Những năm qua, nhờ tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, người dân huyện Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đang hỗ trợ người dân đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức trồng rừng gỗ lớn theo phương thức bao tiêu sản phẩm...
Phát huy thế mạnh địa phương
Ông Đặng Ngọc Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Thọ (Hiệp Đức) cho biết, với lợi thế đất lâm nghiệp khá lớn, thời gian qua người dân địa phương tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu và xem đây là hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế hộ.
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Bí Thư Thường trực Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020 - 2025), trong 5 năm tới địa phương tập trung thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Hiệp Đức phấn đấu đến năm 2025 độ che phủ rừng đạt từ 62% trở lên. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân trồng thêm ít nhất 6.000ha rừng gỗ lớn (được đánh giá cấp chứng chỉ FSC)...
Tính đến cuối tháng 8.2021, Quế Thọ trồng được hơn 1.915ha rừng keo lai. Bình quân hằng năm, nông dân khai thác bán ra thị trường khoảng 300 - 350ha rừng nguyên liệu với mức giá 60 - 80 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lãi ròng 35 - 45 triệu đồng/ha.
Việc phát triển mạnh mô hình trồng rừng sản xuất đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân ở Quế Thọ. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,04%, giảm 1,9% so với cách đây 5 năm.
Những năm qua đời sống người dân ở nhiều địa phương khác của Hiệp Đức cũng khấm khá hẳn lên nhờ trồng rừng nguyên liệu theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, nhờ tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi và được ngành chuyên môn tích cực hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tính đến thời điểm này nông dân toàn huyện đã trồng hơn 19.000ha rừng keo nguyên liệu. Các xã Sông Trà, Hiệp Hòa, Quế Thọ, Thăng Phước, Phước Trà là những địa phương có diện tích nhiều nhất.
“Qua khảo sát cho thấy, mỗi năm người dân trên địa bàn huyện khai thác khoảng 2.500ha rừng keo lai, với giá bán bình quân 1ha từ 60 - 80 triệu đồng thì tổng giá trị thu về hằng năm đạt khoảng 175 - 200 tỷ đồng” - ông Nghiệp chia sẻ.
Nhờ nỗ lực kêu gọi đầu tư, đến nay Hiệp Đức đã thu hút 4 doanh nghiệp vào xây dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh trên lĩnh vực chế biến sản phẩm lâm nghiệp. Trong đó, Công ty TNHH MTV Nhất Hưng Hiệp Đức chuyên ngành nghề băm dăm gỗ rừng trồng, 3 đơn vị còn lại gồm Công ty CP Gỗ Công nghiệp Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Hào Hưng, Công ty CP Giao thương Quảng Xưa hoạt động chế biến sâu nhiều sản phẩm từ gỗ nguyên liệu. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát đang khảo sát địa điểm để chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ.
Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn
Ông Nguyễn Hữu Dương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận (Hiệp Đức) cho biết, từ năm 2019 đến nay đơn vị liên kết với gần 200 hộ dân các xã Hiệp Thuận, Hiệp Hòa và thị trấn Tân Bình trồng 1.100ha rừng gỗ lớn theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm.
Để tiếp sức cho người dân, 3 năm qua hợp tác xã đã chi gần 500 triệu đồng gieo ươm và cấp phát khoảng 1 triệu cây giống có chất lượng tốt. Đơn vị phối hợp với ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức những khóa tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại tổng hợp cho nông dân.
Theo kế hoạch, trong những năm tới, bình quân hằng năm hợp tác xã sẽ liên kết với người dân địa phương và các vùng lân cận trồng mới từ 100 - 150ha rừng gỗ lớn. Đơn vị cũng sẽ áp dụng cơ chế hỗ trợ cây giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất và thu mua theo phương thức bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Đặng Ngọc Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Thọ, với sự hỗ trợ về cây giống, phân bón... của Dự án Trường Sơn Xanh, những năm gần đây ngành nông nghiệp Hiệp Đức và chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân trồng được gần 27ha rừng gỗ lớn. “Thời gian tới, UBND xã Quế Thọ và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trồng thêm 47ha rừng gỗ lớn” - ông Tài nói.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp thông tin, để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, các ngành, các cấp của huyện nỗ lực hỗ trợ người dân đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức trồng rừng gỗ lớn theo phương thức bao tiêu sản phẩm.
Đến thời điểm này toàn huyện đã trồng được 1.820ha rừng gỗ lớn, trong đó tập trung nhiều nhất tại các xã Hiệp Thuận, Sông Trà, Bình Sơn, Quế Thọ... Hầu hết diện tích rừng gỗ lớn ở các địa phương đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo dự tính, khi rừng gỗ lớn có độ tuổi từ 6 năm trở lên thì sẽ tiến hành khai thác và bình quân 1ha đạt giá trị khoảng 120 triệu đồng, tăng 50 - 60 triệu đồng/ha so với lâu nay nông dân trồng keo lai nguyên liệu với thân cây gỗ nhỏ.