Ngân hàng góp sức phục hồi kinh tế

VIỆT NGUYỄN 26/02/2022 11:16

(QNO) - Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nỗ lực thu hút khách hàng, kích thích tăng trưởng, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đưa vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khơi thông huyết mạch kinh tế.

Tín dụng góp sức phục hồi kinh tế. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tín dụng góp sức phục hồi kinh tế. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Kích cầu tín dụng

Trong tháng 2.2022, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tích cực tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân trên địa bàn. Hoạt động huy động vốn khởi sắc so với tháng 1. Đến cuối tháng 2, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 68.570 tỷ đồng (tăng 1,2 % so với đầu tháng). 

Ông Đỗ Văn Bảng - Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng giao dịch HDBank Quảng Nam tại Tam Kỳ cho biết, lãi suất huy động của ngân hàng đang ở mức 6,5%/năm (cao hơn gần 1%/năm so với cuối năm 2021). Có thể nhận thấy người dân ưu tiên lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng để đầu tư lượng tiền nhàn rỗi. Tiền gửi tiết kiệm dân cư đạt 53.000 tỷ đồng (77,29% tổng nguồn vốn, tăng 1,9% so với đầu tháng); tiền gửi thanh toán đạt 15.000 tỷ đồng (21,88% trong tổng nguồn vốn, giảm 1,3% so với đầu tháng); tiền gửi kỳ phiếu, trái phiếu đạt 570 tỷ đồng (chiếm 0,83% tổng nguồn, tăng 5,7% so với đầu tháng).

Bà Hoàng Thủy (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cho rằng, so với các kênh chứng khoán, vàng và bất động sản, gửi tiết kiệm ở ngân hàng an toàn hơn dù lợi nhuận không quá cao. “Trong khi chờ đợi cơ hội đầu tư lớn, chúng tôi gửi tiết kiệm để yên tâm. Các giao dịch của ngân hàng an toàn, thuận tiện, nhanh gọn là lợi thế” - bà Thủy nói.

Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch HDBank Quảng Nam tại Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch HDBank Quảng Nam tại Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trong khi lãi suất gửi tiết kiệm tăng lên thì hệ thống ngân hàng Quảng Nam lại có động thái giảm lãi suất cho vay với mức 1-1,5%/năm để hỗ trợ khách hàng, các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến cuối tháng 2, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 87.615 tỷ đồng (tăng 1,5% so với đầu tháng). Trong đó, tín dụng ngắn hạn tăng 1,7% so với đầu tháng, chiếm tỷ trọng 52,96%, tín dụng trung dài hạn tăng 1,3% so với đầu tháng, chiếm 47,04% trong tổng dư nợ. 

Ông Võ Văn Đức - Giám đốc Vietcombank Quảng Nam cho biết, ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để làm cơ sở tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đưa dòng tiền vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

“Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi trong bạo bệnh Covid-19 luôn được tạo thuận lợi để tiếp vốn, vượt qua đại dịch, phát triển trong thời gian đến” - ông Đức nói.

Nhiều hỗ trợ

Đáng mừng là các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục tương tác, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến cuối tháng 2, tổng giá trị nợ được các tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi là 4.232 tỷ đồng với 1.404 khách hàng (213 doanh nghiệp,1.189 cá nhân) được tiếp cận. Trong khả năng tài chính của mình, các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn mới phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nay, doanh số cho vay mới đạt 52.219 tỷ đồng cho 7.080 khách hàng còn dư nợ. 

Vietcombank Quảng Nam hỗ trợ khách hàng vay vốn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vietcombank Quảng Nam hỗ trợ khách hàng vay vốn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vai trò huyết mạch kinh tế của ngân hàng trên địa bàn tỉnh được thể hiện rõ khi đưa vốn vào các lĩnh vực ưu tiên. Đáng nói, trước đây lãi suất cho vay các lĩnh vực này là 5,5%/năm, do đại dịch Covid-19 đã giảm 1%/năm, chỉ còn lãi suất cho vay là 4,5%/năm. Theo đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là hơn 24.000 tỷ đồng (tăng 1,91% so với tháng 1), cho vay xuất khẩu là 1.100 tỷ đồng (tăng 4,95% so với tháng trước), cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.000 tỷ đồng (tăng 8,97% so với tháng trước), cho vay công nghiệp hỗ trợ là 2.170 tỷ đồng (tăng 0,79% so với tháng trước). 

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, “kim chỉ nam” của ngành ngân hàng Quảng Nam là tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung tín dụng vào các chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chuyển đổi số, kích thích thanh toán không dùng tiền mặt.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngân hàng góp sức phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO