Xã hội

Nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu cho tình nguyện viên chữ thập đỏ Quảng Nam

VINH ANH 24/10/2024 08:47

Việc quan tâm tổ chức đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và sự chuyên nghiệp cho đội ngũ tình nguyện viên chữ thập đỏ trong tỉnh.

Các tình nguyện viên thực hành kỹ năng sơ cấp cứu. Ảnh: TÂM ĐAN
Cán bộ hội CTĐ thực hành kỹ năng sơ cấp cứu tại khóa huấn luyện sơ cấp cứu cho tình nguyện viên cấp II. Ảnh: TÂM ĐAN

Huấn luyện chuyên sâu

Lĩnh vực sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng là một trong 7 lĩnh vực hoạt động chữ thập đỏ (CTĐ). Tại Quảng Nam, lần đầu tiên, Hội CTĐ tỉnh phối hợp tổ chức thành công khóa huấn luyện sơ cấp cứu dành cho tình nguyện viên (TNV) cấp II. Khóa huấn luyện diễn ra từ ngày 14 - 18/10 tại TP.Tam Kỳ với sự tham gia của 21 học viên là cán bộ, TNV hội CTĐ các cấp.

Theo quy định, để tham gia khóa huấn luyện sơ cấp cứu dành cho TNV cấp II, các học viên phải hoàn thành khóa huấn luyện dành cho TNV cấp I.

Qua khóa học, học viên sẽ có khả năng thực hiện được 24 kỹ thuật sơ cứu gồm 10 kỹ thuật của chương trình TNV cấp I và 14 kỹ thuật chương trình TNV cấp II.

Đây là những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để TNV có thể sơ cấp cứu kịp thời tình huống tai nạn, bệnh tật xảy ra trong cộng đồng dân cư khi chưa tiếp cận được sự hỗ trợ từ ngành y tế.

Có 24 kỹ thuật sơ cứu gồm: di chuyển nạn nhân khẩn cấp; dị vật, tắc đường thở; ngừng thở ngừng tim; chảy máu - sốc; vết thương phần mềm, băng bó vết thương; gãy xương; bỏng; điện giật; đuối nước; vận chuyển nạn nhân an toàn; sơ cứu tổn thương cột sống; nghi chấn thương sọ não; tổn thương vùng bụng; tổn thương vùng ngực; tổn thương mắt; ngộ độc cấp; động vật cắn, đốt; say nắng; đẻ khẩn cấp; đột quỵ; sốt cao/cảm lạnh; tiêu chảy cấp; co giật; tai nạn hàng loạt.

Ông Nguyễn Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ TP.Đà Nẵng (báo cáo viên khóa huấn luyện) cho rằng, công tác sơ cấp cứu tại cộng đồng được xem là có vai trò tiên quyết trong việc cứu sống tính mạng và khả năng phục hồi của nạn nhân sau này, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong.

“Trong y học có nhiều thay đổi về kỹ thuật sơ cấp cứu. Khóa huấn luyện giúp các học viên cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật sơ cấp cứu chuyên sâu như sơ cứu tổn thương cột sống, chấn thương não, đột quỵ…” - ông Lưu chia sẻ.

Ông Lê Tấn Minh - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh trao giấy chứng nhận cho các tình nguyện viên hoàn thành khóa huấn luyện. Ảnh: VINH ANH
Ông Lê Tấn Minh - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh trao giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành khóa huấn luyện. Ảnh: VINH ANH

Diễn ra trong thời gian dài cùng sự chuẩn bị chu đáo về phương tiện, dụng cụ, giáo trình và đặc biệt là phương pháp truyền thụ thu hút của báo cáo viên, khóa huấn luyện sơ cấp cứu cho TNV cấp II tỉnh Quảng Nam đã mang lại ý nghĩa thiết thực.

Là một trong 21 TNV tham gia khóa huấn luyện, ông Trương Thanh Duy - Phó Chủ tịch Hội CTĐ, Đội trưởng Đội TNV xung kích cứu nạn cứu hộ huyện Tiên Phước chia sẻ: “Đợt này, thời gian huấn luyện dài giúp chúng tôi có điều kiện thực hành nhiều kỹ năng sơ cấp cứu. Sau này, Hội CTĐ huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn để truyền đạt lại cho đội xung kích, từ đó lan tỏa, phổ biến đến cộng đồng…”.

Ông Đoàn Thanh Tâm - Chủ tịch Hội CTĐ thị xã Điện Bàn cho rằng khóa huấn luyện giúp học viên có nhiều thời gian để vừa học vừa thực hành các kỹ thuật sơ cấp cứu. Sau này, các TNV cấp II sẽ là những “cánh tay” nối dài của hội CTĐ trong công tác chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu tại cộng đồng.

Nâng chuẩn tình nguyện viên

Ông Lê Tấn Minh - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho rằng, Quảng Nam đang “đi sau” nhiều tỉnh, thành trong công tác đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu cho TNV. Như TP.Đà Nẵng hiện nay đã có 6 TNV đạt chứng chỉ quốc gia.

Các tình nguyện viên hoàn thành khóa huấn luyện. Ảnh: VINH ANH
21 học viên hoàn thành khóa huấn luyện sơ cấp cứu TNV cấp II. Ảnh: VINH ANH

Chưa kể, UBND thành phố còn ban hành đề án về huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu, như Quyết định số 758 ngày 15/10/2019 về việc phê duyệt Đề án “Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mần non” với mục tiêu 100% giáo viên mầm non hoàn thành khóa đào tạo TNV sơ cấp cứu cấp I.

Theo ông Minh, mặc dù công tác đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu cho cán bộ, hội viên, TNV đã được Hội CTĐ tỉnh triển khai thực hiện trong nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay Quảng Nam mới có được một đội ngũ gồm 21 người hoàn thành khóa huấn luyện sơ cấp cứu dành cho TNV cấp II. Với việc hoàn thành khóa huấn luyện này, các học viên sẽ đủ điều kiện, cơ hội để tiếp tục tham gia các khóa huấn luyện chuyên sâu hơn.

“Việc tổ chức các khóa huấn luyện nâng cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải đảm bảo các điều kiện cho phép. Thời gian đến, Hội CTĐ tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác này, đặc biệt là phấn đấu có tập huấn viên đạt chuẩn quốc gia. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, chuyên sâu để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thực hành sơ cấp cứu trong cộng đồng” - ông Minh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ TP.Đà Nẵng, việc đào tạo, huấn luyện được đội ngũ TNV đạt chuẩn sẽ giúp Hội CTĐ tỉnh Quảng Nam có cơ hội mở/lập các điểm, trạm sơ cấp cứu tại cộng đồng theo Thông tư 17 ngày 2/6/2014 của Bộ Y tế.

Chưa kể, khi có đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, hội sẽ có cơ hội tổ chức dịch vụ huấn luyện sơ cấp cứu trong môi trường doanh nghiệp, tạo nguồn thu phục vụ hoạt động nhân đạo.

Để công tác sơ cấp cứu phát huy hiệu quả, ông Đoàn Thanh Tâm - Chủ tịch Hội CTĐ thị xã Điện Bàn cho rằng, những TNV được tham gia các khóa huấn luyện cần phát huy kiến thức, kỹ năng được học bằng cách phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn, truyền đạt cho cộng đồng, nhất là những đối tượng thường chứng kiến, tiếp xúc với các tình huống xảy ra tai nạn trong cộng đồng như giáo viên, bảo vệ trường học, người kinh doanh trên sông nước, người dân sống gần những “điểm đen” về giao thông…

Bế giảng khóa học bơi miễn phí cho trẻ em khó khăn

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường Tân An (TP.Hội An) vừa phối hợp với nhà tài trợ Kawa Wandi - Wandi Union bế giảng lớp học bơi miễn phí cho 30 trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

bn.jpg
Bế giảng khóa học bơi miễn phí trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại phường Tân An (TP.Hội An)

Lớp học diễn ra trong 12 buổi, các em được ban tổ chức chia làm hai nhóm, mỗi nhóm có 3 giáo viên phụ trách giảng dạy cho 15 em. Trong mỗi nhóm, giáo viên chia học viên theo từng cấp độ để đảm bảo việc hướng dẫn đạt chất lượng. Mục tiêu của khóa học này là đảm bảo mọi trẻ em, không phân biệt hoàn cảnh đều có cơ hội biết bơi, giúp các trẻ có kỹ năng vận động và tự tin hơn trong thời gian ở dưới nước.(TÂM ĐAN)

Nhiều hoạt động nhân đạo vì cộng đồng

Ngày 21/10, tại phường Điện Nam Đông, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thị xã Điện Bàn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Long An Segaero tổ chức khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho 300 người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.

Cùng ngày, Hội CTĐ thị xã tổ chức bàn giao 2 ngôi nhà nhân ái cho gia đình bà Hồ Thị Bán (xã Điện Trung) và bà Nguyễn Thị Liên (phường Điện Thắng Bắc), do Bệnh viện chuyên khoa SC Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng với số tiền 50 triệu đồng/nhà.

Trước đó, tại xã Tiên Châu (Tiên Phước), Hội CTĐ huyện chủ trì phối hợp với Đoàn thầy thuốc CTĐ tình nguyện huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tiên Châu tổ chức chương trình khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 100 người cao tuổi khó khăn, thường xuyên ốm đau tại thôn Thanh Bôi. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2024 và kỷ niệm 78 năm thành lập Hội CTĐ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2024).(ĐÔNG ANH)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu cho tình nguyện viên chữ thập đỏ Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO