Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến tỉnh lộ (ĐT) 607, đoạn qua TP.Hội An đang có bước chuyển tích cực về thi công. Tuy nhiên, nếu không sớm tháo gỡ, mặt bằng bị ách tắc sẽ là “nút thắt” làm chậm tiến độ về đích.
Công trường sôi động
Trên diện tích mặt bằng đã được bàn giao, hơn một tháng qua liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An và Công ty TNHH MTV Duy Dũng thi công giai đoạn 5, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến huyết mạch ĐT607 đi vào cửa ngõ phía bắc TP.Hội An đã triển khai trước hệ thống mương thoát nước dọc bằng cống ly tâm và hố ga.
Ghi nhận ở công trường, không khí lao động diễn ra rất khẩn trương với phương châm đào đến đâu, lắp đặt nhanh đến đó rồi hoàn thiện mặt bằng cho xe cộ tránh dễ dàng. Bởi vì, lưu lượng người và phương tiện đông đúc, chưa kể đây còn là cung đường phục vụ phát triển du lịch nên làm cần phải chỉn chu nhằm tạo thiện cảm trong mắt du khách.
Kỹ sư Nguyễn Đình Phong - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư) chia sẻ, đơn vị yêu cầu từ nay đến trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, liên danh nhà thầu phải tập trung tối đa làm mương thoát nước dọc, hạn chế thấp nhất việc đào đường hiện trạng dẫn đến kéo rê nhếch nhác gây kẹt xe và mất an toàn, ảnh hưởng chuyện làm ăn buôn bán của nhân dân, điển hình như bán quật, hoa, cây cảnh.
Theo kỹ sư Đỗ Thành Quảng - Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An, chiều dài liên danh nhà thầu thực hiện gần 4,4km. Về phần mình, công ty đảm nhận lý trình km18+062-km19+260 và km20+420-km22+398; còn Công ty TNHH MTV Duy Dũng triển khai đoạn lý trình 19+260-km20+420. Khởi công từ cuối tháng 10.2019, đến thời điểm này, Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An đã thi công 500m mương thoát nước dọc đoạn đầu phía bên trái tuyến. Do không đụng vào nền đường cũ, đoạn phía đối diện Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hội An dài chừng 300m, nhà thầu này đào đắp nền đường lên được lớp K98.
Chỉ huy phó công trình Công ty TNHH MTV Duy Dũng - kỹ sư Phùng Tấn Tuấn cho hay, nhà thầu làm xong khoảng 300m mương thoát nước dọc bên trái tuyến. Tại địa điểm khác đã có mặt bằng, cống ly tâm và vật liệu phục vụ được tập kết vào vị trí.
Túc trực trên công trường, kỹ sư Nguyễn Đại Lợi (cán bộ Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3) - Trưởng tư vấn giám sát dự án khẳng định luôn giám sát chặt chẽ chất lượng và tiến độ. Là trục tuyến vừa thi công vừa đang khai thác, yêu cầu rất cao là phải đảm bảo an toàn giao thông; vị trí hố ga nào chưa hoàn thiện hoặc nằm chỗ khuất tầm nhìn, không có điện chiếu sáng đều bắt buộc phải bố trí đèn cảnh báo.
Cần gỡ nút thắt
Giai đoạn 4 của dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT607 (đoạn km14+565-km18+00) thi công từ tháng 10.2016, nhưng đến nay chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng do còn vướng mặt bằng thuộc địa phận Điện Bàn. Cụ thể: phường Điện Nam Trung vướng hộ ông Đặng Hữu Thê thuộc 1/2 mặt đường bên phải tuyến dài 50m; phường Điện Nam Đông vướng hộ ông Văn Thế trên chiều dài 20m bên trái tuyến cùng 61m qua 17 hộ phạm vi nút Thương Tín. Được biết, UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan củng cố hồ sơ thủ tục pháp lý để sớm tham mưu ban hành quyết định cưỡng chế đối với 2 hộ Đặng Hữu Thê và Văn Thế.
Những năm qua, vấn nạn kẹt xe và mất an toàn giao thông trên tuyến ĐT607 (kết nối TP.Đà Nẵng) qua Điện Bàn và Hội An gây bức xúc trong dư luận. Do đó, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư chia thành nhiều giai đoạn.
Ngay khi giai đoạn 4 (Điện Bàn - Hội An, nút giao Thương Tín) chưa về đích, giai đoạn 5 tiếp tục được làm trước công tác giải phóng mặt bằng. Để tháng 10 vừa qua, công trình khởi công với mặt bằng bàn giao dài gần 3km. Tổng mức đầu tư của giai đoạn 5 là gần 145 tỷ đồng; công trình gồm 3 mặt cắt rộng lần lượt 19m (ngã tư Thương Tín - ngã tư đường 28.3), 16,5m (đoạn ngã tư đường 28.3 - ngã tư đường Hai Bà Trưng) và 13,5m (ngã tư đường Hai Bà Trưng - ngã tư đường Nguyễn Trường Tộ).
Trú tại Tổ đoàn kết số 21, thôn Bàu Ốc (xã Cẩm Hà), bà Đặng Thị Nhiên lúc rãnh rỗi đều ra phía trước dõi theo công nhân làm việc. Hộ bà cũng đã bàn giao xong mặt bằng bị ảnh hưởng cách đây chừng vài tháng. “Đường sá mở ra khiến tôi thấy rất phấn khởi, bà con ai nấy đều vui mừng, đi lại thuận tiện hơn” - bà Nhiên nói.
Theo tiến độ hợp đồng, công trình thi công phải về đích sau đúng 400 ngày. Để thực hiện đúng cam kết, đặc biệt là sớm đưa vào khai thác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư và đảm bảo an toàn giao thông, vướng mặt bằng là “nút thắt” cần phải tập trung tháo gỡ.
Kỹ sư Đỗ Thành Quảng thông tin, mặt bằng đoạn do công ty đảm nhận vướng nhiều vị trí bên phải tuyến; khâu làm khớp nối nút giao Thương Tín (giáp Điện Bàn) không thể tiến hành vì cuối tuyến của giai đoạn 4 chưa giải tỏa được. Trong khi đó, kỹ sư Phùng Tấn Tuấn cho hay, đoạn tuyến mà nhà thầu thi công chưa khơi thông công địa của 10 hộ dân.
Kỹ sư Nguyễn Đình Phong xác nhận, giai đoạn 5 hiện còn 16 trường hợp chưa giải phóng xong mặt bằng. Chính vì vậy, chủ đầu tư kiến nghị TP.Hội An tiếp tục giải thích, vận động để các hộ này đồng thuận, nhận tiền và sớm bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thành công trình, phục vụ lại chính cho nhân dân trên địa bàn nói riêng.