Từ tháng 4.2022 đến nay, trên bản đồ thực thi thể chế Quảng Nam, huyện Nam Trà My duy trì vùng xanh bởi tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn và trước hạn đạt hơn 92%. Qua đó cho thấy quyết tâm tạo sự đột phá trong cải cách hành chính của địa phương sau cuộc làm việc với đoàn kiểm tra UBND tỉnh.
Nhận diện khó khăn
Là địa phương miền núi cao - không chịu nhiều sức ép về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) do nhu cầu của người dân không cao như các địa phương đồng bằng. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) của huyện Nam Trà My vẫn gặp nhiều khó khăn.
Kết quả giải quyết TTHC vẫn còn trễ hạn; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp hoạt động chưa hiệu quả, chỉ số cải cách hành chính và một số chỉ số khác còn thấp…
Phân tích trên bản đồ thể chế Quảng Nam cho thấy, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn của Nam Trà My trong tháng 4.2022 đạt 92,09%, đứng sau huyện Quế Sơn (92,83%). Đến thời điểm này của tháng 5, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn của huyện Nam Trà My đạt hơn 94%, đứng đầu 2 địa phương nằm trong “vùng xanh” của bản đồ thể chế.
Trao đổi với đoàn kiểm tra CCHC tỉnh tại cuộc khảo sát thực tế vào cuối tháng 3.2022, ông Châu Minh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Trà Mai (Nam Trà My) cho rằng, việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên cơ sở dữ liệu của xã.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí còn thấp, đa phần ít được tiếp cận với thiết bị điện tử nói chung và máy tính nói riêng nên cơ chế một cửa điện tử khó triển khai thực hiện, nhất là các dịch vụ công mức độ 3 và 4.
Trong khi đó, cán bộ, công chức phụ trách giải quyết TTHC ở xã thiếu ổn định, thường xuyên luân chuyển, thay đổi nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”.
Theo ông Nghĩa, hiện xã thiếu chỉ tiêu công chức địa chính - xây dựng - nông lâm nghiệp (do nghỉ hưu) nên khó khăn rất nhiều trong việc thực thi nhiệm vụ.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nhìn nhận, công tác CCHC của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, gặp lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặc dù lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nam Trà My đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Huyện ủy có chương trình hành động riêng, HĐND huyện có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2016 - 2021 và trong quá trình chỉ đạo, UBND huyện ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để triển khai thực hiện. Song kết quả CCHC của huyện vẫn chưa đạt như kỳ vọng, thủ tục hồ sơ giải quyết trên môi trường điện tử còn thấp.
“Có thời gian, Nam Trà My đứng vị trí xếp hạng thứ 3/18 địa phương về CCHC theo đánh giá của UBND tỉnh, nhưng đến nay không đuổi kịp các địa phương đồng bằng. Với quyết tâm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong CCHC và chuyển đổi số, HĐND huyện vừa ban hành đề án đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2022 - 2025, với dự kiến bố trí hơn 15,8 tỷ đồng để thực hiện.
Trong đó, tập trung ưu tiên kinh phí thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và cơ chế một cửa liên thông hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin” - ông Mẫn nói.
Hướng đến quyền lợi người dân
Nói về đề án đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2022 - 2025, ông Trần Văn Mẫn cho biết, địa phương phấn đấu đến năm 2025 nâng các chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của huyện nằm trong tốp 10 của tỉnh.
Có 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp ở mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt từ 50% trở lên đối với tổng số hồ sơ tiếp nhận. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%.
Đánh giá huyện Nam Trà My là đơn vị làm tốt công tác CCHC so với các địa phương miền núi, đoàn kiểm tra CCHC tỉnh gợi ý, năm 2022 Nam Trà My lựa chọn việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 làm khâu đột phá; cũng nhằm tranh thủ tốt nguồn lực hỗ trợ của tỉnh trên cơ sở các cơ chế đã được HĐND tỉnh ban hành.
Rà soát cho thấy, Nam Trà My có khoảng 50 TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ, đối với cấp xã có khoảng 10 - 15 TTHC phát sinh hồ sơ. Theo đó, huyện chọn khoảng 30 TTHC và giao nhiệm vụ cho 11 phòng chuyên môn và Văn phòng UBND huyện làm đầu mối phối hợp.
Trong năm nay, mỗi phòng chuyên môn lựa chọn 2 TTHC thật sự có hồ sơ phát sinh thường xuyên để giải quyết trên môi trường điện tử theo kế hoạch của UBND huyện.
Tương tự chọn xã Trà Mai - là trung tâm huyện làm điểm thực hiện khoảng 5 TTHC trên môi trường điện tử. Với cách làm này sẽ tạo ra sự nhuần nhuyễn trong giải quyết một TTHC cụ thể, cũng nhằm tạo thói quen cho công dân trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Trên nền tảng này, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đối với các TTHC còn lại ở năm kế tiếp. Theo đoàn kiểm tra, trong kế hoạch của UBND huyện cần nêu rõ, thủ tục nào do phòng chuyên môn đăng ký thêm căn cứ trên hồ sơ phát sinh thực tế, không chọn để có chỉ tiêu mà phải làm thực chất, người dân phải được hưởng lợi từ CCHC và chuyển đổi số.