Nghề cào hến đã giúp hàng trăm hộ dân ở các thôn Tân Phú và Phú Đông (xã Tam Phú, Tam Kỳ) có kế mưu sinh. Không bằng lòng với nghề hến thủ công, người dân và chính quyền địa phương đang tìm cách nâng cấp nghề hến, hướng đến phát triển các sản phẩm đặc trưng, phục vụ du lịch cộng đồng.
Nghề cào hến Tam Phú giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Những năm gần đây, hến ở làng Tân Phú được xuất bán tận Đà Nẵng, Huế, TP.Hồ Chí Minh và Tây Nguyên. Đầu ra ổn định tạo động lực cho nhiều hộ dân địa phương đầu tư phương tiện để hành nghề.
Ông Võ Khắc Định (thôn Tân Phú) đóng mới một chiếc thuyền gỗ gắn máy nổ D24 cùng một số dụng cụ cần thiết cho nghề cào hến. Hàng ngày từ 17 giờ, sau khi cơm nước xong hai vợ chồng đưa thuyền đi hành nghề, đến 22 giờ nghỉ giải lao, ăn khuya, 2 giờ sáng ngày hôm sau tiếp tục cào, 5 giờ sáng cập bến xuất bán cho các chủ nậu. Mỗi đêm ông cào được từ 40 – 50 ang hến vỏ (8kg/ang), giá 25 nghìn đồng/ang, thu được từ 1 – 1,2 triệu đồng.
Thôn Tân Phú có 5 trại nấu hến, với hơn 10 lò nấu, giúp hàng chục lao động có việc làm ổn định. Bà Nguyễn Thị Xin - chủ hai lò nấu hến cho biết, trước đây gia đình làm nghề cào hến nhưng sau đó đầu tư xây dựng lò để nấu hến. Hiện hai lò giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, thu nhập bình quân 200 nghìn đồng/ngày.
Hơn 15 năm qua công việc luôn ổn định, trong năm chỉ trừ hai tháng 9 và 10 âm lịch (do mưa lụt), những tháng còn lại vẫn làm thường xuyên. Mỗi ngày thu mua bình quân 500 ang hến vỏ, sau khi nấu chín, đãi được 0,8kg hến ruột/ang, giá bán khoảng 45 nghìn đồng/kg (hến ruột). Ngoài ra, vỏ hến cũng được xuất bán để các chủ lò nấu vôi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Ông Hồ Xuân Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Phú cho biết, hội đã thành lập tổ hội nông dân cào hến để các thành viên trong tổ liên kết, giúp đỡ lẫn nhau nhằm cung ứng đủ số lượng hến theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Thời gian đến hội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm chủ lực của xã Tam Phú, trong đó chủ yếu là thôn Phú Đông và Tân Phú. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh.
Địa phương sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất nhằm giúp làng nghề được ổn định, đảm bảo an ninh – trật tự và vệ sinh môi trường. Riêng 5 trại nấu hến hiện có, địa phương sẽ quy hoạch thành một khu để các hộ sản xuất ổn định, an toàn, giải quyết đầu ra hiệu quả hơn.
Ngoài ra, địa phương cũng sẽ tạo điều kiện, giúp đỡ các hộ dân trong việc chế biến các sản phẩm từ hến, hướng đến phát triển ẩm thực phục vụ khách du lịch trong thời gian không xa...