Ngày xuân nói chuyện chữ nghĩa để thêm thấu hiểu rằng chữ chính là cuộc sống và hơn thế nữa, là cuộc đời.
Ngày xưa, đã từng có quan niệm, chữ nghĩa là chuyện khó và bạc. Chẳng thế mà thi sĩ Nguyễn Bính than thở: “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm, con ơi! Bạc lắm con!”. Nhưng, nói lập thân bằng chữ nghĩa là kém cỏi (“Lập thân tối hạ thị văn chương” - Viên Mai) chỉ nhằm để chỉ thứ văn chương xu nịnh, vô bổ, ca ngợi rẻ tiền hoặc đánh bóng, dán nhãn, háo danh...
Từ xưa, giá trị thật sự của văn chương đã được nhìn nhận: “Ngã luận văn chương công luận chiến” - người làm văn điều khiển những đoàn quân chữ nghĩa chẳng khác tướng tài chỉ huy.
Trong bài văn tế nhà cách mạng Phan Châu Trinh (qua đời năm 1926), chí sĩ Phan Bội Châu xác tín, khả năng dùng văn chương vào hoạt động cứu quốc của cụ Phan Châu Trinh là: “Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê/ Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm rạng chói”. Xa hơn, thì vẫn sừng sững “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt), “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn) và Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo”…
Nói gần hơn, thì trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, những bài thơ, bài hát đã thực sự hóa thành vũ khí có sức mạnh lắm khi hơn cả binh đoàn…
Nói xa xong rồi, giờ xin nói gần với câu chuyện trải nghiệm của một người già. Có lần chỉ vì một chữ đánh máy sai, mà khiến cho biên tập viên phải tốn nhiều công sức tìm tòi tra cứu; rồi cả hai bên phải tranh luận, mới đi đến thống nhất. Ví dụ này, nhằm nói về sự cẩn trọng của người biên tập có trách nhiệm, trong khi mỗi ngày, phải xử lý rất nhiều tin bài.
Còn nhớ 23 năm trước, viết xong mấy câu: “Khuya đã đào xong lối huyệt mù / Giường trôi lạc nửa bóng u u / Quờ tay, chùng vạt khăn đầm giá / Mờ góc mây đùn cong buốt trăng” nhưng trong lòng tôi vẫn có chút băn khoăn. Mãi đến tháng 10/2024, không hiểu sao, một buổi sáng, câu thơ lại trở về.
Khi tra tư liệu thì hiện ra thi sĩ Đinh Hùng: “Tôi ngủ bâng khuâng một gối buồn/ Giường lênh đênh nổi giữa băng sơn/ Xoay mình, giận mảnh chăn hờ hững/ Tuyết phủ, sương dâng một nửa hồn” (Chớp bể mưa nguồn). Ngoại trừ chữ “giường”, thì hai đoạn thơ này không giống nhau. Nhưng có lẽ chỉ chính mình phải tự biết, là trùng cái tứ, trong hoàn cảnh sáng tác tương tự.
Năm ngoái, Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh chọn bài “Hoàng Phủ Ngọc Tường - phía sau tác phẩm”, để in trong tập sách “Đổi mới và tiếp nhận văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh 1975 - 2025”. Sách tập hợp các tác phẩm lý luận - phê bình kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Tình cờ thông qua công cụ tìm kiếm trên internet, cả một đoạn khá dài trong bài viết trên của tôi lại chễm chệ trong luận văn tiến sĩ của người khác mà “quên” trích dẫn...
Bàn chuyện chữ nghĩa vậy thôi, chứ tự dặn mình, trong dịp xuân về, cần giữ tâm thân thư thái đặng ngâm ngợi thơ chúc tết của một trong bát đại gia đời Tống: “Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ/ Xuân phong tống noãn nhập Đồ tô/ Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật/ Tổng bả tân đào hoán cựu phù” - (Nguyên nhật - Vương An Thạch).
Dịch nghĩa: Trong tiếng pháo tre nổ vang một năm đã hết/ Gió xuân đưa hơi ấm đến trong đó có mùi rượu Đồ tô/ Trong ngàn vạn gia đình, nhà nào cũng đều thắp đèn sáng sủa/ Treo thẻ đào tiễn đưa năm cũ và cầu điềm tốt).