Theo bước chân người Quảng

Neo lại những danh xưng

QUỐC TUẤN (quoctuanqna93@gmail.com) 06/04/2025 08:13

Có những danh xưng theo tiến trình sắp xếp đơn vị hành chính hoặc đô thị hóa chỉ còn trong tâm thức và sử liệu. Nên chăng cần neo lại những danh xưng này để lớp lớp thị dân luôn thấy cội nguồn hiện hữu quanh mình?

20250327_082131.jpg
Thành phố Hội An vừa tổ chức gắn biển cho "Công viên Đại An" để kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố (tên làng Đại An từng tồn tại đến thế kỷ 19, ngày nay là khu vực khối phố An Bàng, phường Cẩm An). Ảnh: QUỐC TUẤN

Vừa qua, nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng TP.Hội An, chính quyền địa phương tổ chức gắn biển cho công viên Đại An (phường Cẩm An, TP.Hội An). Cái tên Đại An gây chú ý, có lẽ nhiều người địa phương cũng không tường tận về nguồn gốc danh xưng này.

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, địa điểm xây dựng công viên là vị trí thuở khai hoang mở đất lập làng/xã vào cuối thế kỷ 17 có tên gọi là làng/xã Đại An (tục danh là làng Sợi Mây).

Tên gọi làng Đại An tồn tại mãi đến thế kỷ 19. Sau này, quá trình biến đổi đơn vị hành chính được đổi qua những tên gọi khác nhau, đến hiện nay là khối An Bàng thuộc phường Cẩm An.

“Nhằm nhắc nhớ lại các tên gọi, địa danh xưa cũ của vùng đất Cẩm An trong quá khứ; kết nối giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương gắn hơi thở phát triển của thời đại, công trình được thành phố Hội An thống nhất đặt tên gọi là “Công viên Đại An”, ông Ngọc chia sẻ.

“Đại An” là một trong số rất nhiều danh xưng đã lùi vào dĩ vãng trong hơn 550 năm biến thiên vùng đất Quảng Nam. Dọc dài phố xá xứ Quảng, đâu đó có thể bắt gặp vài cái tên quen thuộc được đặt cho các điểm đến công cộng gợi nhớ về vùng đất Quảng Nam trong quá khứ.

Đại diện một đơn vị kinh doanh du lịch tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An từng bộc bạch với người viết, họ không phải người Quảng Nam mà đến Hội An để mưu sinh và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Sau một thời gian làm ăn, vùng đất trù mật này đã mang lại cho họ một sinh kế bền vững. Họ quyết định thành lập doanh nghiệp với tên gọi Công ty TNHH MTV nhà hàng Cồn Nhàn Xứ. Cái tên Cồn Nhàn Xứ từng khiến nhiều thực khách tò mò và được ông chủ nhà hàng lý giải đơn giản bắt nguồn từ tên gọi xa xưa của vùng đất mà nhà hàng đang đứng chân.

Ngược dòng quá khứ, có một thời gian (khoảng thập niên 80, 90 của thế kỷ trước), ở nhiều địa phương tiến hành định danh lại tên gọi các xứ đất. Đơn cử như thay đổi tên gọi các thôn Hà My, Hà Quảng, Hà Bản… (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn trước đây) bằng việc đánh số thôn 1, 2, 3, 4, 5.

Sau nhiều năm, hòa cùng xu thế chung của việc chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, người ta đã trả lại danh xưng cho các vùng đất bằng chính tên gọi đã đi cùng quê xứ từ thuở lập làng, mở xóm.

Trong công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính tới đây rồi sẽ có thêm nhiều danh xưng tưởng như bất biến đành lùi vào ký ức. Dù rằng, những danh xưng ấy chắc chắn sẽ không bị lãng quên, nhưng nếu neo nó vào đâu đó của cuộc sống, lớp người nặng lòng với quê xứ sẽ cảm thấy bớt ngậm ngùi khi giữa phố thị thênh thang, thấp thoáng bóng quê vẫn thật gần.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Neo lại những danh xưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO