Kịp thời rà soát, bổ sung quy hoạch gắn với làm tốt việc luân chuyển cán bộ, tạo sự chủ động hơn cho khâu đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng là các giải pháp đã góp phần đưa chất lượng đội ngũ cán bộ của Hiệp Đức ngày càng nâng cao.
Khi người trẻ biết trăn trở
Sông Trà - một trong 3 xã vùng cao khó khăn của Hiệp Đức - tỷ lệ hộ nghèo cao nên làm gì để giúp bà con thoát nghèo bền vững luôn là trăn trở của đội ngũ cán bộ địa phương. Được tăng cường đảm nhiệm chức danh chủ chốt của xã ở tuổi 36, gần 3 năm nay Bí thư Đảng ủy xã Sông Trà - Nguyễn Hồng Sơn đã cùng cán bộ xã từng bước giải quyết nỗi trăn trở này.
Ông Sơn chia sẻ, địa phương có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48%, lâu nay các phần việc hỗ trợ bà con thoát nghèo đều không đạt hiệu quả như mong muốn, bởi họ có tâm lý ngại đi làm ăn xa. Vậy nên, muốn giảm nghèo bền vững, phải giải quyết được việc làm cho người dân ngay tại địa phương.
Ở cấp huyện, cán bộ lãnh đạo cấp trưởng - phó phòng ban có trình độ đại học đạt 97,47%; trình độ cao cấp chính trị đạt 87,3%, tăng 16,57% so với năm 2015. Đối với cấp xã, cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã có trình độ đại học đạt tỷ lệ 82,57%, tăng 49,7% so với năm 2015 (riêng ở 3 xã vùng cao tăng từ 33,93% lên 79,31%); trình độ trung cấp chính trị đạt tỷ lệ 91,3%, tăng 18,58% so với năm 2015.
Với suy nghĩ đó, gần 3 năm qua, đội ngũ cán bộ xã Sông Trà rất nỗ lực trong thực hiện chủ trương xây dựng Cụm công nghiệp Sông Trà với diện tích quy hoạch 50ha, đến nay thu hút được 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư.
Trong số này, có 2 doanh nghiệp đã được thống nhất chủ trương đầu tư và vừa khởi công dự án chế biến gỗ - viên nén năng lượng với số vốn 700 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương. Một dự án khác đang được thương thảo với quy mô 20ha, có số vốn 1.300 tỷ đồng, cũng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, sẽ giải quyết việc làm cho 500 lao động của xã.
“Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Theo tính toán, toàn xã có 650 hộ dân, nếu 2 doanh nghiệp trên đi vào hoạt động sẽ giải quyết được 800 lao động, với mức lương cơ bản 4,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, bài toán giải quyết việc làm và giảm nghèo cho 5 năm đến của xã đã có lời giải” - ông Sơn nói.
Nâng cao chất lượng cán bộ
Đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ địa phương, Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, so với nhiệm kỳ trước, chuẩn của đội ngũ cán bộ quản lý cấp huyện, xã và chuyên trách cơ sở ở nhiệm kỳ 2015 - 2020 được nâng lên vượt bậc. Những mặt còn hạn chế trong công tác cán bộ đã được khắc phục, giải quyết cơ bản bằng giải pháp cụ thể. Lãnh đạo huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các khóa học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trên tinh thần phải đảm bảo giải quyết hiệu quả công việc của đơn vị.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, trong định hướng quy hoạch cán bộ, Hiệp Đức chú trọng rà soát, bổ sung vào quy hoạch đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người đồng bào dân tộc thiểu số để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng. Nhờ vậy, kết quả đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số cấp cơ sở đạt tỷ lệ cao. Điều này thể hiện rõ qua kết quả đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 khi tuổi đời bình quân của cấp ủy viên xã, thị trấn là 39,3 tuổi. Đội ngũ cán bộ trẻ ở cơ sở sẽ là lực lượng dự nguồn cán bộ cho cấp huyện trong tương lai. Từ thực tế địa phương, ông Tỉnh chia sẻ, đội ngũ cán bộ của huyện đã được trẻ hóa mạnh mẽ ở nhiệm kỳ này, được đào tạo bài bản, là những người giàu tâm huyết, trách nhiệm với sự phát triển của quê hương.