(QNO) - Hàng không là một trong những lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại nhất vì dịch Covid-19.
Cathay Pacific - hãng hàng không hàng đầu tại Hồng Kông (Trung Quốc) và là một trong những hãng bay lớn nhất châu Á hiện nay, yêu cầu 33.000 công nhân của họ nghỉ 3 tuần trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 30.3, trong đó có hàng nghìn nhân viên nghỉ phép không lương.
Ngoài ra, hãng hàng không này lên kế hoạch cắt giảm 90% công suất bay tới Trung Quốc trong 2 tháng tới. Qua đó cho thấy các hãng hàng không châu Á nói riêng, nhiều khu vực trên thế giới nói chung gặp khó khăn, thiệt hại vì Covid-19.
Đến nay, dịch Covid-19 đã lan rộng tại hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ khiến tâm lý nhiều người e ngại trong đi lại nếu không thực sự cần thiết. Ngày 28.2 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nâng mức cảnh báo lây nhiễm toàn cầu đối với dịch Covid-19 từ mức “cao” lên mức “cao nhất”.
Ngay tại thị trường du lịch lớn như Trung Quốc bao gồm Vũ Hán - thành phố tâm dịch Covid-19 đã hạn chế di chuyển từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, kéo dài cho đến nay.
Cạnh đó, nhiều quốc gia châu Á tới châu Âu áp dụng các hạn chế nhập cảnh, siết chặt quy trình kiểm dịch với người đến từ những vùng có dịch, nhất là tại châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… Như 70 hãng hàng không quốc tế hủy tất cả đường bay đến và đi từ Trung Quốc vì các cảnh báo về sức khỏe và du lịch trong mùa dịch Covid-19.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không châu Á có thể thiệt hại 27,8 tỷ USD doanh thu và tiếp tục thiệt hại nặng nếu đại dịch Covid-19 kéo dài. Trong khi đó, những hãng ngoài châu Á dự kiến sẽ mất 1,5 tỷ USD doanh thu.
Trong đó, thiệt hại tại thị trường hàng không nội địa Trung Quốc là 12,8 tỷ USD. Trung Quốc có 671 triệu hành khách hàng không trong nước và quốc tế vào năm 2019, nhưng mức cầu hiện tại giảm 70%. Trước khi Covid-19 bùng phát, đây là thị trường hàng không lớn thứ 3 thế giới.
Do đó, các hãng hàng không châu Á vốn dựa nhiều vào các chuyến bay trong khu vực, phải tích cực cắt giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn thu nhập để tồn tại trong mùa dịch bệnh này.
Theo IATA, trong thời kỳ bùng phát dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) vào tháng 4.2003, nhu cầu hành khách ở châu Á giảm 45% và khiến các hãng hàng không khu vực thiệt hại hơn 10 tỷ USD doanh thu, song phục hồi nhanh chóng khi Sars kết thúc vài tháng sau đó.
Tổng Giám đốc của IATA - Alexandre de Juniac nói: “Đây là thời kỳ khó khăn buộc các hãng hàng không đưa ra quyết định để cắt giảm công suất hoặc tạm thời đóng cửa nhiều tuyến bay quan trọng”.