Lần đầu đến Quảng Nam, hẳn nhiều người sẽ thấy khá lạ lẫm với tên gọi thù đâu, thầu đâu và thắc mắc liệu đây có phải là cây sầu đâu, sầu đông mà miền Bắc gọi là cây xoan?
Thù đâu, thầu đâu là những biến âm của sầu đâu. Trước hết, sự biến âm giữa thù và thầu trong thù đâu - thầu đâu, cụ thể là giữa hai vần –u và –âu, vẫn thường gặp trong cuộc sống.
Chẳng hạn, tên cụ Phan Châu Trinh hiện nay nhiều nơi vẫn viết Phan Chu Trinh, dù sinh thời cụ Tây Hồ luôn ký tên Phan Châu Trinh dưới các bài viết của mình. Hoặc như, con trâu - người xứ Nghệ nay vẫn gọi con tru, chim bồ câu thì người Quảng thỉnh thoảng vẫn gọi bồ cu… Thù - thầu cũng tương tự như thu (trong thu thập, thu về) – thâu mà người Quảng Nam vẫn thường nói.
Còn giữa sầu đâu và thầu đâu là sự biến âm của s- và th-. Trong lịch sử ngữ âm tiếng Việt, có nhiều tiếng với phụ âm s- có thể biến đổi thành th- hoặc ngược lại. Một số vẫn còn lưu trong phương ngữ Quảng Nam đến tận ngày nay.
Chẳng hạn, vết sẹo người Quảng Nam vẫn phát âm là thẹo, như trong cách nói “Cái thẹo trên mặt mi vì răng mà có rứa?”. Hoặc, thưa trong thưa thớt, thưa dày người Quảng vẫn gọi là là sưa, như trong cách nói “Giống cây ni phải trồng sưa ra thì mới lớn nhanh được”.
Trong tiếng Việt phổ thông cũng có không ít trường hợp tương tự. Ví như, sẫm trong sẫm màu cũng chính là thẫm trong đỏ thẫm. Cho nên, Từ điển tiếng Việt đã giảng mục từ thẫm là “như sẫm” (Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 1992, tr.890).
Lâu nay, vẫn có người tranh luận về tên một loại bánh dùng trong lễ cưới hỏi là su sê hay xu xê. Đâu mới là cách viết đúng chính tả? Có thể trả lời rằng, nếu xét về nguồn gốc thì cả hai đều đúng. Vì chúng ta đều biết, xu xê hay xu sê đều là biến âm của (bánh) phu thê, tức “bánh vợ chồng”. Thê biến thành sê là do sự chuyển đổi giữa th- và s- như trên đã nói. Dưới áp lực của phụ âm s- trong tiếng thứ 2 (sê), tiếng đầu phu cũng bị biến thành su và từ đó, có cách gọi su sê.
Th- còn có thể biến đổi thành x-. Chẳng hạn, thanh (nghĩa là “màu xanh”, như trong thanh sử - sử xanh, thanh lâu - lầu xanh) biến âm thành xanh; thọc - xọc; thì thào - xì xào… Thê biến thành xê. Rồi xê lại kéo phu thành xu (do áp lực của phụ âm x-). Đây là diễn biến ngữ âm của xu xê. Tuy nhiên, nói/ viết xu sê hay su xê là không chính xác. Bởi, do áp lực của việc láy lại phụ âm, s- hoặc x- của tiếng sau chỉ kéo theo chính nó ở tiếng trước, chứ không thể có trường hợp s- kéo theo x- hay ngược lại.
Trong hội xuân của làng An Hải trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), có hội “dồi bòng”. Trò chơi chính trong hội xuân này là ném (dồi) trái bưởi (bòng) lên sao cho lọt vào giỏ tre trên cao thì chiến thắng. Người An Hải gọi trái bòng bằng tên gọi đầy thành kính là sanh yên với ước vọng về một loại quả thiêng “sinh ra sự yên ổn” trong năm mới (生安, sanh: sinh ra; yên: yên ổn).
Người An Hải cũng gọi quả này là thanh yên. Như vậy, giữa thanh yên và sanh yên là sự biến âm rất phổ biến giữa th- và s-. Và phải chăng, thanh yên, chanh yên là những tên gọi bắt nguồn từ hai tiếng sanh yên mang ý nghĩa tốt đẹp này?