Sau thời gian trồng và chăm sóc, những cánh rừng gỗ lớn đang dần hình thành dưới chân dãy Trường Sơn Đông. Tất cả, như “của để dành” giúp đồng bào Cơ Tu nâng cao giá trị cây trồng, mở hướng phát triển du lịch sinh thái từ hệ rừng tự nhiên…
Cộng đồng góp sức
Gần 30 năm bỏ công sức trồng và chăm sóc, hơn 1.000 cây kiền kiền của hộ ông Bríu Đham (ở thôn K8, xã Sông Kôn, Đông Giang) đã vươn cao hàng chục mét.
Nhiều cây có đường kính 20-30cm, tỏa bóng ở chân núi phía sau nhà. Vài năm trở lại đây, rừng cây kiền kiền của ông Bríu Đham trở thành điểm du lịch, thu hút người dân và du khách tìm đến.
Ông Bríu Đham chia sẻ, ngoài kiền kiền, nhiều năm qua ông trồng dặm thêm giổi và một số cây bản địa khác, giúp rừng tự nhiên thêm phủ xanh, ngăn ngừa tình trạng đất trống.
“Cả khu này rộng hơn 3,6ha, kéo dài từ con suối sau nhà đến tận bìa rừng. Hồi đó, giống cây được cấp từ một dự án của ngành lâm nghiệp. Nhiều hộ chọn cây quế, cây bời lời… riêng tôi chọn kiền kiền vì nghĩ rằng loài cây rừng này sẽ cho giá trị cao hơn” - ông Bríu Đham chia sẻ.
Thời gian đầu, do chưa am hiểu quy trình chăm sóc, một số giống cây kiền kiền có tình trạng chết khô. Thời gian sau, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, ông Bríu Đham bắt đầu có thêm kiến thức, duy trì và mở rộng diện tích trồng cây xanh cho đến bây giờ.
Những năm gần đây, khi rừng cây kiền kiền đã cho gỗ lớn, gần như ngày nào ông Đham cũng có mặt để chăm sóc và giữ rừng cây trước tâm địa của kẻ trộm. Bởi vài năm trước, lợi dụng trời mưa vào ban đêm, có người lén chặt trộm của ông 5 cây kiền kiền.
Ông Bríu Đham nói, sở dĩ ông bỏ công sức cả đời để trồng và chăm sóc rừng cây kiền kiền này, là do trước đây từng chứng kiến người dân, đặc biệt là “lâm tặc” từ các nơi đổ về khai thác rừng kiền kiền nguyên sinh ở địa phương.
Xót xa trước tình trạng gỗ rừng “chảy máu”, ông quyết tâm trồng rừng, với tâm nguyện giúp hàn gắn vết thương của mẹ thiên nhiên sau thời gian bị tàn phá. “Rừng cây này, có người xin mua nhưng tôi không bán. Tôi giữ lại không phải để cho mình mà để các thế hệ con cháu sau này” - ông Bríu Đham bộc bạch.
Để tạo sự đa dạng cho rừng cây, thời gian rỗi, ông Đham huy động con cháu cùng trồng thêm cây ba kích, ươm giống kiền kiền mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn…
Từ mô hình trồng rừng của ông Đham, mới đây chính quyền địa phương kết nối với Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang xây dựng ý tưởng đưa khu rừng kiền kiền này phát triển thành rừng giống để nhân rộng mô hình. Trên cơ sở nâng cao giá trị rừng tự nhiên, đặc hữu quý hiếm, các bên cam kết phát triển cánh rừng thành địa điểm du lịch sinh thái.
Khuyến khích trồng rừng gỗ lớn
Ở miền núi phía tây Quảng Nam, ông Bríu Đham chỉ là một trong số điển hình của đồng bào Cơ Tu có cách nghĩ tiến bộ, tiên phong trong việc trồng rừng gỗ lớn.
Tại địa bàn các xã Kà Dăng, Mà Cooih, thị trấn Prao (Đông Giang); xã Lăng, Tr’Hy, A Xan (Tây Giang); Tà Bhing, Tà Pơơ (Nam Giang)… từ hàng chục năm qua có rất nhiều hộ dân đặt nền móng trồng rừng, thông qua các chương trình, dự án lâm nghiệp của địa phương.
Ông Đỗ Hữu Tùng - quyền Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, thời gian qua, địa phương chú trọng mở rộng diện tích rừng sản xuất, tiếp cận hướng đầu tư nâng cao chất lượng rừng và chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn.
Bình quân mỗi năm, chính quyền địa phương bố trí ngân sách hàng tỷ đồng hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, chủ yếu tập trung trồng rừng gỗ lớn.
Năm 2024, ngoài giao khoán cho cộng đồng và người dân quản lý, bảo vệ hơn 45.889ha rừng, Đông Giang trồng mới hơn 470ha rừng gỗ lớn với nhiều giống cây chất lượng như giổi, lim xanh, sao đen, gáo vàng, kiền kiền… Địa phương phấn đấu đến 2025 nâng tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện lên 4.500ha.
“Chủ trương này nhằm khuyến khích người dân khoanh nuôi trồng rừng gỗ lớn, tạo môi trường rừng ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân miền núi trong tương lai” - ông Tùng nói.
Tại các huyện miền núi tỉnh, sau thời gian chuyển đổi phương thức canh tác sản xuất từ trồng rừng nhỏ lẻ sang trồng rừng gỗ lớn, đến nay có hàng nghìn hộ dân đăng ký tham gia phát triển trồng cây lâm nghiệp theo cơ chế lâu dài.
Nhiều hộ dân, sau gần chục năm giữ rừng sản xuất (chủ yếu rừng keo lá tràm), đã xuất bán lâm sản, cho thu nhập khá ổn định. Hiệu quả bước đầu này không chỉ khuyến khích người dân cam kết chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ lớn, mà cũng là cơ hội để bảo vệ môi trường, mở hướng phát triển du lịch sinh thái trong thời gian gần...