Thông nói đi làm nhanh anh, chứ qua đầu chiều là mưa. Tôi rời rừng đứng trưa, gần chạm 3 giờ chiều thì nước bắt đầu tuôn. Ở cầu vượt qua sông dẫn vào trung tâm huyện, ngó lên phía Dùi Chiêng Tí Sé, núi mờ mịt trong màn nước.
1. Bạn nói lên Trung Phước đi, ngồi với nhau một đêm cho đỡ sầu. Từ dạo có cầu Giao Thủy, đi Nông Sơn từ Đà Nẵng khỏe re. Cứ theo ngõ Bồ Bồ (Điện Tiến) phóng thẳng Ái Nghĩa, qua cầu, 22 km nữa là tới Trung Phước. Không cần tốn công vô Nam Phước chạy vòng qua hoặc phải lên Đông Phú rồi chạy rẽ.
Một thuở đèo Phường Rạnh chưa làm, đường từ Đông Phú lên Trung Phước còn nát tương, có không muốn cũng phải đi. “Đó, nên bây giờ nói từ đây mà xuống Đông Phú làm ăn, chẳng ai ham mấy đâu. Dân ở đây thích qua Kiểm Lâm hơn, chưa nói muốn đi Đà Nẵng cũng nhanh, phía Kiểm Lâm phát triển mạnh thiệt” - Lạc, Giám đốc Trung tâm VHTT huyện nói.
Mưa không to, rồi còn rắc hạt. Màn xanh ngút mắt, nhấp nhô. Bóng loáng nước từ lá, dìu dặt du dương như bản balad thảo nguyên, như màn nhung thẫm xanh phủ choàng mát lạnh.
Ở thời khắc này, tôi chợt hiểu bạn bè mình chốn này vì sao hay nói chuyện văn chương. Vùng này, văn khí mạnh, cốt cách dứt khoát phong lưu, bởi trên là xanh của rừng, dưới là kiếm cong mềm mại của sông. Nếu địa văn hóa đi tới khái quát rằng, địa lý cảnh quan quy định tính cách con người, thì không khó kết luận phong khí chốn này vận vào con người.
2. Sự kiện làm tốn sức, tốn giấy mực và lao lung năm ngoái đến giờ ở Nông Sơn vẫn đang còn sức nóng, là nhập huyện. Giờ thì chắc chắn là về Quế Sơn rồi. Một tờ quyết định cứng đơ những chữ, nhưng ở sau những dòng đó, mấy chục ngàn con người.
Bà bán tạp hóa ở chợ Trung Phước nói, sau tháng 6 thì không dám trữ đồ nữa, cán bộ đi hết, khách hàng sẽ hụt, trữ có mà lỗ sặc máu. Cán bộ như anh em đang ngồi với tôi đây, thì cười, rằng ngân sách chỉ cấp tới tháng 6, nên tụi tôi cũng chỉ làm tới tháng 6 thôi.
Sau đó thì sao? Ai biết.
Bữa mới lao xao nhập tách, tôi lên, rồi sau đó có chuyến đi Đông Phú (Quế Sơn). Với tôi, thị trấn này bao nhiêu năm, rất kỳ lạ, là chỉ có được mấy cơ quan hành chính là bề thế.
Nếu đang ở Trung Phước ngút ngàn cây, mà nói đúng hơn là cảm giác như được gội rửa, thì xuống đây nóng bức thế nào đó. Nó khiến người ta như chỉ có đi quanh mà không hề mở ra một lối. Cũng không cảm giác bất ngờ choáng ngợp thênh thang hay lọt vào ngõ hẻm hút sâu gợi nỗi niềm cô lữ. Thị trấn bày ra chừng đó, và chỉ có chừng đó.
Tôi có hỏi vài ba đồng nghiệp và chỗ quen là con dân Đông Phú, những người đã tham gia viết lịch sử, địa chí ở đây - họ đều gật đầu xác nhận, cuộc đất này bị hãm, bởi tự nó sinh ra thế. Đông Phú, trong lịch sử phát triển, không hề có bến sông, không có giao thương đường thủy. Đây chính là bất lợi.
Điều dễ dàng thấy, ngày xưa, nơi nào có bến sông là có chợ. Mà có chợ thì có kẻ chợ, bán buôn, xuôi ngược, tập hợp bá tánh thập phương. Con người trở nên linh động, tiếp thu nhanh cái mới. Rồi ngoài phát triển thương mãi, nó đẻ ra thêm lắm anh tài, bởi giàu mà có môi trường va chạm, học hỏi, thì không giỏi mới lạ.
Đông Phú như người lên dốc mà luôn ở khúc lưng chừng, tụt xuống thì không, nhưng lên tới đỉnh cũng không luôn… Bạn tôi bổ sung thêm là, ở Trung Phước nếu có 10 đồng, họ sẽ tiêu 5 đồng. Mà tiền tiêu đó, sẽ mua được rất nhiều thứ hữu hình lẫn vô hình, chứ không như chỗ khác 10 đồng lấy dây su cột chặt nhét dưới gối. Tiền thì có giá trị khi lưu thông, mà lưu thông được thì phải có địa điểm giao lưu.
