Đời sống

Thấy và nghe

ĐÌNH QUÂN 22/06/2024 15:31

(Đặc san 21/6) - Thấy và nghe là hai phương tiện học hỏi rất hữu hiệu cho công việc viết văn, làm báo.

DSC09004_PHUONG THAO
Người làm báo cần đi để thấy, hỏi để nghe. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đi và học

Thấy là kiến; nghe là văn. Kiến văn là trực tiếp chứng kiến những điều mắt thấy tai nghe hay cách tiếp cận tri thức thật chính xác về đời sống và khoa học. Nói khái quát: càng đi thì càng học thêm sàng khôn và càng đọc nhiều thì sự hiểu biết càng phong phú; kiến văn được mở rộng.

Nhớ những năm còn làm Báo Quảng Nam tôi từng có nhiều lần tham dự các kỳ Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên và cũng nhiều lần cùng các đồng nghiệp ở trong hội đoàn thể Cựu chiến binh của Báo Quảng Nam lúc xuống miền Tây hay ra đất Bắc để học tập và trau dồi kinh nghiệm làm báo hoặc thăm thú văn hóa của mỗi vùng miền... Mỗi nơi chúng tôi đi qua đọng lại nhiều cảm xúc và ghi bao dấu ấn thật sâu sắc.

Nhớ chuyến đi Trung Quốc, lúc đến tham quan chùa Hàn San tôi liên tưởng ngay đến bài thơ trứ danh “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế. Chí hăm hở của tôi khi có dịp đến đây ắt sẽ lột trần “ô đề” là một tên làng chứ không phải là tiếng quạ kêu.

Theo đó “sầu miên” không còn là giấc hồ vương vấn mà là tên một ngọn núi nào đó. (Có một học giả người Nhật Bản đã nói như vậy và thông tin này được đăng tải trên Tạp chí Kiến thức ngày nay - dẫn theo giáo sư Nguyễn Khắc Phi trong tác phẩm “Thơ văn cổ Trung Hoa Mảnh đất quen mà lạ”).

Riêng tôi nghĩ bài thơ ngắn mang nhiều âm ba đầy mộng mị và đã hút hồn tôi từ những ngày thơ trẻ đến nay không biết đến khi nào sẽ phôi phai. Không lẽ “ô đề” là tên làng, “sầu miên” là ngọn núi thì thi tứ bài thơ “trần trụi” đến như vậy sao?

May mắn thay khi mọi điều được làm sáng tỏ vì đã hơn ngàn năm qua không có địa danh nào như vậy và ngay cả chung quanh vùng chùa Hàn San không thấy bóng dáng một ngọn núi nào ở đấy cả. Tên làng, tên núi chỉ là sự tưởng tượng và do con người cắc cớ tự tô vẽ thêm ra mà thôi.

Quan sát và trải nghiệm

Một ngày khác chúng tôi có chuyến lên Tây Bắc tham quan cao nguyên đá Đồng Văn. Tôi phấn chấn với dự định sẽ tìm hiểu có thật đúng như nhiều báo đài thông tin là cao nguyên Đồng Văn có cây ngô (bắp) sống trên đá? Khi tới nơi tôi mới cảm nhận hết mọi điều là có năm mưa nhiều làm xói trôi hết lớp đất bám vào đá núi, khi vào mùa tỉa ngô người Mông lại kiên nhẫn mang đất lên cho vào các hốc đá tai mèo. Rồi cứ thế ngô lại lên xanh, con người có được cái ăn cái mặc.

Quả thật: “Không có đỉnh núi nào ở Hà Giang cao hơn đầu gối của người Mông”. Và chúng tôi cũng đã nghe anh Sùng Mí Chứ - Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang kể, trên cao nguyên đá này người dân từng thấy nhiều vỉa xác bọ ba thùy hóa thạch… Chứng tỏ cách đây hàng triệu năm có thể chớn nước biển từng phủ tràn đến vùng này.

Một lần khác chúng tôi lại tìm về Đất Mũi Cà Mau. Lần ấy tôi may mắn ngồi gần cô Hồng Phượng - phóng viên Báo Cà Mau, miên man nghe cô nói về cây đước. Nhờ bộ rễ cây đước giống như một cái nơm nên cây đước có chức năng phòng hộ bờ biển Nam Bộ, cản bớt thủy triều dâng, hạn chế sự xói lở đất màu rất tốt.

Sau này tôi có dịp qua Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh), hai bên đường hiện ra vô số “chiếc nơm” đến kỳ lạ - mùa nước cạn cây đước lộ nguyên bộ rễ, hình thù mỗi cây giống như những chiếc nơm cắm chặt sâu vào lớp bùn đất.

Thiển nghĩ thế giới công nhận rừng đước Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn thật đáng trân trọng. Riêng tôi, ấn tượng về bộ rễ cây đước tựa như cái nơm mà cô phóng viên đã “mớm”, khi về tôi viết ngay bài thơ “Gửi về Đất Mũi Cà Mau” có những câu như sau: “Con thuyền luồn qua bao sông rạch nông sâu/ Không thể ghi xiết rừng mắm, rừng bần/ Nhưng em chỉ mải nói về cây đước/ Trái nảy mầm trên cây/ Khi rụng xuống đầm lầy/ Nhú màu đỏ như lửa/ Xòe ra hai lá xanh/ Chùm rễ bấu vào đất/ Như chiếc nơm cắm chặt/ Nước dễ gì cuốn xoay/ Gió dễ gì chuyển lay”…

Ôn chút chuyện xưa, Tư Mã Thiên sau chuyến ngao du vòng quanh đất nước Trung Hoa rộng lớn để kiểm chứng, thu thập tài liệu và cũng để tiếp tục thực hiện di nguyện của cha nên sử gia ngay từ thời trẻ đã ấp ủ nhiều hoài bão.

Đã hơn hai ngàn năm qua những nhà làm sử không thể nào không đọc bộ sách “Sử ký Tư Mã Thiên” nổi tiếng. Tuy nhiên đọc sách không bằng sự kiểm chứng và trải nghiệm qua những cuộc đi của đời người và gió bụi của thời đại.

Có thể làm báo thời số hóa, công nghệ thông tin phát triển chóng mặt như hiện nay hay là thời trí tuệ nhân tạo đang dần được áp dụng, chúng ta cần nhạy bén lĩnh hội, nắm bắt. Nhưng tôi tin yếu tố con người vẫn giữ vai trò làm trung tâm. Đi để thấy; hỏi để nghe. Nếu người viết văn, làm báo bỏ qua hai phương tiện này ắt hẳn bài viết sẽ thiếu sinh động và kém tính chân thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thấy và nghe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO