Dự báo mùa mưa bão năm nay khắc nghiệt khó lường, ngành giao thông vận tải sẵn sàng phương án chủ động phòng chống, đảm bảo lưu thông thông suốt.
Nỗ lực vượt khó
Xác định công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Sở GTVT luôn tuân thủ phương châm “Chủ động phòng, tích cực chống” để phối hợp chặt chẽ điều tiết lưu thông, chốt chặn nơi nguy hiểm, khắc phục sự cố sạt lở nhanh nhất có thể vào mùa mưa bão.
Giám đốc Sở GTVT - ông Văn Anh Tuấn cho biết, ngành vạch ra phương án, tổ chức thực hiện, huy động lực lượng, phương tiện triển khai nghiêm túc theo phương châm “bốn tại chỗ” nên đã nhanh chóng ổn định tình hình giao thông sau mỗi đợt mưa lớn.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN của ngành được kiện toàn, nâng cao vai trò trách nhiệm và đã điều hành linh hoạt, phù hợp diễn biến thực tế mưa lũ và hư hỏng của công trình.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, khắc phục sự cố sạt lở đất đá do bão lụt để thông xe, đảm bảo an toàn giao thông phải thi công giữa điều kiện thời tiết bất lợi, địa hình khó khăn là công việc đặc thù của ngành. Tuy nhiên, định mức cho hoạt động này vẫn chưa được ban hành.
Những năm qua, các đơn vị phải vận dụng định mức SF.11100 (đào hốt đất, đá sụt bằng nhân công và máy ủi) của Thông tư số 12, ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng để lập dự toán là chưa đủ cơ sở pháp lý, không phù hợp với thực tế. Sở đã kiến nghị Bộ GTVT sớm xây dựng, ban hành định mức đào hốt đất, đá sạt lở trên QL để các địa phương áp dụng lập dự toán và phù hợp thực tế.
Một lực lượng góp phần quan trọng vào ứng phó mưa bão là các đơn vị quản lý tuyến đường. Những đơn vị này có đủ tiềm lực về máy móc, nhân sự và vật tư để kịp thời tăng cường cho các điểm xung yếu, các công trình do Sở GTVT quản lý.
Ông Văn Anh Tuấn cho biết thêm, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi giúp nắm chắc diễn biến mưa lũ. Thông tin về tình hình giao thông, mưa lũ được cung cấp cho các phương tiện truyền thông, kịp thời truyền tải đến nhân dân, tổ chức, địa phương.
Tuy nhiên, công tác PCTT&TKCN của ngành GTVT tỉnh thực tế còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn phải khắc phục, nỗ lực vượt qua. Đơn cử, các đơn vị phải tự bỏ kinh phí (nguồn vay ngân hàng) mua sắm các trang thiết bị, vật tư, vật liệu để chuẩn bị trước mùa mưa bão và thi công khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong khi đó, việc khắc phục hậu quả, xử lý ùn tắc, đảm bảo giao thông có kinh phí lớn (giá vật liệu, nhân công cao); thời gian thi công hoàn thành kéo dài do ảnh hưởng của thời tiết. Chưa kể, cần thêm một khoảng thời gian lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ hoàn thành công trình và bố trí vốn thanh toán, dẫn đến các đơn vị phải nợ ngân hàng kéo dài, lãi vay cao, khó khăn về tài chính…
Chủ động ứng phó
Theo chỉ đạo của Sở GTVT, những ngày này, các đơn vị quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ (ĐT) do ngành quản lý đã kiểm tra thực tế, chủ động khơi thông mương rãnh, gia cố vị trí xung yếu... đảm bảo lưu thông an toàn.
Giám đốc Công ty TNHH Kỳ Trung - ông Lê Văn Dũng cho hay, đơn vị sẽ triển khai nhiệm vụ này và cố gắng hoàn thành trước ngày 30/8/2024 trên các tuyến QL14H, ĐT603, ĐT603B, ĐT607, ĐT607B được giao quản lý, bảo trì. Sau ngày 30/8, doanh nghiệp tiếp tục theo dõi, kiểm tra để sớm phát hiện hiện tượng bất thường, có giải pháp khắc phục kịp thời.
Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai của ngành GTVT tỉnh, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đang chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện phương án PCTT&TKCN.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, việc rà soát phương án rất quan trọng, giúp đơn vị chuẩn bị đủ lực lượng, thiết bị, dự trữ nhiên liệu, vật liệu và các điều kiện khác để sẵn sàng huy động ngay khi có tình huống phát sinh theo đúng nguyên tắc “bốn tại chỗ”, nhất là trên các tuyến trọng yếu có nguy cơ cao bị tổn thương như QL14D, QL14B (đoạn qua Nam Giang), QL14E hay như ĐT611 (đoạn qua đèo Le, Quế Sơn).
Các tổ phản ứng nhanh cũng được củng cố, kiện toàn, kịp thời xử lý tình huống tại hiện trường, khắc phục thông xe trong thời gian sớm nhất. Công ty còn yêu cầu các xí nghiệp, công trường trực thuộc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ với thời gian ít nhất là 5 ngày.
Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Trần Ngọc Thanh cho hay, ngành sẽ chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị quản lý tuyến chủ động liên hệ với các địa phương nơi các tuyến đường đi qua xây dựng quy chế phối hợp ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai trên từng cung đường.
Trong đó, chú trọng nội dung huy động máy móc, thiết bị, lực lượng tại chỗ hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai để đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất. Phối hợp với địa phương để được hướng dẫn xác định bãi thải và nguồn cung ứng vật liệu như cát, đá phục vụ quá trình khắc phục.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý tuyến phải tham gia cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn được giao nhiệm vụ; hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai theo yêu cầu của địa phương và sự điều động của ngành.
Thanh tra Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy phân luồng, hướng dẫn người dân, phương tiện lưu thông thông suốt và an toàn.