Tác phẩm, tác giả

Mùa xuân ở lại

LƯƠNG MỸ LINH 29/03/2025 13:25

(VHQN) - Xuân đất trời cứ đến rồi đi. Xuân đời người một thuở đương thì. Nhưng với anh, liệt sĩ Trương Phú Ngọc - mùa xuân mãi mãi ở lại, trong những con chữ reo vui.

bia-truoc.jpg
Bìa trước lá thư liệt sĩ Trương Phú Ngọc gửi về gia đình trước ngày hy sinh. Ảnh: M.L

“Trăm hoa đua nở, báo hiệu Xuân đã về.

Thầy, Mẹ, Dì ơi!

Một ngày không xa nữa, miền Nam được giải phóng. Nước nhà thống nhất, nước ta có Độc lập, Tự do (…)

Con có ý định ngày thống nhất, con sẽ về thăm Thầy, Mẹ và các em cùng quê hương ngay để bù đắp lại nhớ mong (…)

Và con đưa Thầy Mẹ đi thăm cảnh đẹp thanh bình của đất nước…”.

Những lời mở đầu lá thư - di vật của liệt sĩ Trương Phú Ngọc được giữ lại đến nay. Thư đề “Quảng Đà, ngày 29 tháng 01 năm 1975”. Tính từ ngày này đến thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trên quê hương Quảng Đà là đúng 2 tháng sau đó.

Tuổi 26 xuân tràn...

Trương Phú Ngọc sinh năm 1949, là người con của quê hương Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1968, anh tròn 19 tuổi, tạm gác bút nghiên, nhập ngũ, nhảy tàu theo đơn vị đặc công lên đường.

Anh được đưa ra phía Bắc, tham gia huấn luyện, trở thành sĩ quan, làm giáo viên dạy kỹ thuật cho các đơn vị bộ đội tham chiến trong Sư đoàn 305 và tham gia các trận chiến đấu ngăn chặn giặc Mỹ phá hoại miền Bắc như đánh trả máy bay địch ném bom xả lũ sông Hồng năm 1969, bảo vệ thành phố cảng Hải Phòng năm 1972.

Cũng trong trận chiến tại Hải Phòng, Ngọc bị thương, được cho về quê nghỉ dưỡng. Trong thời gian ấy, anh cưới vợ, là chị Kiềm, cũng là người con của quê hương Hoằng Hóa.

Tháng 10/1974, anh Ngọc xung phong vào Nam chiến đấu, là chiến sĩ đơn vị đặc công trên chiến trường Quảng Đà.

Đón chúng tôi trong căn nhà gỗ ba gian đầy kỷ niệm của gia đình tại xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, ông Trương Phú Hùng, em trai của liệt sĩ Trương Phú Ngọc, nghẹn ngào: “Anh trai tôi mất ngày 19/3/1975 tại Duy Xuyên, sau khi tham gia trận đánh ở Điện Bàn. Chỉ còn cách 5 ngày nữa là tỉnh Quảng Nam được giải phóng, ngày 24/3/1975…”.

“Tết năm 1974, gia đình tôi nhận được thư anh Ngọc. Chiến trường gian khổ ác liệt là vậy, nhưng thư của anh ấy luôn được viết nắn nót, từng dòng từng chữ đều, đẹp, thắng tắp và luôn tràn đầy niềm tin vào một ngày thống nhất.

Tôi vẫn còn nhớ trong một bức thư, anh Ngọc kể: là bộ đội đặc công nên phần lớn đều đánh trận ban đêm. Những đêm ẩn mình trong đồng lúa chờ hiệu lệnh công đồn, nghe cả tiếng cá quẫy. Cánh đồng ở Quảng Nam nhiều cá rô lắm. Bà con nhân dân kho cá đãi bộ đội ăn cơm rất ngon.

Nhất định sau này, con sẽ đưa Thầy Mẹ vào thăm quê hương Quảng Nam, cùng thưởng thức món cá rô đồng kho của người dân xứ Quảng…” - ông Hùng kể.

Ngày 30/4/1975, đất nước rợp cờ hoa thống nhất, người người reo vui đón đợi những đứa con chiến đấu phương xa trở về. Nhưng gia đình anh Ngọc đã không có được một mùa xuân trọn vẹn.

“…Tháng 8 năm ấy, gia đình nhận được giấy báo tử và các kỷ vật, di thư của anh Ngọc. Tôi còn nhớ, ngoài lá thư này còn một lá thư khác dính máu, được các anh trong đơn vị kể là tìm thấy trong túi áo của anh Ngọc lúc hy sinh...” - ông Hùng xót xa.

t3-4.jpg
Một phần trong lá thư của liệt sĩ Trương Phú Ngọc.

Những linh cảm kỳ lạ

Nội dung lá thư của liệt sĩ Trương Phú Ngọc đến nay không còn nguyên vẹn. Thời gian đã làm màu mực phai đi, nhiều chữ nhòe và không đọc được. Nhưng những dòng chữ viết đẹp đẽ, đều tăm tắp, thật sự cuốn hút tâm trí người đọc.

