Xã hội

Viết báo để "bênh vực" thiên nhiên

VINH ANH 21/06/2024 16:50

(Đặc san 21/6) - Không chỉ được biết đến với ngòi bút điều tra nổi tiếng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng còn tham gia tích cực trong vai trò diễn giả về lĩnh vực bảo vệ môi trường tự nhiên. Sau buổi tọa đàm về bảo tồn đa dạng sinh học tổ chức vừa qua tại Quảng Nam, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã dành cho phóng viên Báo Quảng Nam cuộc trao đổi chung quanh “nghề viết” những câu chuyện “bênh vực” thiên nhiên.

dsc_0326.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong vai diễn giả truyền cảm hứng về bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: VINH ANH

Nặng nợ với thiên nhiên

* Tác phẩm báo chí của anh phần lớn viết về công tác bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã (ĐVHD); đấu tranh với những hành vi xâm hại đa dạng sinh học. Có phải vì anh dành tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Không hiểu cơ duyên thế nào, dường như có sự thôi thúc nội sinh, tự các câu chuyện và chân lý của cuộc sống đã vô tình hay hữu ý dồn đẩy tôi đến với các vấn đề nóng bỏng của môi trường sống ở Việt Nam và thế giới.

Đã có rất nhiều người hỏi tôi về lý do dành “thời lượng” làm báo quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường. Những lúc đó tôi đều nghĩ đến những ám ảnh tuổi thơ.

Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ năm tôi lên 10 và trước nữa một chút, tức là khoảng 40 năm trước. Quê tôi có nghề trồng chè đã nhiều thế hệ. Tôi đã chặt rừng, đẵn gỗ, rồi cùng nhiều người đi “giết” các rừng thông cổ thụ. Bây giờ, mỗi lần đi qua, thấy các thắng cảnh “rừng thông hai mộ”, thấy các cánh rừng cổ tích ven sông Đà (nay là xung quanh khu vực di tích, tưởng niệm K9, khu “Đá Chông”, “Đền Hạ” thuộc huyện Ba Vì, TP.Hà Nội), tôi đều không khỏi xót xa.

tra-loi-bao-quang-nam-2.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trả lời phỏng vấn phóng viên báo Quảng Nam. Ảnh: PV

Tôi nhớ chuyện về các phát đạn súng cao su. Nhà 4 anh em, 3 trai, tôi là thứ 2. Con thứ bao giờ cũng láu hơn con cả. Tôi bắn chim thiện xạ, bẫy chim cũng khét tiếng, nuôi chim non “lành nghề” đến mức, mỗi khi tôi huýt sáo thì cả mấy con sáo sậu, chào mào đồng loạt bâu vào vai mình như trong tiểu thuyết…

Chưa kể, là suốt cuộc đời mình, tôi ân hận vì mình và những người thân đã đổ không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu loại kịch độc Vô-va-tốc, Đê-đê-tê (DDT) vào các vườn chè. Tôi phun thuốc trừ sâu, tôi chơi những hòn bi ve tuyệt sắc từ trong cái máy bơm thuốc đó (ngày xưa bi ve cực hiếm)…

Từ một “quá khứ” như vậy, không biết tự lúc nào tôi “trượt” dần theo các câu chuyện và các nỗ lực quyết liệt làm một cái gì đó vì môi trường. Thế rồi, tôi đi sâu dần vào lĩnh vực này.

* Có nhiều cách thể hiện, vì sao anh lại chọn thể loại điều tra tiềm ẩn nguy hiểm để đấu tranh với các hành vi xâm hại môi trường và ĐVHD?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thật ra đã làm nhà báo điều tra chống lại các hành vi vi phạm pháp luật thì đều nguy hiểm cả. Làm điều tra thì phải chấp nhận nguy hiểm. Ngày nay, nhà báo điều tra có quyền lực nhiều hơn bởi sự ủng hộ của công chúng và cơ quan chức năng. Chúng tôi có quyền đưa vấn đề ra và có quyền kiến nghị, giám sát cơ quan chức năng có xử lý đàng hoàng, nghiêm túc, minh bạch hay không.

Đỗ Doãn Hoàng được biết đến là nhà báo điều tra có mối lương duyên đặc biệt với các câu chuyện nóng và tâm huyết về môi trường ở Việt Nam. Gần đây, anh mở rộng ra các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng là bởi tính chất liên quốc gia của chủ đề này. Sau các chuyến khám phá châu Phi, rồi đi dọc nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là vùng Tam Giác Vàng nóng bỏng để điều tra, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã dần tham gia các dự án bảo vệ môi trường với quy mô vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Vai trò của người làm báo

* Công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học ngày nay nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, chính quyền... Anh đánh giá như thế nào về sự tham gia của báo chí trong lĩnh vực này?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Nếu khoảng 20 năm về trước, số lượng phóng viên, nhà báo viết về lĩnh vực bảo vệ ĐVHD rất ít, thì bây giờ có rất nhiều người tham gia. Ở Việt Nam đã thành lập Diễn đàn nhà báo môi trường từ hơn 15 năm trước và Mạng lưới nhà báo điều tra bảo vệ ĐVHD từ năm 2021. Tôi cũng là thành viên, giảng viên của tổ chức mạng lưới này.

Thứ hai là nhận thức của xã hội đối với vấn đề này được quan tâm và nó được thể hiện trên mặt báo. Báo chí chính là thước phim, bức tranh lịch sử của giai đoạn lịch sử. Khi xã hội quan tâm thì báo chí cũng quan tâm nhiều hơn như với việc bảo vệ ĐVHD.

do-doan-hoang.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Ảnh: NVCC

* Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện thể loại điều tra báo chí trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi may mắn đoạt nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có giải A báo chí quốc gia; giải A báo chí chống tham nhũng; 3 lần được giải A giải báo chí bảo vệ môi trường… Tất cả những giải thưởng lớn nhất tôi được nhận, đều là về bảo vệ thiên nhiên. Tôi cũng đã xuất bản hàng chục cuốn sách về chủ đề bảo vệ thiên nhiên.

Theo tôi, muốn viết điều tra tốt về lĩnh vực này mình phải yêu thiên nhiên, yêu môi trường, có kiến thức về điều tra và đặc biệt là biết nhận diện loài, các thủ đoạn của các đối tượng. Tóm lại là cần có trình độ và sự chuyên sâu.

Tôi sinh ra ở núi rừng, gắn bó với thiên nhiên lâu năm nên cảm nhận được nỗi đau của thiên nhiên. Khi làm báo mình có công cụ quyền lực báo chí để tố cáo các đường dây phá rừng, buôn bán động vật…

Khi làm sâu mình sẽ trở thành chuyên gia và các tổ chức thế giới về bảo vệ ĐVHD quan tâm, mời tham gia các dự án, được đi nhiều nơi. Nhờ đó mình có tư liệu và làm sâu hơn, trở thành độc quyền của nhiều câu chuyện. Chưa kể, mình còn được đào tạo chuyên môn, đi vào rừng biết nhiều loài. Rồi được tiếp cận với các cơ quan chức năng… Khi chuyên sâu thì nhà báo khai thác tư liệu rất dễ.

Thien nhien bị tan phá
Trồng rừng để bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Ảnh minh họa

Truyền cảm hứng thế hệ trẻ

* Ngoài viết báo, anh còn tham gia tích cực trong vai trò diễn giả. Qua những diễn đàn này, anh muốn lan tỏa thông điệp gì đến thế hệ trẻ?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tác động vào nhận thức của người trẻ về bảo vệ thiên nhiên, ĐVHD là rất quan trọng. Bởi họ chính là chủ nhân tương lai, nắm quyền quyết định tương lai thiên nhiên.

Tử tế với thiên nhiên, thiên nhiên sẽ tử tế lại. Tôi mang đến các diễn đàn những tư liệu, hình ảnh và câu chuyện người thật việc thật về tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD mà thông qua điều tra chúng tôi có được.

Qua đó tôi muốn nhấn mạnh rằng người trẻ không thể vô cảm trước các hành vi đó. Các bạn có thể không bắt, không bán, không ăn nhưng các bạn thờ ơ với những sai lầm của những người khác thì cũng đã dự phần phá vỡ đa dạng sinh học. Tôi khuyên các bạn không tham gia ăn các loài ĐVHD, đồng thời tố cáo bất cứ hành vi vi phạm và lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viết báo để "bênh vực" thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO