(QNO) - Ngày 15/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra đánh giá đầu tiên sau đại dịch COVID-19 về tiến trình xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung.
Mặc dù đạt nhiều tiến bộ, thế giới ngày nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo.
Theo số liệu công bố ngày 11/7/2023, hiện có 1,1 tỷ người trong số 6,1 tỷ người ở 110 quốc gia trên thế giới đang sống trong cảnh nghèo đói, tập trung ở các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế thấp và dễ bị tổn thương, nhiều quốc gia trong số đó nằm ở châu Phi cận Sahara.
Số người nghèo đói hầu như không thay đổi nhiều so với những năm 1990 do dân số gia tăng, hậu quả của những thách thức chồng chéo gồm tăng trưởng kinh tế chậm, đại dịch, nợ công cao, xung đột, dễ bị tổn thương và các cú sốc về khí hậu.
Theo WB, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững.
Tỷ lệ nghèo cùng cực (người sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày) ở Việt Nam giảm từ 45% năm 1992 xuống chỉ còn 1% hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam đang chuyển sang giải quyết các nguy cơ nghèo khác liên quan đến biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thay đổi công nghệ, bất bình đẳng giới...
Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc tích hợp các biện pháp giảm nghèo đa chiều vào chính sách quốc gia, không chỉ về thu nhập mà còn bao gồm cả các yếu tố như tiếp cận y tế, giáo dục, vệ sinh và nước sạch.
Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam theo dõi chặt chẽ các chỉ số nghèo đa chiều, sử dụng các chỉ số đó để thực hiện các chương trình giảm nghèo khu vực và quốc gia.
WB cho rằng, các quốc gia có thu nhập thấp nên ưu tiên giảm nghèo bằng cách mang lại tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư nhiều hơn vào việc tạo việc làm, vốn con người, tiếp cận dịch vụ và cơ sở hạ tầng đồng thời cải thiện khả năng phục hồi.
Các quốc gia có thu nhập trung bình nên ưu tiên tăng trưởng thu nhập làm giảm khả năng bị tổn thương trước các cú sốc, cùng với các chính sách giảm cường độ khí thải các bon của tăng trưởng.
Ở các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trung bình cao - nơi lượng khí thải các bon cao, trọng tâm nên là cắt giảm khí thải trong khi tìm cách giảm bớt tình trạng mất việc làm và các chi phí ngắn hạn khác có thể phát sinh do những khoản cắt giảm như vậy, đặc biệt đối với người sống trong hoặc dễ bị tổn thương vì nghèo đói.
Việc tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy tài chính cho phát triển cũng rất quan trọng để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi hơn.
Năm nay, chủ đề ngày Quốc tế xóa nghèo (17/10) là "Chấm dứt ngược đãi xã hội và thể chế, hành động cùng nhau vì xã hội công bằng, hòa bình và hòa nhập".