(Xuân Tân Sửu) - Tôi đi xa quê mấy chục năm, cái nhớ cái thương gốc rạ bờ tre lặm vào máu thịt, bận nào nghĩ về cũng rưng rưng. Quê nhà nay ấm no và tinh tươm trên từng ngả đường lối xóm. Tết về, lại nhớ những chuyện xưa, như bệnh cố hữu của người già xa xứ...
Ngày xưa khốn khó
Trong xóm tôi có cô K., lớn hơn cha tôi vài ba tuổi. Vợ chồng cô nghèo lắm, làm đủ thứ để kiếm miếng ăn. Nhiều lúc, chồng cô qua nhà tôi xin hái khóm mít. Thấy vậy, mẹ tôi cho thêm một ít muối hầm cùng chút ớt bột. Hỏi ra, tôi mới biết những khóm mít ấy hái về bỏ vào cối giã nát, ăn với muối cho qua bữa.
Nhưng bà nội tôi nói cô K. rứa là sướng lắm rồi, ít ra cũng có cái áo cái quần mặc với người ta. Lúc 16 tuổi, cô vẫn còn mặc áo tơi suốt ngày thay cho quần áo. Nói áo tơi cho sang chứ chỉ giống áo tơi thôi, nghĩa là khung áo bằng tre, thay vì chằm lá tơi, thì cô chằm bằng cọng rạ. Cọng rạ dễ tìm, xin ai cũng có, còn lá tơi phải mua, vì quê tôi không có lá tơi.
Em trai của cô, chúng tôi gọi là chú N., khoảng tuổi của cha tôi cũng nghèo như chị. Chú là người hiền lành, chất phác. Ai kêu chi làm nấy. Ở quê tôi, khi nhờ người làm gì đấy thì ngoài bữa ăn trưa còn có ăn nửa buổi, nửa chiều. Do vậy, dân gian có câu: “Làm cho lắm cũng mắm với dưa/ Làm vừa vừa, cơm trưa nước nửa buổi”.
Ăn nửa buổi, nửa chiều chủ yếu là ăn lót dạ và để người làm có thời gian nghỉ ngơi chút đỉnh, nên những ngày sau tết thì mấy lát bánh tổ chiên, bánh tét chiên, còn những ngày khác thì vài chén bánh đúc hoặc vài chén bánh bèo do chủ nhà làm, có khi mít chín hoặc mít già hông chín. Với món mít thì chú N. thường xin cả xơ lẫn hột. Khi nghe bà nội tôi nói xong việc, chú đem nửa trái mít già còn lại về hông cho mấy đứa nhỏ ăn, mắt chú sáng trưng kèm theo nụ cười rạng rỡ.
Ngày gia đình tôi dọn ra Đà Nẵng, chú giúp chuyển đồ. Mẹ tôi trả tiền công, chú nhất định không chịu lấy, mong gia đình tôi được mạnh khỏe, có ngày gặp lại là vui lắm rồi. Nhưng trước sức ép của mọi người trong nhà, chú cười vô tư chỉ xin nhận vài đồng về uống hớp rượu và mua cho mấy đứa nhỏ vài lá mỳ. Từ đó, tôi không còn gặp chú. Sau ngày giải phóng, tôi mới biết vợ chồng chú đã qua đời trong những năm chiến tranh. Điều đáng mừng là những đứa con của chú nay có cuộc sống ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Cháu nội của chú cũng có đứa tốt nghiệp đại học.
Chế độ mới đã cải thiện cuộc sống người dân quê tôi rất nhiều. “Một vũng trâu nằm hơn năm làm mướn”, là ước mơ bao đời của người dân quê tôi. Qua nhiều đời người quyết tâm “Gánh cực đem đổ lên non”, nhưng “Còng lưng mà chạy, cực còn đuổi theo”. Từ sau ngày giải phóng đến nay, người nghèo ở quê tôi được nhiều hơn ước mơ bao đời qua. Ai cũng có ruộng cày. Ai cũng có cơm ăn áo mặc. Ước mơ “ăn no mặc ấm” đã trở thành hiện thực.
Đã có một cái Tết thực sự
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn ưa thích của người dân xứ Quảng. Xuân về Tết đến, nhiều gia đình chung nhau làm một con heo. Chủ nhà có heo thì được cái đầu heo. Người mổ thịt và chia giúp cho các nhà thì được một cái xương o. Con heo được định giá trước, sau đó tới ngày mùa sẽ trả bằng nông sản.
