Văn hóa

Nghề gốm nhìn từ giao thương Việt - Nhật

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 09/09/2024 09:30

(VHQN) - Từ giữa thế kỷ 14, Việt Nam (bấy giờ là Đại Việt) đã có giao thương với Nhật Bản thông qua mạng lưới hải thương xuyên Thái Bình Dương.

gom-v-n-05.jpg
Chóe, đồ Akae, thế kỷ 18, trang trí phong cảnh - nhân vật - hoa mộc.

Đầu thế kỷ 17, Mạc phủ Tokugawa đang cầm quyền ở Nhật Bản lúc bấy giờ đã thi hành chính sách châu ấn thuyền (shuin-sen) cấp giấy phép (shuin-jo) cho các thương thuyền Nhật Bản ra nước ngoài buôn bán.

Trong khoảng thời gian 1604 - 1634, có 130 shuin-jo được Mạc phủ cấp cho các thương thuyền Nhật Bản đến buôn bán với Đại Việt, trong đó, có 86 shuin-jo được cấp cho các thương thuyền đến giao thương ở Hội An.

gom-v-n-06.jpg
Chóe, đồ Imari, thế kỷ18, trang trí sơn thủy - tùng đình - hoa mộc.

Người Nhật chuộng gốm Việt

Một trong những mặt hàng của Việt Nam lúc bấy giờ được người Nhật ưa chuộng là đồ gốm.

GS. Hasebe Gakuji, nhà nghiên cứu gốm sứ người Nhật, cho biết: “Kỹ thuật sản xuất đồ gốm ở Nhật Bản vào thế kỷ 14 còn kém xa so với kỹ thuật Việt Nam”. Vì thế, người Nhật nhập khẩu đồ gốm từ Việt Nam ngoài nhu cầu sử dụng còn để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm gốm của người Việt Nam.

gom-v-n-04.jpg
Kendi gồm hoa lam, vẽ hoa sen và dây lá liên hoàn, thế kỷ 15, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

Cũng theo GS. Hasebe Gakuji: “Đã có tư liệu quý có thể xác định con đường đưa đồ sứ Việt Nam vào Nhật Bản: Vào hồi đầu shuin-sen buôn bán thịnh vượng, nhiều người Nhật đã nhiều lần đến Hội An và đã ở lại một thời gian, trong đó có gia đình thương nhân Osawa Shirozaemon, hiện nay vẫn còn giữ mấy loại đồ sứ Việt Nam”.

Bằng các tư liệu được kiểm chứng, PGS-TS. Đỗ Bang cũng cho biết: “Trong các mặt hàng mua ở Hội An của thương nhân Nhật Bản có cả đồ gốm được sản xuất tại chỗ (tức gốm Thanh Hà)”.

gom-v-n-02.jpg
Bát gốm men lục, khắc chìm hoa văn hình cánh sen, thế kỷ 14, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

Theo một nghiên cứu của TS. Nishino Noriko, công bố tại hội thảo Lịch sử và triển vọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản: Nhìn từ miền Trung Việt Nam (Đại học Đà Nẵng, tháng 11/2013), thì con đường nhập khẩu gốm sứ Việt Nam vào Nhật Bản trải qua 4 thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất: từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 15, thông qua “con đường” cướp biển (wako);

Thời kỳ thứ hai: từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16, thông qua buôn bán trung gian với Ryukyu và Kagoshima;

Thời kỳ thứ ba: từ nửa cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17, thông qua mậu dịch châu ấn thuyền (shuin-sen), thuyền buôn Nhật Bản trực tiếp buôn bán với Việt Nam;

Thời kỳ thứ tư: vào nửa cuối thế kỷ 17, khi Nhật Bản áp dụng chính sách “tỏa quốc” (sakoku), đồ gốm Việt Nam nhập vào Nhật Bản chủ yếu do các thuyền buôn Trung Quốc hoặc thuyền buôn Hà Lan đảm nhiệm.

gom-v-n-01.jpg
Hũ gốm hoa lam Chu Đậu, thế kỷ 15, khai quật ở di tích thành Nakijin, tỉnh Okinawa.

