(Đặc san 21/6) - Sự ra đời của Tạp chí Việt vào tháng 8/1968 là tiếng nói của lòng yêu nước, đóng góp đáng kể trong sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Nam trước năm 1975.
Chuyện sinh viên làm báo
Từ năm 1965, khi quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam, những thanh niên, sinh viên yêu nước đã trăn trở, quyết tìm đường và đã nhanh chóng trở thành hạt nhân của các phong trào thanh niên học sinh sinh viên chống Mỹ ở các đô thị.
Chẳng bao lâu sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, ở Huế, một số sinh viên Đại học Sư phạm Huế (phần lớn là sinh viên Ban Việt - Hán), đã quyết tâm thực hiện một tờ báo. Theo đó, Tạp chí Việt ra đời vào tháng 8/1968.
Với những sinh viên nghèo như chúng tôi phải tự bươn chải kiếm tiền ăn học, thì làm sao có thể đủ tiền in báo. Vì vậy, mọi người cố gắng để in được bìa báo (in typo), còn các trang ruột phải in ronéo.
Khoan nói đến những điều to lớn, chỉ riêng việc in ronéo của Tạp chí Việt cũng đã là “chuyện trần ai”. Nếu không có họa sĩ Vĩnh Phối, lúc bấy giờ là Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, đồng cảm ủng hộ, cho phép chúng tôi vào quay ronéo (quay lén) trong văn phòng của anh, thì đã không có Tạp chí Việt ra đời.
Đứng tên trong nhóm chủ trương Tạp chí Việt lúc này gồm: Vũ Hoài (Bảo Cự), Đông Trình (Nguyễn Đình Trọng), Thân Trọng Sơn, Đỗ Tư Nhơn, Lưu Đức Tuấn Anh, Huỳnh Ngọc Phiên, Ngô Văn Ban, Nguyễn Viết Quý, Yên My (Trần Hữu Lục), Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn), Trương Văn Thuận, Kiều Trung Phương, Trần Duy Phiên, Nguyễn Văn Tư, Trần Cao Bằng, Trường Sơn (Trần Văn Hòa), Ngô Văn Ban, Huỳnh Ngọc Sơn…
Về sau vào tháng 1/1972, còn có thêm Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Võ Quê, Nguyễn Phú Yên (nhạc), Bửu Chỉ (họa), Trần Phá Nhạc, Nguyễn Đông Nhật, Hoàng Văn Trương…
Bên dưới tên tạp chí có dòng chữ “Tờ báo vận động văn học nghệ thuật về nguồn”. Hai từ “về nguồn” được giải thích rõ ở trang bìa 4 của Tạp chí Việt số 2: “Chúng tôi hô hào về nguồn bởi vì dân tộc đang bị đe dọa trước đủ thứ tai ương, có nguy cơ hủy diệt giống nòi. Và chúng tôi gọi là “về nguồn”, trong lãnh vực văn học nghệ thuật, bởi vì thấy rằng văn học nghệ thuật bây giờ đã tách xa yếu tính và chức năng của nó”…
Với chủ trương như thế, tất nhiên Tạp chí Việt chỉ có thể xuất hiện dưới hình thức bán công khai, không có giấy phép của chính quyền Sài Gòn.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà trên mẫu bìa của tạp chí Việt số 1, được dùng làm “áp phích” quảng cáo, dán ở cổng trường Quốc học và Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà Trưng), một bàn tay nào đó đã “ưu ái” bổ sung bên cạnh chữ “Việt” một chữ “Cộng” bằng mực đậm nét.
Do hoàn cảnh khó khăn, dự định ra định kỳ của Tạp chí Việt không thực hiện được. Cụ thể, số 1 ra tháng 8/1968; số 2: tháng 9/1968; số 3: tháng 10/1968; số 4: tháng 6/1969; số 5: tháng 7&8/1969; số 6 đã chuẩn bị xong bài vở, nhưng do nhiều lý do, nhất là không có tiền và bị cảnh sát thành phố Huế theo dõi quá chặt, nên không ra được.
Tiếng nói của lòng yêu nước
Số Tạp chí Việt đầu tiên ra mắt trót lọt, đã tạo được tiếng vang rộng rãi trong sinh viên học sinh và giới văn nghệ tại Huế. Tạp chí Việt còn được gởi đi nhiều tỉnh thành khác, do anh em của tạp chí ra trường đi dạy ở nhiều nơi trên khắp miền Nam.
Chính Tạp chí Việt là nơi tập họp những anh em cùng chí hướng, cùng có khả năng văn nghệ tiến bộ - yêu nước, mạnh mẽ và dứt khoát chống lại thứ văn nghệ lai căng, ru ngủ, mất gốc, nhất là thứ văn nghệ sa đọa được “tự do” và cả được tài trợ trong cao trào của chế độ văn hóa thực dân mới, ở các thành thị miền Nam.
Gần 20 năm sau khi Tạp chí Việt ra đời, trong bài: “Những chặng đường của nhóm Việt” (Tạp chí Sông Hương số 15, tháng 9&10/1985), Trần Thức và Hoàng Dũng đã dẫn lại tuyên ngôn của tạp chí văn nghệ yêu nước này: “Có người quan niệm tác phẩm văn nghệ phải lướt qua thời đại tác giả để tác phẩm trở nên muôn thuở và của nhân loại. Nhưng chúng tôi không thể nào hiểu được trong thứ tác phẩm ấy lại thiếu vắng hôm nay của dân tộc.
Có người quan niệm tác phẩm văn nghệ phải nhằm vào thực tại xã hội để tác phẩm không nằm ngoài lịch sử đấu tranh của dân tộc. Nhưng chúng tôi cũng không thể hiểu được có thứ tác phẩm nào đã bắt rễ vào môi trường sinh hoạt hôm nay mà không lớn mạnh và tồn tại trong tương lai...
Trong hoàn cảnh cùng khổ chung, người nông dân còn kiên gan cúi xuống cày cấy trên ruộng đồng đầy bom đạn, chúng tôi vẫn kiên tâm cúi xuống viết lách trên vùng đất văn hóa trổ đầy trái độc”…
Sau khi Tạp chí Việt phải ngừng xuất bản từ số 6, anh em nhóm Việt đã quyết định cùng cộng tác với Tạp chí Đối Diện. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với anh Nguyễn Ngọc Lan - nhà văn, nhà lý luận xuất sắc, vị tiến sĩ Đại học Sorbone - trở về nước và dấn thân làm một người yêu nước. Bởi nếu không có anh chấp nhận cho anh em Tạp chí Việt phụ trách phần văn nghệ của Tạp chí Đối Diện, thì các tác phẩm văn học yêu nước không được quảng bá trong thời gian dài như thế.
Chỉ tính từ khi Tạp chí Việt ra đời đến ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, những cây bút thành viên đã đóng góp hàng trăm truyện ngắn, hàng nghìn bài thơ, chưa kể các bài phê bình, lý luận, biên khảo, các tác phẩm thuộc thể loại khác như nhạc, họa. Một số tác phẩm của anh em Tạp chí Việt được các báo chí tiến bộ ở nước ngoài, như: Thế Hệ, Tiền Phong (Canada), Sứ Mệnh (Nhật), Thức (Cộng hòa Liên bang Đức), Liên Hiệp (Pháp), Gió Nội (Pháp)... in lại. Kết quả ấy của Tạp chí Việt chính nhờ xuất phát từ tình yêu nước, tồn tại nhờ tình yêu nước và đã có đóng góp đáng kể về mặt văn học cũng từ tình yêu nước…