Cùng với duy trì các mô hình nông nghiệp truyền thống, huyện Nam Giang tiếp tục mở rộng đầu tư, hỗ trợ người dân tiếp cận và phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững vùng khó khăn.
Đa dạng sinh kế
Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn kinh phí gần 26 tỷ đồng được phân bổ, đơn vị phối hợp thực hiện dự án phát triển sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu hỗ trợ cây keo, đinh lăng và con giống vật nuôi giúp các hộ nghèo và cận nghèo chuyển đổi phương thức canh tác, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng tiếp cận các mô hình nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua vài năm triển khai, nhiều hộ nghèo được cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiêu biểu như chị Alăng Thị Di (ở thôn Pà Ong, xã Cà Dy), từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, trở thành điển hình trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Chị Di kể, trước đây, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do chưa biết cách thoát khỏi tư duy sản xuất truyền thống. Cuối năm 2010, từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn đầu tư chuồng trại và mua 10 con heo thịt về nuôi.
Quá trình chăn nuôi ban đầu gặp khó do đồng vốn ít ỏi, thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm nên đàn heo giống còi cọc, phát triển chậm. Không bỏ cuộc, chị Di tham gia các lớp tập huấn của địa phương hỗ trợ về chăn nuôi để nâng cao kiến thức, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật trong ngăn ngừa dịch bệnh, tăng trưởng tự nhiên.
Nhận thấy hiệu quả bước đầu từ việc chăn nuôi, những năm gần đây, chị Di tiếp tục mua thêm đàn bò, gà và mở rộng chăn nuôi heo rừng lai kết hợp trồng cây ăn quả, phát triển vườn keo, nuôi ao thả cá… giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống bằng mô hình mới. Hằng năm, trừ các khoản chi phí, chị Di thu về hơn 100 triệu đồng.
Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân ở Nam Giang đã tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế. Đây được xem là tín hiệu khả quan, từng bước nâng cao tư duy thoát nghèo, làm giàu bằng chính nghị lực và lợi thế sẵn có tại địa phương miền núi.
“Nhiều năm qua, chúng tôi triển khai nhiều dự án, hỗ trợ thực hiện mô hình phát triển kinh tế dựa vào rừng, góp phần đa dạng sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong đó, chính sách được xem như nguồn trợ lực khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Chương chia sẻ.
Khuyến khích giảm nghèo
Theo ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, từ rất nhiều nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, bên cạnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương lồng ghép triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất theo hướng phát triển đa dạng mô hình nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm từng khu vực cụ thể. Trong đó, lấy người dân, đặc biệt là hộ nghèo làm chủ thể trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chương trình chính sách, đồng thời huy động tối đa nguồn lực, khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững.
Với quyết tâm giảm bình quân hộ nghèo hằng năm 300 - 350 hộ, mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Giang lần thứ XX xác định tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo như: đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo; mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; giải quyết cho vay các nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực ưu tiên cho công tác xóa đói giảm nghèo...
Những năm qua, bằng nguồn lực lồng ghép từ các chương trình và ngân sách huyện, Nam Giang đã hỗ trợ người dân các loại giống cây ăn quả, cây dược liệu (ba kích tím, đinh lăng), keo Úc, bò và heo cỏ địa phương với kinh phí gần 50 tỷ đồng. Ngoài ra, duy trì mô hình phát triển cây ăn quả tại 2 xã La Dêê và Tà Bhing với 6ha bưởi da xanh và gần 1ha bơ đang sinh trưởng; cùng hơn 1.336ha cao su đại điền trồng tại một số xã được chăm sóc và khai thác hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 1.100 lao động trực tiếp.
Ông Lê Văn Hường - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, để thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội, bên cạnh xây dựng nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025, địa phương quyết tâm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn.
“Huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của vùng. Đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm từng xã và gắn xây dựng mô hình thí điểm bảo tồn, phát triển một số loài cây trồng và dược liệu quý có giá trị kinh tế cao như lòn bon, sâm bảy lá, tam thất, lan kim tuyến… giúp người dân thoát nghèo” - ông Hường nói.