Trong 4 thời kỳ trên, thời kỳ shuin-sen là thời kỳ Nhật Bản nhập khẩu nhiều gốm sứ Việt Nam nhất. Người Nhật mua gốm sứ Việt Nam về chủ yếu để dùng trong nghi thức trà đạo.

Theo sách Trà hội ký, từ cuối thế kỷ 14, gốm sứ Việt Nam đã được người Nhật sử dụng trong các nghi thức hiến trà. Họ gọi những món đồ đó là Nanban Shimamono (nếu là đồ gốm) và An Nam (nếu là đồ sành sứ).

Giao thương gốm sứ

Theo TS. Nishino Noriko, có nhiều khả năng vào nửa đầu thế kỷ 17, người Nhật Bản đã trực tiếp sang Việt Nam chỉ đạo việc làm đồ gốm đặt hàng theo mẫu mã do họ yêu cầu.

Sử sách cũng ghi lại sự kiện một phụ nữ Nhật Bản tên là Chiyo (1671 - 1741), con gái của thương gia Wada Rizaemon kết hôn với một thợ gốm ở Bát Tràng (Việt Nam). Điều này góp phần chứng minh Wada Rizaemon là người trực tiếp buôn gốm sứ Việt Nam về bán cho người Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, từ cuối thế kỷ 17, người Nhật đã sản xuất thành công những dòng gốm sứ cao cấp như: Nabeshima, Kutani, Imari và Kakiemon. Trong đó, đồ sứ Nabeshima và đồ sứ Kutani chỉ dành riêng cho giới quý tộc, thượng lưu ở Nhật Bản sử dụng, không lưu dụng trong tầng lớp bình dân và ít được biết đến ở bên ngoài Nhật Bản.

gom-v-n-03.jpg
Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí kỳ lân, thế kỷ 15 - 16, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida.

Ngược lại, đồ sứ Imari và đồ sứ Kakiemon được xuất khẩu rất nhiều sang châu Âu, cũng như được các vương triều ở châu Á, trong đó có triều Nguyễn ở Việt Nam ưa chuộng vì kỹ thuật sản xuất điêu luyện, kiểu dáng thanh nhã, trang trí tinh xảo…

Từ thế kỷ 19, đồ sứ cao cấp của Nhật Bản du nhập vào Việt Nam. Nhiều bình, chóe Imari, đĩa, bát, lọ hoa Kakiemon xuất hiện trong các cung điện ở Huế bên cạnh đồ sứ Trung Hoa và đồ sứ châu Âu.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện vẫn lưu giữ nhiều món đồ sứ Imari, đồ sứ Satsuma, đồ gốm Hizen… của Nhật Bản có niên đại thế kỷ 17 - 19. Ngoài ra còn có những bộ đồ trà shin-Kutani (tân Kutani) được nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

Ngày nay, Nhật Bản là một “cường quốc gốm sứ”, nhưng vẫn là một nước nhập khẩu nhiều gốm sứ của các nước khác, vì nhiều lý do: giá cả phải chăng; kiểu dáng, kỹ thuật chế tác độc đáo, hợp với thị hiếu của người Nhật; dùng trong nghi thức trà đạo, lễ nghi truyền thống… Và, gốm Việt Nam vẫn được người Nhật ưa chuộng.

Liệu gốm sứ Việt có tiếp nối được con đường giao thương như trong quá khứ đã từng? Theo tôi, người Việt nói chung, người Quảng nói riêng nên tìm hiểu thị hiếu sử dụng gốm sứ của người Nhật để tạo ra những sản phẩm hợp với người Nhật.

Hoặc có thể “phục chế” những đồ gốm Việt truyền thống từng có “chỗ đứng” trong tâm thức người Nhật, như đồ gốm dùng trong trà đạo, nghi lễ để xuất khẩu sang Nhật, thay vì chỉ “chăm chú” làm ra những thứ mình thích mà người Nhật không mấy quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề gốm nhìn từ giao thương Việt - Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO