Đã 14 năm trôi qua Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ rời xa cõi tạm. Nhưng khắc ghi trong tâm khảm bao người, hình bóng mẹ như vẫn còn đây với câu chuyện đẫm đầy yêu thương, trở thành biểu tượng của đức hy sinh cao cả vì Tổ quốc.
Dịp 27/7 năm nay, Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 120 năm sinh nhật mẹ Thứ (1904-2024). Ở ngôi nhà xưa của mẹ tại xóm Rừng, Thanh Quýt, Điện Thắng Trung, Điện Bàn, nhiều ngày qua ngập tràn hương hoa, và đặc biệt tại quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lại vang lên những chuyện kể về đời mẹ. Huyền thoại mẹ trải qua bao thăng trầm sóng gió lịch sử, như neo lại với thời gian những ký ức không phai mờ.
Không thể đếm hết bao nhiêu bài thơ đã lấy tứ từ hình ảnh mẹ, ngân lên những lời thắm thiết. Âm nhạc cũng da diết miết vào lòng người giai điệu bi hùng: “Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê/ Chín con ra đi không một đứa trở về/ Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ/ Nỗi đau chất chồng cao tựa Trường Sơn… Mẹ yêu thương, mẹ anh hùng, mẹ của con/ Cả nước tự hào, ôi người mẹ Quảng Nam”... (“Người mẹ Quảng Nam” - Doãn Nho). Rồi muôn ngàn bức ảnh, chương trình nghệ thuật, tranh, tượng, phim ảnh… đã khắc họa hình tượng mẹ, khó có thể liệt kê đầy đủ.
Tuy vậy ấp ủ trong tôi là những ấn tượng khó quên về những góc nhìn, tiếng nói của nghệ thuật có sức ám ảnh khôn nguôi. Đầu tiên là bộ phim tài liệu “Trang đời huyền thoại” của NSND Huỳnh Hùng.
Trên cái nền một bút ký cùng tên của nhà giáo Trần Thị Xuân Thu, viết về chân dung đời mẹ, anh Huỳnh Hùng dựng thành kịch bản và cùng nhà quay phim, đạo diễn tài hoa Trí Trung thực hiện bộ phim đầy công phu vào năm 1997, chỉ sau hơn hai năm mẹ Nguyễn Thị Thứ được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau này, khi mẹ về cõi vĩnh hằng (2010), tôi đã viết một bài báo nhắc chút kỷ niệm khi theo đoàn làm phim này. Lúc ấy tôi chỉ cõng mẹ ra Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn để thắp hương các con của mẹ.
Mắt mẹ đã mờ, sờ soạng trên tấm bia liệt sĩ mà gọi tên con da diết, tôi nhìn thấy tàn hương cong xuống như sự chứng tri vô tận, một cõi ngoài vô tận.
Và trong sân vườn nhà mẹ, đàn gà con ríu rít quẩn quanh gà mẹ, còn bên ngoài cánh đồng dưới xóm Rừng là những cánh cò chấp chới bay lên,… đã góp vào hình ảnh đặc tả cho nhà quay phim Trí Trung làm bật lên liên tưởng đầy xúc cảm về đời người, về mẹ và những người con hy sinh.
Ấn tượng khác là hai bức hình mà chỉ cần nhìn thôi đã lột tả nỗi đau khôn cùng của một người mẹ và sự cao cả, thiêng liêng của tình yêu nước, thương nhà.
Đầu tiên là bức hình của Đại tá Trần Hồng (SN 1947, ngụ TP.Hà Nội) chụp cảnh mẹ Thứ bên mâm cơm cúng các con vào năm 2001. Thật xúc động trước bức ảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy.
Sau này kể lại bối cảnh chụp bức ảnh, Trần Hồng đã viết: “Bất chợt bữa đến nhà, tôi thấy Mẹ đang ngồi như thế này. Bà bảo tôi rằng bà vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng về với tôi, chắc chắn thế”.
Đâu khoảng năm 2008, nhiếp ảnh gia Vũ Công Điền (công tác tại TTXVN) lại có nhân duyên chụp bức hình về mẹ Thứ, với 9 ngọn nến lung linh.
Bức hình để đời này hiện lên trên bao nhiều tờ báo, tạp chí, sách ảnh, mà mới đây khi tôi hỏi về bối cảnh, anh Điền còn xúc động kể: “Ngày đó là đám giỗ chồng mẹ, anh nghĩ về những người con của mẹ hôm nay cũng có về. Và từ đó anh mượn 9 ngọn đèn như thay cho 9 người con về tâm sự cùng mẹ”.
Nghệ thuật đã có tiếng nói của riêng mình để khắc họa hình tượng mẹ trở nên bất tử. Và từ đó góp phần neo giữ trong tim người đi cùng thời gian, sâu thẳm mênh mang niềm thương kính MẸ VIỆT NAM.