Nhà thơ Hoài Vũ lúc nào cũng giản dị, hiền lành. Trong cuộc gặp gỡ chưa đến 2 tiếng đồng hồ, rất nhiều lần trên đôi mắt đầy dấu hằn thời gian của ông rưng rưng khi nhắc những đồng đội, đồng chí cũ, nhắc về cô giao liên vì bom đạn chiến tranh đã vĩnh viễn nằm lại ở một cánh rừng tràm…
Cả cuộc đời nặng nợ với dòng sông
Nhà thơ Hoài Vũ sinh năm 1935, quê quán Quảng Ngãi. Trong những năm kháng chiến ông tham gia hoạt động văn nghệ ở miền Nam. Từng giữ chức vụ Tổng biên tập Báo Văn nghệ giải phóng.
Từ sau ngày đất nước giải phóng, ông lần lượt giữ chức vụ: Ủy viên Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng văn học dịch - Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh; Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn giải phóng…
Khi biết tôi quê ở Nông Sơn, Quảng Nam, ông vỗ nhẹ vào vai tôi bảo mười một, mười hai tuổi ông đã vào Thiếu sinh quân, phục vụ Phòng Quân nhu Bộ Tư lệnh Quân khu 5.
Thời gian đó ông đi khắp trận địa Quân khu, chỗ nào ở Quảng Nam mà ông không biết, ông cũng đã đặt chân tới Đèo Le. Khi nghe tôi kể bên kia Đèo Le giờ thay đổi nhiều lắm, có đèo Phường Rạnh đưa người Nông Sơn đi Đà Nẵng nhanh chóng. Ông gật đầu, mừng quá, chứ hồi đó đường sá cách trở, dân khó khăn quá chừng.
Người dân Quảng Nam và cả thế hệ 9X chúng tôi, dẫu lớn lên và gắn liền với sông mẹ Thu Bồn thì cũng đã hơn một lần nhâm nhẩm hát theo: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông, anh mãi gọi với lòng tha thiết, Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…” được thường xuyên phát trên ti vi, trên radio.
Cả sự nghiệp sáng tác, chảy tràn trong tác phẩm của Hoài Vũ là hình ảnh của dòng Vàm Cỏ Đông. Ngoài Vàm Cỏ Đông, còn có “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Thì thầm với dòng sông”… Những tác phẩm này đã được phổ nhạc và vang lên khắp mọi miền đất nước.
Những nặng nợ với dòng sông xuất phát từ hành trình chiến đấu của ông. Đó là xứ sở Long An chằng chịt sông ngòi, người dân bám sông mà sống, bộ đội cũng bám sông mà chiến đấu.
Ông nhớ một mùa nước nổi, nước dâng mênh mông, nhiều người phải sống trên ngọn cây, người chết không có chỗ chôn đành bó chiếu đóng cọc chờ nước cạn mới chôn được.
Mùa nước nổi mênh mông là thế nhưng đến mùa nước cạn, nhìn xuống dòng kinh Bà Đen mới thấy quặn lòng. Những bộ xương cốt trắng phau hiện ra. Đó là những đồng đội, những chiến sĩ đã hy sinh nằm lại dưới lòng sông.
Ông kể, có lần chèo xuồng trên kinh, chiếc dầm của cô giao liên quấn vào một mái tóc đen dài. Mái tóc ấy của một nữ chiến sĩ đã hy sinh, xác trôi như lục bình theo dòng nước. Bởi những gì đã trải qua, đã chứng kiến nên sông với Hoài Vũ không chỉ chảy trong thơ mà với ông nó là máu thịt, là cuộc đời.
Duyên nợ với nhạc sĩ người Quảng Nam
Nhạc sĩ Thuận Yến người Quảng Nam. Nhà thơ Hoài Vũ người Quảng Ngãi. Ấy vậy mà cả hai đều tha thiết với dòng sông Vàm Cỏ Đông.
Có lẽ ở đâu trên đất nước Việt Nam, con sông nào cũng nặng tình quê hương xứ sở. Nhạc sĩ Thuận Yến với sự giao cảm của người nghệ sĩ đã phổ nhạc bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của Hoài Vũ thành ca khúc rất nổi tiếng “Chia tay hoàng hôn”.
Lãng mạn và ăm ắp tình là thế nhưng đâu ai biết rằng hoàn cảnh ra đời của bài thơ rất đặc biệt. Một lần, khoảng ba, bốn giờ sáng nhà thơ Hoài Vũ và đồng đội đi ngang một cánh đồng, bị xe tăng ngụy trang dưới một đống rơm đuổi bắn, mỗi người phải chạy theo một hướng.
Ông chạy về một ngôi làng, tới nhà dân đóng chặt cửa thì ông khuỵu xuống vì kiệt sức. Ông đưa tay yếu ớt gõ cửa, cánh cửa he hé, sau khi biết chắc “người mình” thì cô gái mới cho vào nhà và nấu cháo cho ông ăn. Tới chiều, ông đòi đi ra căn cứ. Nhưng quân thù đang truy tìm gắt gao, làm sao để đi qua vùng địch?
Cô gái tên Hạnh mới nghĩ ra một cách. Cô lấy bộ đồ bà ba đưa cho ông mặc, đội lên cho ông cái nón lá, đưa cho ông cái cuốc. Hai người sẽ đóng giả vợ chồng đi làm đồng về.
Nhà thơ Hoài Vũ kể, đi trên đường cô Hạnh cứ liên tục nhắc ông cứ đi đứng bình thường, đừng lo lắng… Mấy tên địch súng ống tua tủa có dòm ngó nhưng thấy đôi vợ chồng nghèo họ cũng để cho qua. Hai người qua vùng địch, đi rất lâu tới một cánh đồng.
Cô Hạnh bảo tới đây an toàn rồi, anh có thể về căn cứ. Cô bật khóc rồi dặn “anh đi mạnh giỏi, nhớ về sớm giải phóng cho tụi em”. Ông bước đi, còn cô gái đứng nhìn theo mãi trong ánh hoàng hôn sắp tắt… Lúc đó, những vần thơ của bài “Hoàng hôn lặng lẽ” bật ra trong ông.
Anh phải về thôi, xa em thôi!
Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi
Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc
Mà lời từ biệt chẳng lên môi…
Sau này nhà thơ Hoài Vũ có quay lại tìm cô Hạnh - ân nhân của mình. Ông lần theo trí nhớ về ngôi làng cũ. Ông xúc động khi nhìn thấy cây bông giấy đỏ rực trong nắng. Thế nhưng, ngôi làng còn đó mà người xưa đã không còn ở chỗ cũ. Xúc cảm vì quay về tìm mà không gặp lại cô Hạnh, nhà thơ đã viết bài thơ “Thì thầm với dòng sông”. Và bài thơ này cũng đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc lại.
Vẫn xa vời và ngút mắt mênh mông
Hết nửa dòng sông và mấy cánh đồng
Hoa giấy nhà ai trông đỏ quá
Trưa em về anh có đợi em không?
Những bài thơ của Hoài Vũ đã được các nhạc sĩ chắp cánh, lan tỏa khắp mọi miền. Trong đó có những nhạc sĩ người Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngoài Thuận Yến, còn phải nhắc đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nhà thơ kể, trong hồi ký nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng kể một lần đang làm rẫy trồng mì, có nghe đoàn chiến sĩ vừa đi vừa hát vang bài “Vàm Cỏ Đông”. Nhạc sĩ xúc động nghẹn ngào tự hỏi sao có dòng sông nào lạ lùng như thế và ông hy vọng sau này có dịp viết một ca khúc về dòng sông này.
Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu từ miền Bắc vào miền Nam, phổ nhạc ca khúc “Anh ở đầu sông em cuối sông” của Hoài Vũ, đây là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của Phan Huỳnh Điểu với dòng nhạc cách mạng.
Những câu thơ bật lên từ tận đáy lòng
Trong chiến tranh, sáng tác cũng phải tranh thủ, không có thời gian trau chuốt. Ông bảo chính vì ở trận địa, những câu thơ viết trong lúc tiếng bom dội bên tai, trong giờ nghỉ trên đường hoạt động là tiếng lòng, là cảm xúc chân thật nhất.
Như bài thơ “Vàm Cỏ Đông” ông viết trong lúc chờ trời sáng, đợi cô giao liên dắt qua sông. Nhìn sông nước dạt dào, nhìn cô giao liên tuổi đời trẻ măng quả cảm, ông xúc động và viết rất nhanh. Viết xong bài thơ, ông sao làm hai bản bởi biết chiến tranh nhiều bất trắc. Một bản gửi cho giao liên gửi cho Đài phát thanh giải phóng để khỏi thất lạc, một bản cất vào túi áo.
Khi trò chuyện với tôi, ông không giấu được niềm xúc động. 50 năm đã qua đi, bây giờ đã ở tuổi 90, chưa lúc nào ông nguôi nhớ những người đồng đội, đồng chí cũ. Có những người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông nhớ người giao liên đưa ông qua sông Vàm Cỏ Đông, nhớ cô Lan, cô Hạnh… Những người con gái nhỏ bé, bằng xương bằng thịt của mình đã làm nên hòa bình cho đất nước.
Ông bảo cái hạnh phúc của một người viết là được bà con nhớ đến những tác phẩm của mình. Bà con Long An mỗi lần đón ông về như đón người ruột thịt, họ gọi ông là “ông Vàm Cỏ Đông”. Chính điều đó đã làm ông hạnh phúc, chứ không cần danh xưng hay những điều to lớn. Ở miền quê, mỗi dịp đám cưới những ca khúc được phổ nhạc từ thơ ông vẫn vang lên đâu đó rộn ràng. Mỗi lần nghe là một lần ông xúc động đến trào nước mắt!