Văn hóa - Văn nghệ

Từ chiếc máy đánh chữ trong nhà Lâm Ngữ Đường ở Đài Loan

LÝ ĐỢI 23/06/2024 18:20

(Đặc san 21/6) - Trong ngôi nhà của Lâm Ngữ Đường (1895-1976) ở Đài Loan còn chiếc máy đánh chữ Hoa văn Ming Kwai - (明快: minh khoái), nghĩa là rõ ràng, nhanh chóng, do ông góp vốn cho phát kiến, giữ bản quyền và sản xuất.

Goc thu vien
Một góc thư viện. Ảnh: Lý Đợi

Phát kiến máy đánh chữ khiến Lâm Ngữ Đường phá sản, nhưng mà nền báo chí, xuất bản - đặc biệt khu vực Hoa ngữ - rất mang ơn ông.

Sống đẹp

Lâm Ngữ Đường là nhà văn hướng ra quốc tế, nên từ rất sớm, ông đã nỗ lực dịch tiếng Hoa ra tiếng Anh, rồi viết văn bằng tiếng Anh.
Một trong những cuốn sách mang lại cho ông đề cử Nobel văn học năm 1940 là The Importance of Living (1937), tiếng Việt dịch là “Sống đẹp” (do Nguyễn Hiến Lê dịch, Sài Gòn, 1964).

Đây có lẽ là cuốn sách thứ ba xuất hiện trong tiếng Việt, sau cuốn “Khói lửa kinh thành” (tức Moment in Peking/ Kinh hoa yên vân, 1939, do Vi Huyền Đắc dịch) và cuốn “Bí danh” (The Secret Name, 1958, do Từ Chung dịch).

Tính đến nay, cả bản chính thức và sách lậu trước khi gia nhập 26/7/2004, khó mà biết được “Sống đẹp” đã in bao nhiêu bản tại Việt Nam.

Hành động bỏ tiền túi đầu tư cho phát minh máy đánh chữ Ming Kwai của Lâm Ngữ Đường cũng là một cách sống đẹp.

Năm 1946, ông nộp bằng sáng chế, tiến hành sản xuất thương mại máy đánh chữ Ming Kwai vào năm 1947. Đến cuối thập niên 1940, trên thị trường không có máy đánh chữ Hoa ngữ nào vượt mặt nổi Ming Kwai về tiện ích và tốc độ.

May chu MK
Máy đánh chữ Hoa văn Ming Kwai nơi bàn làm việc. Ảnh: Lý Đợi

Máy này có thể tạo ra 90.000 ký tự riêng biệt, kết hợp với 7.000 ký tự đầy đủ và 1.400 ký tự gốc hoặc bộ thủ, giúp căn bản hóa hết văn bản phổ thông của Hoa văn. Người không thông thạo có thể gõ tới 20 chữ một phút, người thông thạo thì có thể gõ tới 50-60 chữ.

Đối với những ngôn ngữ ghép ký tự La-tinh, máy chữ đã là giải pháp tối ưu cho văn phòng. Với các ngôn ngữ dùng bộ nét như Hoa ngữ thì đây là một cuộc cách mạng to lớn, hướng đến sự hiện đại báo chí, văn bản hành chính.

Nền tảng hệ thống máy tính Trung Quốc

Tuy nhiên, do hậu quả của Chiến tranh Trung - Nhật (1937-1945) và sự tác động trực tiếp của Chiến tranh Lạnh (1947-1953), máy đánh chữ Ming Kwai không thực sự được đại chúng hóa theo hướng thương mại. Điều này khiến Lâm Ngữ Đường thua lỗ khoảng 100.000 USD thời điểm năm 1940, tính theo hiện nay tương đương khoảng 2,3 tỷ USD.

Minh khoai
Lâm Ngữ Đường và chiếc máy chữ Ming Kwai. Ảnh: TL

Nhưng công sức của Lâm Ngữ Đường không bị quên lãng. Công ty Mergenthaler Linotype đã mua bản quyền máy đánh chữ của ông vào năm 1948. Nó trở thành một công cụ phục vụ nghiên cứu mật mã và dịch thuật bằng máy thời Chiến tranh lạnh.

Không quân Hoa Kỳ cũng mua kỹ thuật bàn phím của ông để nghiên cứu dịch thuật máy và lưu trữ đĩa, nhằm truy cập lượng lớn thông tin được nhanh chóng hơn.

Sau thì Gilbert W. King (Giám đốc nghiên cứu của IBM) đã tiếp quản bàn phím này, phối hợp với với Itek, tạo ra thiết bị chuyển đổi văn bản Hoa văn sang Anh văn, đặt nền tảng cho “dự đoán văn bản” của máy vi tính sau này.

Từ đầu thập niên 1970 ở đại lục phổ biến máy đánh chữ Double Pigeon (双鸽 : song cáp), với những tiện ích mới, có thể xem là một tiếp nối từ Ming Kwai của Lâm Ngữ Đường.

Nhờ hai thập niên dùng máy chữ, Trung Quốc và khối Hoa văn trên toàn thế giới đã sản sinh, sao chép lượng văn bản nhiều kỷ lục, ước tính gấp 30 lần lịch sử xuất bản Hoa ngữ trước đó cộng lại.