Từ tiền, nó nhìn ra con người, giàu chưa chắc đã sang, phú chưa chắc đã quý, là vậy. Trung Phước, địa thế là chợ manh nha ra đời gần 500 năm, sự phong phú và bề dày làm ăn ở vị trí đầu nguồn giao thương một thuở, thì khỏi nhắc lại. Cho nên nó hình thành tính cách uyển chuyển mà phóng khoáng như hình sông thế núi kia.
3. Lớp người già với ký ức chớp bể mưa nguồn không còn mấy nữa. Núi kéo họ về giấu trong núi, như tiền sử cha ông đã đi ra từ hang động, lấy lửa từ cọ đá và bùi nhùi. Sinh ở nguồn thì về lại với nguồn.
Tôi đã ngồi với họ, thấy trong mắt cái nhìn trầm tư không nguôi về phía nguồn. Như thể, sau phía núi kia cất giấu báu vật, như có ai chờ, như có điều gì đó buộc họ phải tới. Hoặc có thể là không có chi cả, nhưng họ vẫn phăng phăng ý nghĩ không hề buông bỏ. Tôi biết, ám ảnh đó thuộc về chốn linh sơn, thoát khỏi phàm tục nhốn nháo. Nhưng áo cơm và những định chế, ràng buộc mà họ là con tạo trong cơn xoay vần, không thể thoát ra.
Vẫn mưa. Uống rượu ở núi khi mưa, dễ bị chính mình lừa mình. Nó rắc trên đá, nghe vọng nghìn thu, vọng âm ba một thuở chỉ có thần tiên heo cọp, rơi vô hỗn mang, say lúc nào không biết. Nhưng khác với uống ở biển, là cho mình biết giới hạn cuộc đời, bởi ngước lên là núi lù lù đứng tấn trước mặt.
Người ở đây xác định về Đông Phú, nên bắt đầu gói ghém, sắp xếp. Đừng coi thường, đừng bỏ qua những toan tính, thở dài, lo âu của họ. Đang khỏe re sáng đi làm chở con đi học, chiều chở về. Đùng một cái, xa lơ lắc, nhà cửa chứ phải ba lô đâu mà vác đi, rồi trăm thứ dội vào giấc ngủ.
Cuộc sống là một cuộc rượu đã bị vô thế, không kẻ nào được từ chối. Tôi nói ý nghĩ của mình, với tư cách là một kẻ lang thang, rằng nếu tôi có quyền, tôi sẽ lấy Đông Phú làm vệ tinh, biến Trung Phước thành thủ phủ khi nhập huyện, bởi dư địa phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu, vùng đất lẫn con người, đều có cả.
Nó sẽ thành điểm nhấn chiến lược, bởi 15 năm tách huyện, không ai ngờ Nông Sơn phát triển mạnh mẽ vượt bậc, tạo ra khá nhiều điểm mở khiến người ta ngỡ ngàng. Không biết rồi mai này, cơ ngơi đó, khi không còn là trung tâm huyện nữa, nó sẽ ra sao?
Vẫn mưa. Tôi đứng ngó nhà thi đấu đa năng đang xây dở dang, không biết số phận của nó trong cơn “tối ngày tính chuyện tách ra nhập vào” thế nào nữa. Khi không còn là trung tâm, mọi hoạt động sẽ không còn là chọn lựa hàng đầu. Nhà cửa công sở sẽ có tên là lãng phí trong cơn đau đầu ngân sách triền miên. Chỉ còn người ở đó, sống và hành xử theo tiếng gọi của núi, không chỉ là doi đất này, cái rẫy kia, mà nó là tiếng vọng tha thiết không ngừng réo và dõi nhìn.
Tàn cuộc, trời tối sập. Núi mờ xa, đỉnh như cao hơn. Mọi im ắng được hiện hình như khởi thủy nó là một tiểu thuyết không chữ, một vở kịch không lời thoại, sừng sững với gào thét vĩ đại. Trời mát hơn và một chút se lạnh. Nghe trong lặng im tiếng thì thầm, như có thể nghe được tiếng vỏ cây nứt hay phút sinh hạ của một loài chim nào đó. Mưa trong cái nắng cháy da, là phút hồi sinh thần tiên cho cây cỏ.
Ở núi, hình như khôn ngoan cỡ gì cũng không tránh được mưa. Ơi cơn mưa Trung Phước, mưa đâu chỉ là mưa, mà đó là túi càn khôn dạy bách vạn điều, có thế bao lớp người ở đây mới đủ sức để sống với voi rừng, cọp, gấu, cả tang thương lũ lụt lẫn sum thiệm cây trái Bình Yên, Đại Bường.
Ngó về phía thượng nguồn, có chớp lửa đâu đó lóe lên như tàn thuốc lá của người khổng lồ trong cơn say bắn lên trời, vẽ một đường bay đẹp như pháo hoa, cầu vồng...