Múa thiên cẩu mùa trung thu

PHƯƠNG TÂM QUÂN 29/09/2023 10:19

(VHQN) - Là “linh vật” không thể thiếu trong mùa Trung thu ở Hội An, múa thiên cẩu trở thành một phần không thể tách rời trong “di sản Tết Trung thu” nơi phố cổ.

Câu lạc bộ lân sư rồng Dinh Trấn Võ là một trong những câu lạc bộ có nhiều thế mạnh về trình diễn múa thiên cẩu, lân sư rồng.
Câu lạc bộ lân sư rồng Dinh Trấn Võ là một trong những câu lạc bộ có nhiều thế mạnh về trình diễn múa thiên cẩu, lân sư rồng.

Độc đáo múa thiên cẩu

Trong hồ sơ di sản Tết Trung thu Hội An, những cư dân cao tuổi quê quán tại khu vực phường Minh An kể lại, múa thiên cẩu xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc. Trong giai đoạn kháng Pháp, người dân vẫn đi chơi Tết Trung thu tại đình làng, tại Văn Chỉ Minh Hương, tham gia “cướp” bánh, xem múa thiên cẩu, nhận quà bánh... Các gia đình vẫn trang trí nhà cửa đón rằm và thiếu nhi trong xóm hội với nhau thành các nhóm múa thiên cẩu, rước đèn chơi trăng cả tuần lễ.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, riêng đối với múa thiên cẩu, ở Hội An đã có một số gia đình 3 đời biểu diễn loại hình này. Hiện nay, tại Hội An, nghệ thuật múa thiên cẩu được truyền dạy ở 3 võ đường Kỳ Sơn, Hoàng Lộc, Liên Hoa Huyền Linh và cũng chỉ tại các võ đường này mới có các đội múa thiên cẩu. Theo thống kê, hiện nay có ít nhất 32 đội thiên cẩu, lân sư rồng hoạt động trong dịp Tết Trung thu ở Hội An.

Giai đoạn tiếp đó đến trước 1975, học sinh các trường tiểu học khu vực nội thị được tham gia vui đón trung thu. Mỗi trường chọn ra một số học sinh, tập trung tại một tụ điểm rộng rãi như sân vận động Hội An để cùng xem múa thiên cẩu, rước đèn, thi đèn lồng đẹp.

Trẻ em một số vùng ngoại ô tham gia hội Tết Trung thu tại các đình làng, xem múa thiên cẩu và được phát quà bánh. Múa thiên cẩu tiếp tục duy trì từ đó đến nay và ít khi nào vắng thiếu mỗi mùa trung thu dù Hội An trải qua nhiều biến động.

Họa sĩ Trương Bách Tường, người dân phố cổ nói, đến trước năm 1975 ở Hội An hầu như chỉ có múa thiên cẩu. “Trước mùa trung thu khoảng chừng một tháng, các hiệu buôn trên phố đã liên hệ mời đoàn thiên cẩu về biểu diễn tại nhà mình, đồng thời phục vụ luôn cho cả xóm đến xem.

Đoàn thiên cẩu sẽ sắp xếp đến biểu diễn từng nhà tùy theo lộ trình qua từng tuyến phố. Mỗi mùa trung thu các đoàn chỉ biểu diễn ba đêm, từ 14 - 16 âm lịch. Do vậy các hiệu buôn muốn có tiếng tăm thường treo thưởng thật lớn để các đoàn biểu diễn tại nhà họ lâu hơn, đẹp mắt hơn” - họa sĩ Trương Bách Tường kể.

Theo tài liệu từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, các bài múa thiên cẩu đều thể hiện những ước vọng tâm linh của dân gian về sự tẩy trần, chúc phúc, tiêu trừ bệnh tật, đuổi tà, cầu mưa thuận gió hòa, được thể hiện một cách sinh động; trình tự múa phân biệt theo không gian. Múa thiên cẩu được trau chuốt qua thời gian nhưng về cơ bản vẫn giữ được các bài bản cổ thường được các nghệ nhân trình diễn trong Tết Trung thu.

Tại các di tích, tín ngưỡng, bài múa thường mở màn bằng hình ảnh thiên cẩu và ông địa vái chào, sau đó trình diễn các tư thế, hoạt động của vật linh là ăn lá đa, xỉa răng, ngủ. Tiếp đến, thiên cẩu thức dậy, vươn vai liếm đuôi, nhần rận, gãi tai, đi qua lại, vờn giỡn ông địa, liếc mắt, thể hiện các sắc thái tình cảm vui vẻ, thận trọng, hung dữ, chạy nhảy, lộn qua các chướng ngại vật. Cuối cùng, thiên cẩu ăn giải và lạy tạ...