Nha LND
Thư viện tưởng niệm Lâm Ngữ Đường. Ảnh: Lý Đợi

Những chiếc máy đánh chữ Hoa văn cuối cùng được Trung Quốc loại khỏi dây chuyền lắp ráp vào khoảng năm 1991, thay vào đó là các bộ xử lý văn bản và máy vi tính.

Tuy nhiên, các kỹ thuật dự đoán văn bản của máy đánh chữ Ming Kwai và Double Pigeon trở thành nền tảng cho hệ thống máy vi tính Trung Quốc, trong đó có nhà sản xuất máy cá nhân lớn thứ hai thế giới là Lianxiang, mà quốc tế quen tai với tên tiếng Anh là Lenovo.

Ngôi nhà ở núi Dương Minh

Sau khi sống ở nhiều nơi như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Hong Kong, Singapore… từ năm 1965, Lâm Ngữ Đường và vợ chọn sống thường xuyên hơn ở Đài Loan cho tới lúc qua đời.

Mộ của Lâm Ngữ Đường giản dị, nằm ngay sau lưng ngôi nhà xinh đẹp của ông ở miền trung du Dương Minh Sơn, Đài Bắc, Đài Loan. Trên mộ chỉ ghi dòng chữ “Lâm Ngữ Đường tiên sinh chi mộ”.

Ngoi mo
“Lâm Ngữ Đường tiên sinh chi mộ”. Ảnh: Lý Đợi

Khác với quan niệm “Tiền mả, hậu gia” (trước mả, sau nhà) của người Nam Bộ, ở Đài Loan có vẻ phổ biến “Tiền gia, hậu mộ”; đến nhà lưu niệm danh họa Trương Đại Thiên (張大千, 1899-1983) cũng thấy điều này.

Từ tháng 5/1974, nơi đây đã được Đài Loan gọi là Thư viện tưởng niệm Lâm Ngữ Đường. Sau khi ông mất, ngôi nhà được bàn giao cho văn phòng phủ tổng thống quản lý, sau đó giao lại cho Trường Cao đẳng Khoa học xã hội và Nhân văn Phật Quang quản lý từ khoảng 1993 cho tới năm 2005.

Hiện nay ngôi nhà do Đại học Soochow (Đông Ngô) quản lý, với tình trạng nguyên vẹn, gần giống như lúc Lâm Ngữ Đường và vợ là Lưu Thúy Phượng sinh sống.

Ấn tượng nhất trong ngôi nhà, ngoài chiếc máy chữ Ming Kwai nằm khiêm tốn ở góc bàn làm việc, chiếc cũ hơn thì cất trong tủ kính, là tủ sách.

Khi Lâm Ngữ Đường còn sống chỉ có khoảng 4.000 cuốn, sau đó được thêm 6.000 cuốn từ thư viện quốc gia, nâng lên thành 10.000 cuốn.

Nhà của Lâm Ngữ Đường hiện nay được coi như thư viện nhỏ cho mọi người đến đọc sách, học tập, nên sách được luân phiên bày biện. Nhưng có một tủ sách lưu cố định những cuốn sách quan trọng với Lâm Ngữ Đường, trong đó có một ngăn nhỏ lưu 5 bản dịch tiếng Việt cuốn “Bí danh” và một cuốn khổ A4 có tên 越南文 (Việt Nam văn), khá dày, có thể tạm hiểu là ngữ văn của Việt Nam.

Ngăn này ông còn bày các sách ngữ văn về Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và vài ngữ văn khác. Tra trong thư tịch xuất bản không thấy cuốn Việt Nam văn, mà tủ sách này không thể tham khảo trực tiếp, nên không biết nguồn xuất bản.

Vietnam van
Tủ sách có cuốn “Việt Nam văn” và bản dịch “Bí danh”. Ảnh: LÝ ĐỢI

Lâm Ngữ Đường có thói quen đánh máy và kết tập các sách độc bản về các vấn đề mà ông quan tâm. Nếu “Việt Nam văn” cũng được kết tập độc bản bằng chính chiếc máy chữ Ming Kwai thì thật thú vị, chứng tỏ tầm quan tâm rất lớn của ông với ngữ văn Việt Nam.

Năm 1972, ông và nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1915-1976) cùng có tên trong đề cử giải Nobel văn học; ông còn được đề cử vào các năm 1940, 1950, 1970 và 1973.

Ngôi nhà được xây theo ý tưởng của Lâm Ngữ Đường, lấy cảm hứng kiến trúc “tứ hợp viện” ở Trung Quốc, do kiến trúc sư danh tiếng Vương Đại Hồng thiết kế. Mảnh đất mà ngôi nhà tọa lạc được Tưởng Giới Thạch trao tặng, sau khi nghe ông có nguyện vọng định cư ở Đài Loan.

Cạnh nhà ông là tư gia của vua võ thuật - diễn viên điện ảnh Vương Vũ, người mà Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long, Thành Long, Hồng Kim Bảo… đều chịu ảnh hưởng. Cách đó không xa là tư gia của nhà sử học Tiền Mục, tứ đại sử gia Trung Quốc…

Từ nhà của Lâm Ngữ Đường, chạy thẳng thì tới một dinh thự khác của Tưởng Giới Thạch, mang tên Thảo Sơn Hành Cung, nằm ở khuôn viên núi, cũng là công viên quốc gia Dương Minh Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ chiếc máy đánh chữ trong nhà Lâm Ngữ Đường ở Đài Loan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO