Nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Yêu cầu cấp bách, không thể trì hoãn

TÂM ĐAN (thực hiện) 27/07/2021 08:34

Thời gian qua, dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 do tỉnh cung cấp đạt tỷ lệ thấp, chất lượng chưa cao, trong khi đây là chỉ tiêu quan trọng nhất của phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) về những vấn đề liên quan.

Giải quyết hồ sơ, thủ tục của công dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: VINH ANH
Giải quyết hồ sơ, thủ tục của công dân tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: VINH ANH

Phù hợp xu thế

Ông Phạm Hồng Quảng cho biết, triển khai cung cấp DVC trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc triển khai đưa 100% DVC mức 4 (đối với các thủ tục đủ điều kiện) vào khai thác có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo giao dịch tương tác giữa cơ quan chính quyền và người dân 24/24 giờ trong ngày.

Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT)
Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT)

Từ năm 2016, sở đã triển khai xây dựng, đưa vào vận hành Cổng DVC của tỉnh và hệ thống không ngừng nâng cấp để đáp ứng các yêu cầu về chức năng, tính năng theo quy định của Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin - truyền thông.

Hệ thống đã triển khai kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của Chính phủ, tích hợp DVC trực tuyến với Cổng DVC Quốc gia, kết nối với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương. Việc đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh đã góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR Index của tỉnh).

* Ngày 11.5.2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 2714 về cung cấp DVC trực tuyến lên mức độ 4 của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021. Tuy nhiên đến ngày 20.7.2021, UBND tỉnh có Công văn số 4516 đánh giá “hầu hết các nhóm công việc giao cho cơ quan, đơn vị, địa phương và Sở TT-TT tại Kế hoạch 2714 triển khai chưa đúng tiến độ”. Ông có bình luận gì về đánh giá của UBND tỉnh?

Đến nay, toàn tỉnh cung cấp 792 DVC mức 3, 4, bao gồm 539 DVC trực tuyến mức 3 (tỷ lệ 30%) và 253 DVC trực tuyến mức 4 (tỷ lệ 14%).

Trong năm 2020, hệ thống DVC trực tuyến của tỉnh đã tiếp nhận xử lý 14.862 hồ sơ trực tuyến (gồm: 5.806 hồ sơ mức độ 3 và 9.056 hồ sơ mức độ 4), tăng 30% so với năm 2019.

Đến nay tỉnh đã tích hợp hơn 120 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 3.835 hồ sơ mức độ 3 và 9.008 hồ sơ mức độ 4 (tăng 15%) so với năm 2020.

Ông Phạm Hồng Quảng: Triển khai thực hiện Kế hoạch 2714 của UBND tỉnh, Sở TT-TT được giao chủ trì thực hiện 12 nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành 9 nhiệm vụ đúng tiến độ, 3 nhiệm vụ xin ý kiến và phối hợp của các ngành, địa phương.

Các nhiệm vụ đã hoàn thành bao gồm: chủ trì, phối hợp các cơ quan và đơn vị có liên quan để nâng cấp và hoàn thiện Cổng DVC, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, cung cấp DVC trực tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chức năng theo quy định. Đảm bảo nguồn lực và phối hợp hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 trên Cổng DVC, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh theo quy định.

Đặc biệt, hỗ trợ UBND cấp huyện và UBND cấp xã triển khai thực hiện các DVC trực tuyến mức độ 4 dùng chung để đảm bảo tính đồng bộ. Đồng thời thường xuyên cập nhật, nâng cấp Cổng DVC, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đảm bảo khả năng thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp sử dụng; đảm bảo an toàn thông tin của hệ thống và đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt...

Đối với nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục DVC trực tuyến năm 2021 trên địa bàn tỉnh, Sở TT-TT đã tổ chức họp và có 3 văn bản gửi các cơ quan đơn vị đề nghị đăng ký danh mục các thủ tục hành chính đủ điều kiện đưa vào mức độ 4.

Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, lượng đăng ký danh mục thủ tục hành chính không đạt được mục tiêu 100% DVC trực tuyến đủ điều kiện lên mức 4. Theo thống kê, rà soát của Sở TT-TT, có 9 đơn vị đăng ký triển khai số lượng DVC trực tuyến dưới 50%, một số đơn vị tỷ lệ dưới 30%. Sở TT-TT đã tổng hợp kết quả báo cáo UBND xem xét, chỉ đạo.

Tập trung nhân lực thực hiện

* Ông có chia sẻ gì về khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ trên?

Ông Phạm Hồng Quảng: Việc triển khai DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế do gặp phải khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh hạ tầng, nhân lực về công nghệ thông tin, việc chuẩn hóa và thực hiện các quy trình thủ tục hành chính, quy trình quản lý, điều hành tại các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng nhiều đến quá trình xây dựng, triển khai các ứng dụng.

 

Các cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử còn triển khai chậm. Các hệ thống thông tin triển khai từ cơ quan trung ương xuống địa phương còn hạn chế trong liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Hiện nay, các quy định về quy trình, biểu mẫu hồ sơ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực còn phức tạp, yêu cầu sử dụng bản giấy, chưa có quy định hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về quy trình xử lý hồ sơ điện tử, sử dụng chữ ký số nên chưa thuận tiện cho việc triển khai cung cấp DVC trực tuyến.

Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp còn thấp. Đặc biệt, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị còn chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai DVC trực tuyến và các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử nói chung. Người dân vẫn có thói quen nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại bộ phận một cửa, chưa khai thác, sử dụng DVC trực tuyến. 

* Ngoài nhắc nhở thực hiện Kế hoạch 2714, tại Công văn số 4516 UBND tỉnh giao thời hạn cụ thể cho từng đầu việc liên quan. Theo ông, các địa phương, đơn vị nói chung, Sở TT-TT nói riêng sẽ phải làm gì để tạo sự chuyển biến và hoàn thành nhiệm vụ “cung cấp 100% DVC trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 năm 2021” đáp ứng yêu cầu thời gian UBND tỉnh đưa ra?

Ông Phạm Hồng Quảng: Trước hết, Sở TT-TT xác định việc triển khai cung cấp tối đa DVC mức 4 cho người dân và doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay là yêu cầu cấp bách không thể trì hoãn. Hiện nay Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh cơ bản đã nâng cấp xong, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật.

Sở đang tập trung nhân lực để thực hiện đúng tiến độ các nội dung được UBND tỉnh giao tại Công văn số 4516 như: tổng hợp danh sách DVC mức 4 đủ điều kiện, thành lập tổ công tác, chuẩn hóa form dữ liệu đầu vào các thủ tục, chuẩn hóa quy trình nội bộ của các đơn vị...

Các công việc của sở được giao sẽ được thực hiện đồng bộ và sớm hoàn thành, sau đó sở sẽ thành lập đoàn công tác làm việc với các cơ quan, đơn vị để cùng đánh giá lại tiện ích của phần mềm cho người dân, doanh nghiệp kể cả cho cán bộ, công chức người tham gia tác nghiệp vào phần mềm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Yêu cầu cấp bách, không thể trì hoãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO