Một nữ bệnh nhân tử vong liên quan đến vi khuẩn gây bệnh Whitmore

LÊ QUÂN 23/10/2023 13:38

(QNO) - Một nữ bệnh nhân quê ở Quế Sơn vừa tử vong với kết quả khi cấy máu và cấy đàm có nhiễm vi khuẩn Burkholederia pseudomallei - vi khuẩn gây bệnh Whitmore. 

Quảng Nam đã từng xuất hiện liên tiếp 10 ca bệnh liên quan đến vi khuẩn gây bệnh Withmore và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Ảnh: X.H
Quảng Nam đã từng xuất hiện liên tiếp 10 ca bệnh liên quan đến vi khuẩn gây bệnh Whitmore và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Ảnh: X.H

Cụ thể, ngày 11/10, nữ bệnh nhân này được cấp cứu tại Bệnh viện Tâm Trí Quảng Nam (huyện Duy Xuyên) trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi, thở gắng sức. Sau khi xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhân có bệnh kèm đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm, biến chứng suy hô hấp, tăng đường máu cấp. Tiên lượng nặng nên bệnh nhân được chuyển ra Đà Nẵng điều trị tiếp và đã tử vong sau đó.

Theo kết quả cấy máu và cấy đàm, nữ bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholederia pseudomallei.

Đại diện Sở Y tế cho biết, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore - là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng, lây qua vết thương lở loét nên còn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, số lượng ca bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hằng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt.

Vi khuẩn gây bệnh này được tìm thấy trong đất, nước bẩn hay tại các cánh đồng lúa và các vùng nước tù đọng, có thể lây lan sang người và động vật bằng tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. 

Người mắc bệnh Whitmore chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vị trí da, vết thương bị xây xước hoặc hít phải bụi, hơi nước, uống nước có nhiễm khuẩn.

Hầu hết bệnh nhân mắc Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan và có thể diễn biến nặng, tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.

Năm 2020, Quảng Nam đã xuất hiện 10 ca bệnh liên quan đến vi khuẩn gây bệnh Withmore và đã được điều trị kịp thời. 

Các bác sĩ khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm; sử dụng giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất, nước bẩn, nước lụt. Đặc biệt khi có vết thương hở, vết loét... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một nữ bệnh nhân tử vong liên quan đến vi khuẩn gây bệnh Whitmore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO