(QNO) - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát Thường trực HĐND với Sở KH-ĐT sáng nay (11/6) về việc đánh giá việc quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2023.
Theo Sở KH-ĐT, công tác thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA đã được thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tế và theo chủ trương của HĐND tỉnh. Số vốn này đã góp phần bổ sung nguồn lực, tạo động lực kích thích huy động các nguồn vốn khác đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.
UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với bộ, ngành liên quan trong việc quản lý nguồn vốn ODA, cụ thể là triển khai, thực hiện đối với các thủ tục pháp lý của bước đề xuất dự án để đảm bảo theo đúng quy trình, quy định của nhà nước. Thực hiện nghiêm việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn hằng năm theo kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 2020 - 2023, Quảng Nam thực hiện 21 dự án, gồm: 1 dự án giáo dục, đào tạo và dạy nghề; 2 dự án y tế, dân số và gia đình; 5 dự án bảo vệ môi trường; 7 dự án nông, lâm, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, định canh định cư; 5 dự án giao thông đường bộ và 2 dự án công nghiệp điện năng. Nhiều nhất là từ vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) với 6 dự án và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với 4 dự án. Tổng mức đầu tư gần 13.374 tỷ đồng (vốn ODA gần 9.730 tỷ đồng). Giải ngân kế hoạch vốn không đạt kế hoạch. Hằng năm, phải nộp trả ngân sách trung ương hoặc hủy dự toán. Tỷ lệ giải ngân 2020 - 2023 chỉ đạt 71%.
Theo ông Nguyễn Hưng - Phó giám đốc Sở KH-ĐT, trong số 21 dự án đang thực hiện, có 17 dự án triển khai thực hiện từ trước năm 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 và 4 dự án đầu tư mới giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến hết năm 2023, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 dự án. Dự kiến trong năm 2024, sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng thêm 3 dự án và dừng kỹ thuật 2 dự án (đang lập thủ tục để quyết toán do kết thúc hiệp định vay và hết thời gian giải ngân nguồn vốn vay).
Các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã đáp ứng được mục tiêu đầu tư, góp phần hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng, cơ sở hạ tầng từng ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, 2 dự án dừng kỹ thuật chưa đáp ứng được toàn bộ mục tiêu ban đầu đã được phê duyệt khi dở dang...
Ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát xoay quanh việc thiếu kiểm soát trong việc giải phóng mặt bằng, chưa có kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư, thiếu chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật trong việc chậm tiến độ.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Công Thanh yêu cầu Sở KH-ĐT phải là nhạc trưởng, làm trụ cột, kết nối việc làm rõ trách nhiệm trong điều hành, quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn đầu tư công. Cần nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án. Kịp thời xử lý dứt điểm, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật trong việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...