Nghề đan lồng lưới nuôi ngọc trai, nuôi thủy sản xuất khẩu đã góp phần giải quyết việc làm, giúp người dân tại nhiều địa phương Đại Lộc có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Tại Đại Lộc, nghề đan lồng lưới nuôi ngọc trai đã xuất hiện ở nhiều xã như Đại Hiệp, Đại Hòa, Đại An, Đại Minh, Đại Cường… Một số cá nhân đã làm việc với Công ty Sasaki Shoko (ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) và một số công ty tại Đà Nẵng nhận gia công lồng lưới cho công ty phục vụ xuất khẩu và cung ứng cho các cơ sở nuôi trai lấy ngọc, nuôi thủy sản trên cả nước.
Tại xã Đại Minh, hơn 1 năm qua, anh Trần Văn Dũng (thôn Lâm Yên) đã liên kết với công ty nhận gia công lồng lưới. Với người mới học đan, mỗi ngày có thể kiếm được 100 - 150 nghìn đồng; song với mỗi thợ lành nghề sẽ có thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Từ chỗ tạo việc làm lúc nhàn rỗi, nghề đan lồng lưới giờ đây đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều lao động mất việc làm, lao động lớn tuổi ở địa phương.
“Ngoài cung ứng nguyên liệu cho người dân đan lồng lưới, tôi còn dạy nghề, hỗ trợ kỹ thuật. Mỗi tháng, công ty sẽ chở nguyên liệu đến gia đình tôi tầm 5 - 6 đợt. Khi làm xong sản phẩm, công ty sẽ đến tận nơi chở hàng đi” - anh Dũng nói.
Ông Phạm Văn Út - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Minh chia sẻ, vào 9/2024, Hội Nông dân xã Đại Minh tổ chức ra mắt mô hình “Tổ hội nghề nghiệp đan lưới nuôi trai” thôn Lâm Yên, xã Đại Minh. Tổ hội nghề nghiệp này ban đầu chỉ có 7 thành viên tham gia, đến nay đã phát triển lên hơn 20 thành viên.
Ngoài tổ hội nghề nghiệp đan lưới nuôi trai, trong thôn Lâm Yên hiện có tổ hợp tác may gia công, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại chỗ. Cả thôn Lâm Yên có khoảng 40 lao động được giải quyết việc làm với ngày công ổn định từ 150 - 300 nghìn đồng/ngày.
Xã Đại Hiệp cũng có hơn 50 người làm nghề gia công lồng lưới. Anh Lê Văn Nhân cho biết, anh nhận gia công lồng lưới cho Công ty Sasaki Shoko để xuất khẩu. Mỗi tuần 2 lần, công ty chở nguyên liệu đến nhà anh và người dân. Lồng lưới xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... dùng để nuôi ngọc trai, sò điệp...
Để có thể làm nên một chiếc lồng hoàn chỉnh, đạt yêu cầu công ty đưa ra phải mất khoảng 3 - 4 giờ. Lưới và khung lồng đã được công ty gia công sẵn, công việc của những người làm nghề đan lồng là gắn kết chúng lại với nhau để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Ưu điểm của mô hình là có thể làm tại nhà, linh động được thời gian và không đòi hỏi nhiều về sức khỏe.
Khoảng 5 năm trở lại đây, công việc ngày càng thuận lợi hơn khi người dân Đại Lộc nhận khá nhiều đơn hàng từ Công ty Sasaki Shoko và một vài công ty sản xuất lưới xuất khẩu tại Khu công nghiệp Hòa Cầm (Đà Nẵng).