Đời sống

Nhớ những bữa ăn trên đường tác nghiệp

BẢO ANH 23/06/2024 16:12

(Đặc san 21/6) - Trên đường dài tác nghiệp, có những bữa ăn thật sự đáng nhớ, vì đó không chỉ là bữa ăn mà còn là những sẻ chia, là bài học, trải nghiệm cho nghề và cả ứng xử ở đời...

BỮA ĂN TRÊN ĐƯỜNG 1
Bữa ăn vội tại lán giữ sâm trên đỉnh Ngọc Linh. Ảnh: B.A

Chiêm nghiệm từ bữa cơm vội

Giữa tháng 4/2019, tôi tham gia cùng nhóm nhà báo và văn nghệ sĩ về vùng sâm Ngọc Linh để viết báo, sáng tác văn học, nghệ thuật. Do ở vùng Ngọc Linh quán xá hầu như không có, nên để đảm bảo chuyện ăn uống cho cả đoàn, UBND huyện giao phòng văn hóa mua thực phẩm, gạo, chuẩn bị soong nồi và cử người đi theo phục vụ.

Từ Tắc Pỏ, cả đoàn được ô tô của huyện đưa đến chân núi Ngọc Linh. Tại đây, trong khi mọi người đang tính toán phân chia đồ đạc để đi bộ ngược rừng già lên chốt sâm thì nhận được tin trại sâm sẽ mời bữa trưa. Vậy là gạo mắm gửi lại ở chân núi.

Lên đến chốt sâm thì đã gần trưa. Chưa kịp nghỉ ngơi lấy sức sau gần 2 tiếng đồng hồ lội rừng thì có người bảo phải “làm việc” ngay để còn ăn trưa rồi ra khỏi rừng trước 13 giờ. Thì ra, trong khoảng thời gian từ đầu đến gần cuối mùa hè hằng năm, ở đây thường có mưa chiều, mưa rất lớn, di chuyển giữa rừng trong mưa sẽ rất nguy hiểm.

Vậy là ai nấy tranh thủ tiếp cận các cán bộ, nhân viên của trại sâm, ríu rít hỏi han, ghi chép, chụp ảnh. Tuy nhiên, chưa khai thác được gì nhiều thì có “lệnh” ăn trưa, vì trời có dấu hiệu sẽ mưa sớm. Vậy là hối hả ăn rồi hối hả rút quân...

Cũng vì thế mà sau chuyến đi này chỉ mấy người viết được vài bài báo nho nhỏ và có phần “lớt phớt” về người trồng và giữ sâm trên đỉnh Ngọc Linh.

Nhưng ngược lại, dường như mọi người trong đoàn đều tìm được câu trả lời cho câu hỏi vì sao những người trồng, bảo vệ sâm Ngọc Linh - loại cây dược liệu bạc tỷ, lại có cuộc sống đơn giản, kham khổ đến vậy và vì sao trong bữa cơm của họ không hề có rượu sâm như nhiều người vẫn nghĩ.

Rời đỉnh Ngọc Linh, cả đoàn di chuyển về thôn 1 xã Trà Linh. Tại đây, bao nhiêu gạo và thực phẩm mang theo được lấy hết ra để nấu bữa tối. Là cơm tối nhưng được ăn khi trời chưa tối, ăn vội vàng ngay giữa đường, để còn kịp đến nơi tiếp theo là làng Mo Chai - một ngôi làng “nếp sống mới” của Nam Trà My.

Bữa cơm tối ăn vội bên đường không được nhắc đến, nhưng trong thẳm sâu lòng mình, hẳn nhiều người đều hiểu, chính số gạo muối được một cán bộ của phòng văn hóa huyện gùi theo và bữa tối vội vã nhưng rất “đúng lúc và kịp thời” bên đường ấy đã giúp mọi người đủ sức lội bộ qua quãng đường dài toàn dốc dựng đứng để đến với Mo Chai.

Càng chi tiết, càng đắt giá

Nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ - nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, là người mê viết ký và là tay viết bút ký cự phách của làng văn, làng báo Quảng Nam.

