam là đất… hợp chủng quốc, bởi dân Thanh - Nghệ - Chăm cùng sống trên một vùng đất. Nói Duy Xuyên ảnh hưởng Champa là dứt khoát không sai, bởi có Mỹ Sơn, mà không cần chi lên tới Mỹ Sơn, thói quen dân mình là nói Bà đỡ, rồi cúng miếu Bà! Tại sao không phải ông mà là bà?
Ngoài yếu tố mang tính Phật giáo, tôn thờ Quan Thế Âm, thì lưu ý Bà là mẫu hệ, là Chăm. Sự hòa trộn máu huyết nhứt định phải có. Chưa nói vùng đông, có yếu tố Minh Hương chạy loạn qua, pha trộn.
2. Chuyện Champa ở Duy Xuyên, sách vở đầy ra đó. Nhưng tôi muốn “vặn” một yếu tố khác: Đất quy định con người, vậy người Duy Xuyên, ví dụ khác Hội An, Điện Bàn ra sao? Bởi tôi vẫn ám ảnh chỉ cách cây cầu Câu Lâu, nhưng bên tê cầu nổi tiếng bò thui Cầu Mống, bên ni thờ thần bò Ninga!
Thầy nói, khác Hội An ở chỗ quê mình là thuần nông, bên Hội An là dân buôn bán. Hãy để ý, dân làm nông, nhà cửa cách nhau một cánh đồng, miếng ruộng, nhà này cách nhà khác cái vườn, nên phải nói to mới nghe, và không khôn khéo. Chứ dân bán buôn, ngồi đứng sát nhau, không cần nói to, chưa nói là nói to sẽ… lộ mánh.
Còn khác Điện Bàn thì sao? Tôi nhắn hỏi nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú - anh là dân Duy An, cháu gọi tiến sĩ Hồ Trung Lượng là ông cố.
Anh nhắn lại, Duy Xuyên vốn là đất kinh đô Champa, sau khi vua Lê Thánh Tông thâu phục vào Đại Việt 1471 có nhiều bằng chứng cho thấy họ vẫn ở lại.
Gia phả 13 tộc tiền hiền ở Trà Kiệu cho thấy họ chỉ đến Trà Kiệu sau năm 1550 và chiêu dân lập ấp, với điều kiện dân nào cho họ chiêu nạp thì phải là người Chăm. Tính cách người Chàm/ Chăm mạnh hơn Điện Bàn, khi mãi đến thời Minh Mạng, họ mới chịu chuyển sang nói tiếng Việt, nên giọng nói khác.
Vậy mạnh hơn ở yếu tố cung kính thần linh, không dễ cam chịu, đi liền ẩn ức? Anh Tú nói: dân Duy Xuyên hay cãi hơn. Kín tiếng. Kín kẽ hơn. Không chịu làm thuê. Không chịu vào khuôn phép công nghiệp.
Ai người Điện Bàn, thậm chí Duy Xuyên mà đọc được ý này, nếu muốn cãi thì xin gặp anh Tú.
3. Đất Duy Xuyên tạm chia có ba vùng khu tây - trung - đông. Tôi để ý, thấy dân khu tây nói ngắn, thậm chí nói ít và khá trầm tĩnh, lại có phần hài hước. Đây là tôi tạm lấy từ Duy Châu đến Duy Phú, Duy Thu...
Đến vùng trung là Duy Trung, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy An, Duy Phước thì ứng xử nhanh hơn, có lẽ họ sớm làm ăn bán buôn. Nhưng ngay cả Duy Sơn, dân vùng Trà Kiệu cũng khác dân sát núi ở Trà Lý.
Còn về cánh vùng đông như Duy Thành, Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải, lối nói năng làm lụng là thô, mạnh. Tất nhiên Duy Vinh như vùng Bàn Thạch thì có khác, bởi ở đó có chợ.
Tôi nói điều này, bởi nhớ lại lớp tôi hồi cấp 3, cũng… hợp chủng quốc khu trung khu đông, sau đi đại học cũng gặp mấy ông khu tây. Chưa nói sau này đi làm, đọng lại trong óc những giọng nói và gương mặt đa sắc đa màu.
Thầy nói, ngay cả chợ, dù Duy Xuyên sát sông Thu Bồn, có chợ Thu Bồn, Bàn Thạch, Nồi Rang, nhưng yếu tố thương mại cũng ít, phần lớn là vật đổi vật, trừ chỗ chợ Thu Bồn và Bàn Thạch hàng hóa có đa dạng hơn. Ngay cả vùng tơ lụa như Mã Châu, Duy Trinh, một chút tơ tằm cũng từ nông nghiệp mà ra. Và cả kinh đô Trà Kiệu một thuở, có chợ Hàm Rồng, nhưng tư liệu thương mãi mờ nhạt. Tính chất thị dân không nhiều, không quyết liệt bằng Hội An.
Nhân tiện, tôi kể thầy Ân nghe chuyện bữa tôi cùng anh Văn Công Dũng, làm ở VTV8 về quê anh ở Tiệm Rượu (Nam Phước). Đây là nơi có làng Mỹ Xuyên Đông nức tiếng sắc phong nhiều nhất Việt Nam, với 32 sắc phong được người làng giữ đến bây giờ.
Anh Dũng cũng là đồng tác giả cuốn sách địa chí “Mỹ Xuyên Đông - Đất và người” vừa mới xuất bản năm 2024. Anh nói có tư liệu khẳng định Cần Húc là ở đây chứ không phải Điện Phương. Tôi nghĩ đó là nghi án! Thầy Ân gật, rằng ngày xưa có tàu ngựa ở đó, mà đã vậy thì có lính tráng tụ tập, ăn chơi, lập đình, lập quán, nhưng cơ sở để nói Cần Húc ở đây là khó thuyết phục, bởi bên Điện Phương mạnh hơn về sử liệu.
4. Một lần khác, tôi đọc từ bài nghiên cứu của tác giả Lê Thí, nói rằng hình thế đất Duy Xuyên có hình con dơi, mà con dơi theo quan niệm xưa chính là chữ Phúc. Tôi nghĩ, ủa Phúc là phúc gì? Để phúc đức, tiền bạc, điền trang thái ấp cho mai hậu hay sao, khi tôi nghĩ quê tôi đâu có giàu bằng nơi khác?
Thầy Ân cười, theo thầy, chữ phúc đó một thuở sống bằng toàn nông nghiệp. Và ông hỏi: Duy Xuyên tự hào là nơi chôn táng hai nữ nhân nổi tiếng thời nhà Nguyễn là Mạc Thị Giai và Đoàn Quý Phi, vậy xin hỏi thời đó tại sao chúa Nguyễn chọn đất này táng hai bà đó, mà không đem về Huế hay nơi khác? Ý đồ của họ là chi, yếu tố phong thủy khi táng đây là chi?
Chịu.
Viết về quê, dễ sa vào bệnh ngợi ca - bởi chỉ có con bất hiếu mới chửi cha mẹ mình. Nhưng ca cho đúng, không thì ăn đòn ở chính quê, lại bị người xứ khác cười cho.
Duy Xuyên vừa tổ chức hội thảo 420 năm cái tên Duy Xuyên ra đời. Lịch sử đất này gắn với tên bao người đi vào lịch sử đất nước, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, cổ kim đều có.
Sử làng, sử quê, lắm khi là một nhịp thở khi ngồi trước hiên nhà. Nhớ cha nhớ mẹ, cái rộc cái ruộng trước làng giờ đã thành ký ức. Những điều tôi nói ở trên, tôi nhắc lại, là cũng nói về tính cách thuộc cách một thuở, chứ bây giờ xem ra nơi đâu cũng… nhạc và lời như nhau. Không đúng, xin mọi người cho qua!
Nhớ, để rồi thấy đất quê từ bi như trang kinh đâu đó vẳng ra từ chùa làng…