Trong bài ca dao giễu thầy bói, mở đầu có nói: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Với quan niệm người dân quê tôi, “Nghèo cũng ba ngày Tết/ Hết cũng ba ngày mùa”, nghĩa là dù nghèo, ngày Tết cũng phải có chút hương vị Tết, nên bà con chòm xóm sẵn sàng giúp đỡ ít nhiều trong khả năng từng nhà.
Nhưng thường những người nghèo ở quê tôi thì chuyện mổ heo là… chuyện nhỏ, nên cũng không cần sự giúp đỡ ấy. Ba ngày mùa, dù đi mót cũng ăn được bữa cơm không (cơm không có xáo/ ghế, nay gọi là độn). Và ba ngày Tết, tới nhà nào cũng được mời bánh tét với bánh tráng thịt heo.
K. con trai của chú N. – người tôi kể trên, vui vẻ cho biết bà con bây giờ muốn ăn bánh tráng thịt heo lúc nào cũng được đâu cần phải chờ Tết. Ngày Tết bây giờ, khách tới chúc Tết gần giờ ăn trưa hoặc ăn tối thì chủ nhà mới dọn ra mời ăn luôn cho vui, chứ không như ngày trước. Nghe vậy, tôi mừng cho bà con quê nhà. Họ đã có một cái Tết thực sự.
Trâu ai cũng nghé mình
Xóm tôi có chú Ba Q. Vợ chồng chú không có con và những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, chú có “nơm” cái bầu của một bà góa xóm dưới. Bà con trong xóm xầm xì, thì có người cắt ngang: “Lão ta làm rứa là được. Trâu ai cũng nghé mình. Súc vật nuôi trong nhà, mình thương yêu nó thì nó cũng trả nghĩa cho mình huống chi con người. Các chú chống mắt mà coi, sau này vợ chồng hắn sẽ nhờ đứa nhỏ trong bụng nớ đó”.
Và quả như thế thật. Sau ngày giải phóng, tác giả của bào thai ấy năn nỉ đứa con từng không được thừa nhận về nhận tổ quy tông. Nhưng đứa con ấy trả lời thẳng thừng chỉ biết mỗi cha mẹ mình.
Qua chuyện này, tôi hiểu thêm ý nghĩa rất nhân văn của câu ca dao: “Hết mùa rạ hết rơm khô/ Bạn về quê bạn, ta về quê ta”. Thời ông nội tôi về trước, trong làng có cặp vợ chồng nào hơn 3 năm chưa có con, thì người vợ được gia đình chồng cho đi “thả cỏ”. Sau thời gian “thả cỏ” mà vẫn không có con, thì người vợ phải cầm trầu rượu đi cưới vợ nhỏ cho chồng để gia đình chồng về sau có người hương khói.
Và người con trong quá trình “thả cỏ” ấy được xem là đứa con của làng; người trong làng không những không được phép xầm xì, nói móc, nói mỉa, mà khi đứa nhỏ sinh ra, được bà con trong làng, người cho gạo, kẻ cho tiền, người cho con gà, người cho miếng thịt,… cầu mong đứa nhỏ “ăn nhiều mau lớn”.
Quê tôi đất ít, nên phần lớn thanh niên làm nghề thợ vôi (thợ hồ, thợ xây). Cha tôi tay bay tay thước đi làm thuê khắp nơi. Mẹ tôi chạy chợ mua cái này bán cái kia. Nhờ vậy mà gia đình tôi có đồng ra đồng vào, và anh em chúng tôi được học hành tới nơi tới chốn đều nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của cha mẹ.
Những người không làm nghề thì bám với ruộng đồng, chủ yếu là cày thuê cuốc mướn. Tới ngày mùa, thì trai tráng đi gặt thuê, bẻ bắp thuê ở tận trên Tí, Sé (nay thuộc huyện Nông Sơn). Phụ nữ thì đi mót. Và người được “thả cỏ”, không cần thu hoạch nông sản. Trước khi đi, gia đình chồng lo gạo, mắm, trầu cau cho vợ (con dâu) mang đi.
Sau kỳ thu hoạch, người được cho đi “thả cỏ” mang về tin vui là… trên cả tuyệt vời. Điều tiên quyết là người được cho đi “thả cỏ” ấy không nên tơ tưởng chuyện cũ, nếu léng phéng thì bị đuổi ra khỏi làng, xấu hổ lắm. “Hết mùa rạ hết rơm khô/ Bạn về quê bạn, ta về quê ta” là như thế.