Trong những năm làm việc ở Báo Quảng Nam, tôi may mắn được nhiều lần đi tác nghiệp cùng ông. Một lần đi Núi Thành, đến nơi, trước khi chia nhau ra đi lấy tư liệu, ông dặn: “Cố gắng làm xong trong buổi sáng, trưa về ghé Tam Anh ăn mỳ Cây Trâm”. Chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, những nhà báo trẻ như tôi đều xong việc, quay lại điểm hẹn thì thấy ông vẫn đang còn ngồi với nhân vật, hỏi và ghi chép say sưa.

Ngồi theo dõi, có cảm giác như ông hỏi những chuyện quá... xa xôi, chuyện đẩu đâu chứ không theo đúng trọng tâm như dự kiến đề tài ban đầu. Mãi gần 12 giờ trưa ông mới gấp sổ, đóng bút.

Trên đường về Tam Kỳ, cả đoàn ghé quán mỳ Cây Trâm. Trong khi ăn, nhà báo Hồ Duy Lệ lại tỉ tê hỏi chuyện chủ quán và lật sổ ra ghi chép về lai lịch của quán, về cách chế biến món mỳ Quảng nhưn cua lột trứ danh ở đây. Bữa mỳ trưa muộn vì thế mà kéo dài hơn bình thường.

Sau này, ngẫm lại những câu chuyện tác nghiệp của nhà báo Hồ Duy Lệ, rồi nhiều lần nghe ông tâm sự chung quanh chuyện viết lách, chuyện tác nghiệp của người làm báo, chợt nghiệm ra nhiều điều. Ngay như bữa mỳ trưa ở Tam Anh ngày nào không chỉ là một bữa ăn đơn thuần mà qua những “thị phạm” ngẫu nhiên của ông, còn có thể xem đó là một tiết dạy - học làm báo.

Là nhà báo thì phải siêng đi, phải chịu khó nghe ngóng, khai thác tư liệu, và ghi chép càng nhiều càng tốt, mà theo ông thì “chỉ như thế mới lọc ra được những chi tiết hay, mới có thể phát hiện ra những đề tài mà mình chưa từng nghĩ tới”. Đọc lại các bút ký của nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ, mới hiểu vì sao lại giàu thông tin và chi tiết đến vậy, mới hiểu vì sao ông có được những đề tài “bất ngờ” đến vậy.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện khoảng một năm trước khi hồ chứa nước Đông Tiễn (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) được khởi công xây dựng (tháng 5/2008), những người đào đãi vàng sa khoáng từ nhiều nơi đã kéo nhau về đây khai thác vàng, tạo ra một “điểm nóng” về an ninh trật tự và cả nguy cơ ô nhiễm môi trường. Được cơ quan giao nhiệm vụ đến Đông Tiễn tìm hiểu, viết bài, tôi thật sự rất lo...

Sau hai lần tìm đến và tiếp cận vòng ngoài khu vực đào đãi vàng, tôi làm quen được với một người phụ nữ, xưng là “chị Năm”. Chị Năm là người địa phương, nghề chính là làm nông. Khi nơi này trở thành điểm khai thác vàng, chị tranh thủ làm thêm bằng việc nấu cơm cho dân đào đãi vàng.

Nhờ chị, tôi vào được tận nơi người ta đang khai thác vàng, được chui vào một số hầm, ngách trên các mỏm đồi cạnh con suối Đông Tiễn. Quá trưa, tôi theo chị trở ra. Rửa chân tay xong, tôi định ra về thì chị kêu “ăn với nhà chị miếng cơm dằn bụng rồi hẵng về”. Bữa cơm nhà chị chỉ có dưa gang phơi héo bóp mắm cái và một nồi rau muống kho, vậy mà ngon cực kỳ.

Tháng 4 vừa rồi, nhân có chuyến đi thực tế ở xã Bình Trị, sực nhớ chuyện cũ, tôi bèn hỏi một số cán bộ và người dân ở đây, nhưng không ai biết “chị Năm” mà tôi đề cập. Và mãi đến khi ấy tôi mới nhận ra là, suốt hành trình làm báo của mình, trong không ít những chi tiết, những câu chuyện mà mình vô tình hoặc buộc phải bỏ quên, đã để trôi đi mất, như chi tiết về chị Năm trong một lần tác nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ những bữa ăn trên đường tác nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO