QNO) - Nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã đầu tư mạnh cho thiết bị, máy móc để tăng năng suất, quy mô sản xuất.
Đầu tư máy móc hiện đại
HTX Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Tam An 2 (xã Tam An, Phú Ninh) hiện đang triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa giống với các công ty giống trên cả nước. Chuỗi liên kết này hiện có 183 hộ nông dân tham gia với diện tích 65ha vụ đông xuân và 42ha vụ hè thu.
Hằng năm, HTX thu mua của các hộ viên, hộ liên kết sản xuất khoảng 500 đến 700 tấn lúa, giúp người dân có thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng. Tuy nhiên, lò sấy lúa được HTX này đầu tư vào năm 2008 với công suất khoảng 12 tấn/ngày đêm không đủ năng lực sấy lúa lúc vụ mùa cao điểm.
Ông Bùi Thanh Thọ - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp – kinh doanh tổng hợp Tam An 2 cho biết: “Khi thời tiết mưa gió mà sản lượng thu mua lúa giống rất nhiều nên chỉ 1 lò sấy là không đủ. Để hạn chế tình trạng hư hỏng lúa giống, đáp ứng đơn hàng cho đối tác, HTX đã được Nhà nước hỗ trợ ngân sách 720 triệu đồng từ nguồn nông thôn mới. Và HTX đối ứng 20% để xây dựng lò sấy, nhà kho và sân phơi giúp giải quyết được các khó khăn”.
Hiện nay, HTX này đang kinh doanh 3 lĩnh vực gồm vật tư nông nghiệp, thủy lợi và liên kết sản xuất lúa giống. Ông Thọ cho hay, ngoài việc hiện đại hệ thống máy sấy thì các thành viên cũng mua sắm các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đầu tư vào thiết bị, hạ tầng hiện đại hơn sẽ giúp tiết giảm nhân lực, chi phí nên lợi tức chia cho các thành viên sẽ cao hơn.
[VIDEO] - Ông Bùi Thanh Thọ - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp – kinh doanh tổng hợp Tam An 2:
Nâng tầm giá trị sản phẩm
Cuối năm 2018, trên cơ sở xác định tăng sản lượng và ổn định về chất lượng sản phẩm, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) đầu tư dây chuyền sản xuất phôi nấm với công suất lớn nhằm hình thành chuỗi sản xuất chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap.
Tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật và thực hiện sản xuất đúng quy trình VietGap, tạo thuận lợi cho sản phẩm của HTX và các thành viên trong chuỗi liên kết đủ điều kiện tiếp cận thị trường tiêu thụ. Đến cuối năm 2019, HTX đầu tư ứng dụng phần mềm công nghệ số vào sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trên vùng sản xuất VietGap, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang đã thiết lập các lô sản xuất cho thành phẩm là phôi nấm các loại, triển khai sản xuất theo đúng quy trình ứng dụng công nghệ. Mỗi hộ thành viên được thiết lập sổ nhật ký sản xuất, cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh từng công đoạn sản xuất theo từng thời điểm của mùa vụ.
“HTX có bộ phận giám sát, kiểm tra và tổng hợp thông tin từ nhật ký nông hộ để cập nhật vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nấm thành phẩm được sản xuất ra sẽ mang mã lô và tem truy xuất nguồn gốc tương ứng” – Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang Nguyễn Thanh Vũ nói.
Tháng 10/2020, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nấm với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng hướng đến mục tiêu vừa phát triển sản xuất nấm thương phẩm chất lượng cao, vừa nâng cao giá trị sản phẩm tiến đến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng,
Dự án được đầu tư xây dựng trong 4 tháng với quy mô nhà xưởng 500m2; hệ thống máy sấy nấm công suất 150kg/mẻ sấy; hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến sâu nấm linh chi, nấm mộc nhĩ, nấm bào ngư có công suất 200kg khô/ngày, dây chuyền đóng gói, hút chân không hơn 300 hộp/ngày.
Theo ông Vũ, từ đầu tư dự án quy mô mà HTX có thể liên kết với doanh nghiệp, hộ dân trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm nấm linh chi. HTX đã sản xuất 140 nghìn phôi nấm cung cấp cho hộ nông dân trồng và bao tiêu 9.982kg nấm linh chi. Ngoài dòng sản phẩm thô, HTX này còn chế biến trà linh chi đạt sản phẩm OCOP 4 sao bán ra thị trường.
Trong khi đó, HTX Nông dược Linh Trang (xã Bình Phục, Thăng Bình) được thành lập từ tiền thân là cơ sở sản xuất Linh Trang vào tháng 9/2023. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như các loại đậu, dược liệu dồi dào, HTX này đã sản xuất ra trà đậu đen xanh lòng, trà thảo mộc, túi ngâm chân, trà đinh lăng, túi gội bồ kết…
Bà Mai Thị Hà Trang - Giám đốc HTX Nông dược Linh Trang cho hay, sở dĩ HTX đi theo hướng sản xuất các sản phẩm từ nông sản, dược liệu là để nâng cao giá thành của các loại nông sản địa phương.
Đồng thời, việc tạo ra các sản phẩm đóng gói cũng giúp các sản phẩm có uy tín cao hơn với khách hàng và nâng tầm được giá trị sản phẩm. Vì vậy, vai trò của các loại máy móc, dây chuyền sản xuất khép kín mang tính quyết định.
Năm 2021, HTX này phát triển sản xuất sản phẩm túi lọc bồ kết và thảo mộc ngâm chân nên quyết định đầu tư máy nghiền và máy sấy trị giá 160 triệu đồng. Và được Hội LHPN huyện kết nối, đề nghị qua nguồn khuyến công hỗ trợ 80 triệu đồng tương đương 50% giá trị máy móc.
“Hiện tại, ngoài 2 máy móc trên, HTX còn đầu tư thêm máy đóng gói và máy hàn miệng túi. Hệ thống máy móc theo dây chuyền đã giúp tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng” – bà Trang nói.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 525 HTX nông nghiệp với 91.800 thành viên, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/năm. UBND tỉnh đã triển khai chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường như giới thiệu, tạo điều kiện cho các HTX có sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP tại các sự kiện hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh.
Năm 2023, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn triển khai thực hiện Nghị quyết 17 hỗ trợ kinh phí 21 tỷ đồng. Triển khai Nghị quyết số 07 đã phân bổ cho 18 huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chương trình với tổng vốn 18,9 tỷ đồng...