Tại các nhà dân, cửa hiệu trong phố cổ, đội múa sẽ đánh trống ba hồi xô, thúc giục thiên cẩu vào nhà. Khi thiên cẩu qua cửa nhà, trống ngừng xổ, chuyển qua đánh ba hồi dùi đôi để thiên cẩu lạy bàn thờ gia tiên. Phần tiếp theo, trống đánh nhịp nhẹ nhàng, đều cho thiên cẩu múa quanh nhà hoặc trước nhà (đối với nhà không có không gian rộng) với động tác tìm mồi, xông trừ tà khí. Khép lại là màn thiên cẩu ăn giải và lạy tạ gia chủ.

Gìn giữ và bảo tồn

Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề, ông Nguyễn Hưng (thôn Trảng Suối, Cẩm Hà, TP.Hội An) am hiểu và dày dạn kinh nghiệm chế tác đầu thiên cẩu. Có sự khác biệt rất lớn trong hình dáng, màu sắc của thiên cẩu so với đầu lân sau này.

Chiếc đầu thiên cẩu này sẽ được giới thiệu trong dịp trung thu sắp đến tại TP.Hội An.
Chiếc đầu thiên cẩu này sẽ được giới thiệu trong dịp trung thu sắp đến tại TP.Hội An.

Nếu như đầu lân hiện nay mang kiểu dáng đầu tròn, sừng ngắn, mắt tròn, mi mắt nhô cao, mình ngắn phủ dày lông, vây, thì thiên cẩu có đầu lớn, trán trài không tròn, mắt xếch đuôi cá, sừng cong không nhọn, mình dài không có lông.

Về trang trí, đầu thiên cẩu sử dụng năm màu theo nguyên tắc ngũ hành. Tại nhà của ông Nguyễn Hưng, một đầu thiên cẩu có kích thước khá lớn đang được gấp rút chế tác để phục vụ trình diễn cho trung thu sắp đến tại TP.Hội An.

Ông Trần Tấn Phương (phường Minh An, TP.Hội An) kể, trước đây đầu thiên cẩu được làm bằng khung tre, dán vải mùng, loại vải thô dệt bằng tơ, mỏng, dai, sau đó đắp thêm giấy bồi, loại giấy thô tận dụng từ bao phân bón, bao xi măng... nên đầu thiên cẩu rất nặng.

Tiệm cao lầu Trung Bắc của gia đình ông Phương từng có một đoàn thiên cẩu khá nổi tiếng ở Hội An. Sau này, đầu thiên cẩu được ông Hưng cải tiến bằng khung mây, thay đổi loại giấy dán giúp kết cấu vững chắc và trọng lượng cũng nhẹ hơn đáng kể.

Với những đặc thù về kết cấu, trọng lượng, nên múa thiên cẩu đòi hỏi cần nhiều người hơn (4 người trở lên). Khi trình diễn, người múa đầu thiên cẩu thường là người học võ, nhanh nhẹn để biểu diễn các bộ tấn đi, đứng, nhảy, nằm, bái lạy điêu luyện.

Đồng thời các đội múa thường chọn người thấp lùn để tạo cảm giác vững chắc đến với người xem, phải nhẹ cân để thực hiện các động tác trên không như biểu diễn trên cây tre, hoặc leo lên mặt tiền tầng hai, tầng ba để “ăn mồi” (vật thưởng hoặc tiền thưởng của chủ nhà).

Võ sư Nguyễn Lê Thành Tây - Trưởng tràng Võ đường Kỳ Sơn, Chủ nhiệm CLB Lân sư rồng Dinh Trấn võ (thị xã Điện Bàn) nói, múa thiên cẩu đã được võ đường duy trì từ nhiều thế hệ và vẫn đang được CLB tiếp nối, truyền dạy đến nay. Yếu tố võ học được kế thừa giúp phát triển tính thẩm mỹ, hấp dẫn của các màn biểu diễn.

“Dù múa thiên cẩu có phần dân dã, ít cầu kỳ hơn song vẫn phải áp dụng nhiều bộ tấn vào linh vật để khi múa tạo được hình thái, thần thế cho thiên cẩu. Chúng tôi áp dụng linh hoạt các bộ tấn chủ đạo như lập tấn, miêu tấn, trung bình tấn, đinh tấn, kim kê tấn, xà tấn. Tổng hợp các hình thế võ và qua bồi luyện, nghiên cứu, CLB sẽ xây dựng bài múa phù hợp với không gian, mục đích trình diễn” - võ sư Nguyễn Lê Thành Tây chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Múa thiên cẩu mùa trung thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO