Trong khi nuôi tôm trên cát đã rộng khắp thì nuôi tôm ở vùng triều ven sông còn dè dặt. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với vụ mới năm 2025.
Vào vụ mới
Đến các dải cát ven biển dọc đường Thanh niên sẽ nhận thấy nuôi tôm vụ 1 đã rộng khắp.
Ông Trần Văn Lợi (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, đang nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm trên 4 ao nuôi có diện tích 6.000m2 với mật độ hơn 100 con/m2.
Ông Lợi đã đầu tư ao chứa lắng, ao xử lý nước thải để thuận lợi cho vụ nuôi tôm mới. Ông Lợi yên tâm khi mua tôm giống ở khu kiểm định và sản xuất giống thủy sản Quảng Nam (xã Bình Nam, Thăng Bình).
Ở thôn Diêm Điền (xã Tam Tiến, Núi Thành), hộ ông Phan Công Thiện đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên 3 ao nuôi có diện tích gần 5.000m2. Ông Thiện cho biết, nuôi tôm thưa với mật độ gần 100 con/m2 để tôm có thể phát triển nhanh. Tôm giống ông Thiện mua từ Ninh Thuận đã được kiểm dịch, đảm bảo chất lượng, không có mầm bệnh.
“Ngoài 3 ao nuôi tôm thương phẩm, tôi còn đầu tư thêm 1 ao để nuôi tôm giai đoạn 1. Tôm nuôi ở giai đoạn 1 được 30 ngày tôi sẽ chuyển sang nuôi tôm thương phẩm. Với cách đầu tư này thì tỷ lệ tôm hao hụt hầu như không có, nhanh lớn, đạt năng suất và sản lượng tốt. Tôi đầu tư nuôi tôm an toàn sinh hoc để tôm thương phẩm đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm” - ông Thiện nói.
Những ngày này, những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông Trường Giang đoạn qua thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) tất bật cải tạo ao nuôi tôm để sẵn sàng bước vào vụ nuôi mới năm 2025.
Ông Phạm Như Thái dự tính nuôi tôm trên 4 ao nuôi có diện tích gần 3.000m2 cho biết, đợi trời nắng ấm sẽ thả tôm giống nuôi thương phẩm.
Theo ông Thái, nhiều năm qua nuôi tôm ở vùng triều thất bát do nguồn nước từ sông thẩm lậu mang theo mầm bệnh vào ao nuôi tôm. Năm nay, công đoạn đắp bờ ao được ông Thái thực hiện kỹ trong nhiều ngày.
Ông Thái đã rải vôi xung quanh ao để loại bỏ chất bẩn. Không lấy nước từ sông vào ao nuôi tôm, ông Thái dùng máy hút nước ngầm rồi cân bằng độ mặn để nuôi tôm.
Cẩn thận nuôi tôm
Nghề nuôi tôm ở Quảng Nam tiềm ẩn rủi ro lớn, năm nào cũng xảy ra dịch bệnh khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Ngành nông nghiệp khuyến cáo các nông hộ nuôi tôm nên chú trọng đầu tư, cẩn thận, kỹ càng ở mọi công đoạn trong quy trình nuôi tôm.
Tôm giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch và được mua từ các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng tôm giống. Nông hộ cần nuôi tôm với mật độ thưa, kích cỡ lớn. Thức ăn nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng, còn hạn sử dụng, không có hóa chất, phù hợp với từng giai đoạn nuôi tôm.
Người nuôi tôm cần sử dụng thuốc, chế phẩm sinh học, vi sinh vật có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Trước khi xả thải nước nuôi tôm ra môi trường bên ngoài, nông hộ cần xử lý kỹ.
Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT, đối với các ao nuôi tôm ở vùng triều ven sông không đảm bảo về nguồn nước, bờ ao không kiên cố và nuôi tôm không hiệu quả thời gian qua thì nông hộ nên chuyển sang hình thức nuôi ghép như tôm với cua, rong biển, cá dìa, cá đối mục, cá măng hoặc đầu tư chuyên canh nuôi riêng mỗi loại cá, nuôi cua, trồng rong biển.
Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, những ngày này, đơn vị tập trung nhân lực thực hiện công tác kiểm dịch giống thủy sản nói chung, tôm giống nói riêng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển tôm giống.
Ngành chăn nuôi và thú y phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng, triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi; theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để kịp thời tham mưu Sở NN&PTNT có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó là quản lý chặt thuốc thú y thủy sản; tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc thú y cho người nuôi tôm.
TS. Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho hay, trong năm 2025 đơn vị tiếp tục triển khai các mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm, nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn.
Ngành khuyến nông khuyến cáo người nuôi tôm nên triển khai nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn để hạn chế dịch bệnh, tôm chóng lớn, tăng năng suất, sản lượng. Đặc biệt, nông hộ nuôi tôm nên sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho hóa chất; nuôi tôm tuần hoàn nước, hướng đến thủy sản xanh để phát triển bền vững.
Năm 2024, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh là 2.635ha đem lại sản lượng 17 nghìn tấn. Năm 2024, toàn tỉnh có 160,5ha diện tích tôm dịch bệnh (bệnh do vi rút đốm trắng là 20,5ha, bệnh do vi bào tử trùng là 18ha, bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường là 122ha).