Sau cảm xúc phấn khởi vui mừng ban đầu theo niềm háo hức nghĩ về mùa xuân thống nhất của chiến sĩ Trương Phú Ngọc, tâm trạng người đọc lại chùng xuống, nghẹn ngào với những dòng thư nghẹn lại như một lời tiên lượng đau buồn:

“Ngày vui đất nước thống nhất sắp đến và nhất định sẽ đến. Sự hy sinh và tổn thất nhất định sẽ còn. Năm nay con vừa tròn 26 tuổi đầu, sức xuân con đang tràn ngập đầy sự sống, nhưng ai mà dám chắc được mình sẽ tránh hết được bom đạn trong trận nội. Cho nên, con ghi sẵn đôi dòng này để lại, phòng khi con đi theo những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp thiêng liêng của Tổ quốc, thì Thầy, Mẹ, Dì cùng các em đỡ thấy đột ngột”…

z6370156563691_0e8cdc5bb628e9cfb47044cdb8b26c94.jpg
Huyện Hoằng Hóa - quê hương liệt sĩ Trương Phú Ngọc, là địa phương kết nghĩa cùng thị xã Điện Bàn. Ảnh: M.L

Và cứ như thế, 4 trang thư dẫn dắt tâm trạng người đọc quay về với ký ức tuổi thơ của chàng trai trẻ Trương Phú Ngọc, về lại căn nhà thân thương với Thầy, Mẹ, Dì và các em nơi làng quê Hoằng Tiến, Hoằng Hóa.

Nơi ấy, anh Ngọc đã trải qua 10 năm đèn sách dưới mái trường phổ thông, đạt được những kết quả xuất sắc. Anh Ngọc đã viết lên tâm nguyện của mình:

“…Và giữa lúc quê hương bị cày xới của bom đạn giặc Mỹ, con tạm gác học hành xin phép từ biệt Thầy, Mẹ, Dì và các em ra đi làm nhiệm vụ của thanh niên. Con đã hứa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi con sẽ quay lại học tập…”.

Nhưng cuộc chiến tàn khốc đã cướp đi ước mơ đẹp đẽ của người chiến sĩ Trương Phú Ngọc. Hai trang cuối của bức thư chuyển hẳn tâm trạng người đọc sang cảm xúc buồn thương, nghẹn ngào.

Từ lời mở đầu reo ca niềm vui gần ngày chiến thắng, vẫn những dòng chữ ngay ngắn nhưng là những tâm tình tha thiết nhắn gởi lại như lời biệt ly. Khoảng cách giữa ngày anh Ngọc đặt bút viết lá thư này với ngày anh hy sinh là tròn 50 ngày, từ 29/1 đến ngày 19/3/1975.

“…Khi con qua đời, con cầu mong cho Thầy, Mẹ và các em luôn khỏe mạnh và đừng có ý nghĩ gì về con. Thầy Mẹ hãy tha thứ cho con tất cả…

(…)

Cuối cùng, con xin gởi lại muôn vàn tình thương yêu nhất tới Thầy, Mẹ, Dì cùng các em và bà con anh em chú bác thân thiết (…)

Con của Thầy, Mẹ, Dì

Anh của các em

Trương Phú Ngọc”.

Ước nguyện chưa thành

Ông Trương Phú Hùng tha thiết: “Gia đình chúng tôi cho đến nay chỉ còn có hai người, tôi và một chị gái. Ước nguyện tha thiết của gia đình là tìm được mộ của anh Ngọc để đưa về đoàn tụ với ông bà, Thầy, Mẹ.

Trước đây, gia đình đã một lần đi vào tìm mộ tại Duy Xuyên. Nhưng sau 2 lần mộ anh được di chuyển, đưa vào nghĩa trang xã, thì tất cả ngôi mộ ở hàng đầu đều có tên liệt sĩ, nhưng không có tên Trương Phú Ngọc…”.

Tròn 50 năm nước nhà thống nhất. Đã 50 năm người chiến sĩ đặc công Trương Phú Ngọc hy sinh.

Những hoài bão, khát khao về con đường học vấn, ước nguyện được làm một người con hiếu thảo, một người anh bản lĩnh, một người chồng, người cha tận tâm… của anh đã mãi mãi gởi lại nơi vùng cát Duy Nghĩa.

Anh vẫn còn ở lại đâu đó, hòa mình cùng với nắng gió trên vùng đất Quảng Nam ân tình. Lời nguyện cầu của gia đình anh Ngọc, cũng chính là lời nguyện cầu của những người đang sống giữa những thanh bình - mong một ngày tìm được nơi anh an nghỉ, để tiễn đưa liệt sĩ Trương Phú Ngọc về với quê hương Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa xuân ở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO