Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa X bằng nghị quyết quy định các mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
“Điểm nghẽn”
Trưởng phòng Đào tạo - công tác sinh viên Trường Đại học Quảng Nam - TS. Phạm Nguyễn Hồng Ngự cho biết bắt đầu nghiên cứu sinh tiến sĩ từ năm 2016 tại Trường Đại học Vinh. Sau 4 năm, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2020.
“Học phí thời điểm mình học mỗi năm là 20 triệu đồng và thêm 10 triệu đồng các khoản phí khác. Như vậy 4 năm học hết 120 triệu đồng, chưa kể tiền tàu xe, ăn ở, làm luận án. Tổng cộng chi phí hoàn thành quá trình nghiên cứu sinh để trở thành tiến sĩ trong nước tầm 200 - 300 triệu đồng. Đó là hoàn thành theo đúng thời hạn, còn nếu vì một lý do nào đó kéo dài thời gian sẽ phải tốn kém nhiều hơn” - TS. Hồng Ngự chia sẻ.
Cũng theo nữ tiến sĩ, trong thời gian nghiên cứu sinh, chị được nhà trường quan tâm hỗ trợ 50% học phí, còn lại tất cả đều do bản thân tự lo. Chị chia sẻ thêm, nhiều người rất mong muốn nghiên cứu sinh tiến sĩ nhưng rào cản kinh phí khiến cho họ không thể thực hiện.
Không có chính sách hỗ trợ đào tạo của tỉnh chính là cản ngại lớn đối với Trường Đại học Quảng Nam trong việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là đội ngũ có trình độ tiến sĩ.
Sau hơn 25 năm thành lập, cho dù được nhà trường động viên, khuyến khích song hiện số cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường vẫn còn khá khiêm tốn với 15 người. Bởi vậy, trong rất nhiều lần UBND tỉnh làm việc, lãnh đạo nhà trường đều kiến nghị tháo gỡ khó khăn về vấn đề này.
Theo PGS-TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam, đào tạo tiến sĩ rất khó khăn. Nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhà trường cũng chỉ hỗ trợ mức độ giới hạn cho cán bộ, giảng viên đi học.
Do đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thu hút, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên có trình độ tiến sĩ, giúp nhà trường duy trì các mã ngành đào tạo hiện có và mở thêm các mã ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội.
Cách đây nhiều năm, tỉnh có chính sách hỗ trợ học phí học tiến sĩ cho cán bộ, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam nhưng sau đó không còn nữa. Vì vậy, việc thông qua nghị quyết quy định hỗ trợ và mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh lần này giúp nhà trường tháo gỡ vướng mắc.
“Chính sách hỗ trợ của tỉnh mới ban hành là thông tin rất đáng mừng đối với những người mong muốn học tiến sĩ trong thời gian tới” - TS. Hồng Ngự bày tỏ.
Nâng chất lượng
Quảng Nam từng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo, kể cả thu hút người có trình độ tiến sĩ về công tác tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của tỉnh (từng thu hút tiến sĩ về công tác tại Trường Đại học Quảng Nam). Qua đó, góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, làm chuyển biến tích cực nền công vụ.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, chất lượng đội ngũ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi thực tiễn; thiếu cán bộ chuyên sâu trên một số lĩnh vực.
“Vì vậy, việc xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả về chất lượng công tác đào tạo; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng và cơ cấu hợp lý để đưa Quảng Nam phát triển” - bà Hoa nói.
Ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, việc ngân sách tỉnh hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí và chi phí làm luận án tốt nghiệp góp phần chia sẻ một phần khó khăn về kinh phí của đối tượng được cử đi đào tạo; đồng thời cũng gắn với trách nhiệm của người học trong việc tự đảm bảo các khoản kinh phí khác.
Theo nghị quyết, đào tạo tiến sĩ và tương đương được hỗ trợ mức 50% học phí, 30 triệu đồng/khóa học và 10 triệu đồng làm luận án tốt nghiệp. Đối với đào tạo thạc sĩ và tương đương được hỗ trợ 50% học phí, 20 triệu đồng/khóa học và 5 triệu đồng làm luận án tốt nghiệp.
Đối với đào tạo lý luận chính trị, mức hỗ trợ học phí 100%; sinh hoạt phí ngoài mức hỗ trợ hằng tháng do các cơ sở đào tạo chi trả theo quy định hiện hành, được hỗ trợ thêm (học tại Hà Nội 1,5 triệu đồng/tháng, tại Đà Nẵng 1 triệu đồng/tháng, tại Quảng Nam 700 nghìn đồng/tháng). Riêng đào tạo ở nước ngoài được hỗ trợ 100% học phí, sinh hoạt phí, các chi phí bắt buộc khác theo thông báo của cơ sở đào tạo.