Với hàng nghìn hồ sơ đã được giải quyết vào năm 2022, huyện Nam Giang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cơ sở, hướng đến mục tiêu tạo niềm tin và sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
Không để tồn đọng hồ sơ
Sau thời gian triển khai hoạt động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Nam Giang cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trước đây. Toàn bộ hồ sơ người dân, doanh nghiệp được xử lý nhanh gọn và kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ một cách công khai, minh bạch.
Phấn đấu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết TTHC
Năm 2023, Nam Giang phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến một phần trên tổng số hồ sơ đạt 65% trở lên; số hóa 60% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng lại của huyện. Phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90%; trong đó lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt 85% trở lên. Mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt 85% trở lên; phấn đấu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước từ huyện đến xã được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng và được xử lý trên môi trường mạng…
Ông Bh’nướch Đông - cán bộ phụ trách mảng LĐ-TB&XH tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC huyện cho biết, từ khi đưa vào hoạt động, luôn có 10 cán bộ chuyên môn theo các lĩnh vực làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC.
Những năm gần đây, nhu cầu giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp tăng cao nên mỗi cán bộ phụ trách đều nhận thức được vai trò, trách nhiệm công việc nhằm không để hồ sơ bị tồn đọng lâu ngày.
“Anh em động viên nhau làm hết việc chứ không hết giờ. Có thời điểm nhu cầu xử lý công việc tăng cao, anh em phải tranh thủ làm thêm vào những ngày nghỉ” - anh Đông chia sẻ.
Báo cáo của UBND huyện Nam Giang cho thấy, năm 2022, địa phương tiếp nhận 1.148 hồ sơ cấp huyện và 5.057 hồ sơ cấp xã. Bằng tinh thần “làm hết việc”, cán bộ phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã giải quyết gần như đảm bảo hồ sơ, hạn chế mức thấp nhất tình trạng hồ sơ tồn đọng quá hạn.
Anh Đinh Quang Hòa - chủ cơ sở quảng cáo Đại Hòa Phát (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) cho biết rất hài lòng khi đến liên hệ công việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của huyện. Không chỉ có thái độ chuẩn mực, cán bộ làm nhiệm vụ luôn tận tình hướng dẫn và xử lý, giải quyết nội dung hồ sơ nhanh gọn và hiệu quả.
Vì mục tiêu phát triển
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, thời gian qua, địa phương chỉ đạo quyết liệt và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Ngoài thành lập các ban chỉ đạo cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số…, địa phương tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề bàn giải pháp vận hành, cải cách TTHC.
Trong đó, tập trung rà soát TTHC, triển khai hiệu quả phần mềm hành chính công, TTHC trực tuyến cũng như tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Sau thời gian vận hành, Nam Giang bước đầu tạo được dấu ấn trong lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách công vụ; cải cách tài chính công gắn với xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Nhờ vậy, đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công việc; 100% đơn vị cấp huyện và khoảng 98% đơn vị cấp xã đầu tư thiết bị máy vi tính có kết nối internet.
“Ngoài ra, hạ tầng viễn thông tại 9 xã được phủ sóng cáp quang đến trung tâm và một số địa bàn dân cư; cấp 125 thiết bị chứng thư số điện tử cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng. Hệ thống hội nghị trực tuyến được nâng cấp, kết nối thông suốt đến 8 điểm cầu, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành công việc chung” - ông Ngọ nói.
Tuy nhiên, theo ông Ngọ, mặc dù bước đầu có nhiều chuyển biến song công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết các hạn chế này, chính quyền huyện Nam Giang xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân về cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Đồng thời tăng cường sự tương tác, đưa cải cách hành chính và chuyển đổi số vào tiêu chí thi đua, đánh giá xếp loại hằng năm; tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống thông tin cơ sở có ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, internet nhằm hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, chính quyền số phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.