“Góp lời cho văn chương phương Nam” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2025) do PGS.TS Võ Văn Nhơn (Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) chủ biên, tập hợp những bài viết nghiên cứu về văn chương Nam Bộ từ thế kỷ 19 đến nay.
Người đọc được tiếp cận với những phát hiện mới, từ đó làm đầy thêm kiến thức về một vùng văn học, cũng như thấy được sự đa dạng, phong phú và thú vị của nền văn học nước nhà.
Những phát hiện mới
Thừa nhận “văn học Việt Nam là một nền văn học thống nhất với những quy luật và đặc điểm chung”, trong bài viết “Đi tìm đặc điểm văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”, hai tác giả Võ Văn Nhơn và Đoàn Lê Giang chỉ ra rằng “văn học của các địa phương cũng có những quy luật, đặc điểm riêng xuất phát từ đặc trưng về xã hội, địa lý, kinh tế… của địa phương mình”.
“Do số phận của lịch sử, Nam Kỳ sớm có sự giao lưu với văn hóa và văn minh phương Tây, dù là sự tiếp xúc, giao lưu trong hoàn cảnh bị bắt buộc, cưỡng chế. Nam Kỳ còn là vùng đất mới, con người phóng khoáng, hào sảng, ít chịu trói buộc bởi truyền thống văn học như phía Bắc, vì thế họ dễ dàng và nhanh chóng từ bỏ những gò bó của truyền thống văn học trung đại để xây dựng một nền văn học hiện đại, mới mẻ hơn. Trên cơ sở xã hội - văn hóa đó, văn học quốc ngữ Nam Kỳ đã đi trước một bước trên con đường hiện đại hóa và hội nhập với nền văn học thế giới”.
Các tác giả khái quát nên 4 đặc điểm cơ bản của văn học quốc ngữ Nam Bộ giai đoạn này là: Tiên phong trên con đường hiện đại hóa; đậm đà tình yêu nước; giàu tính đạo lý và tinh thần dân chủ; ý thức hướng ngoại, chú trọng chức năng giải trí và rất quan tâm đến quần chúng, đặc biệt là quần chúng bình dân.
Cuốn sách tập hợp những bài nghiên cứu về văn chương phương Nam từ thế kỷ 19 đến nay, giúp người đọc tiếp cận với những phát hiện mới, từ đó làm đầy thêm kiến thức về một vùng văn học với những đặc trưng của nó.
Đó là tìm hiểu sâu thêm về “Vở kịch quốc ngữ hiện đại đầu tiên của Việt Nam” - Tuồng Cha Minh - in năm 1881 tại Nhà in Tân Định. Bài viết không chỉ phân tích những khía cạnh đã nêu trong tiêu đề, mà còn gợi nên một vấn đề cần quan tâm là “Chưa có tài liệu nào nói về tác giả của vở kịch Tuồng Cha Minh, nhưng theo chúng tôi, đó có thể là Marie-Antoine Louis Caspar, tên Việt Nam là cố Lộc, một thừa sai người Pháp…”.
Hay khi bàn về tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, không còn là câu chuyện Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách hay Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, mà là “Ai đã phát hiện ra truyện Thầy Lazaro Phiền (1887)?”.
Theo các tác giả, “thật ra người phát hiện Thầy Lazaro Phiền chính là Bùi Đức Tịnh trong công trình Phần đóng góp của văn học miền Nam - Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới do Nhà xuất bản Lửa Thiêng in ở Sài Gòn vào năm 1975. Ở công trình được xuất bản trong thời điểm đất nước đang biến động, đang sắp bước sang một trang mới, Bùi Đức Tịnh đã giới thiệu rất kỹ lưỡng về Thầy Lazaro Phiền và ghi nhận đây là tác phẩm đầu tiên của tiểu thuyết hiện đại”.
Từ đây, các tác giả mong muốn “đính chính một sự nhầm lẫn về văn học sử khi nhiều người nhầm tưởng Nguyễn Văn Trung là người có công phát hiện ra quyển tiểu thuyết hiện đại đầu tiên này vào năm 1987, trong khi Bùi Đức Tịnh mới chính là người phát hiện ra Thầy Lazaro Phiền với một công trình đã xuất bản trước đó 12 năm”.
Gợi mở tìm tòi, nghiên cứu
Một vấn đề nữa, các tác giả muốn làm rõ thêm là dòng văn học chiến khu Nam Bộ giai đoạn 1945 - 1954. Bởi theo họ, “do hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn của chiến khu thời kháng Pháp, hầu hết tác phẩm văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, không lưu giữ được trọn vẹn… Điều này khiến cho nhiều tác phẩm tiểu thuyết vùng chiến khu Nam Bộ tồn tại trong ký ức tập thể như một kiểu huyền thoại nhiều hơn là sản phẩm của văn học thành văn”.
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về truyện ngắn, tiểu thuyết giai đoạn này, các tác giả Nguyễn Thị Phương Thúy, Võ Văn Nhơn chỉ ra nhiều nét đặc trưng của văn học Nam Bộ so với văn chương kháng chiến cả nước.
“Trước hết, đó là sự hướng ngoại trong cách khắc họa nhân vật. Kẻ thù tàn bạo trong truyện miền Bắc thường hiện lên trong dáng vẻ hiểm ác thâm độc với những ngón đòn tra tấn thể xác và tinh thần, còn trong truyện miền Nam thì vô cùng thú tính, với những hành vi ăn tươi nuốt sống… Một đặc trưng nữa của truyện kháng chiến Nam Bộ là sự ly kì, mạo hiểm, bí ẩn trong hành trạng nhân vật, rất hợp với “khẩu vị” của công chúng nơi này…”.
Còn đối chiếu với văn chương đô thị đương thời, các tác giả cho rằng “truyện ngắn và tiểu thuyết vùng chiến khu Nam Bộ có sự khác biệt khá rõ về phong cách… Các nhà văn vùng kháng chiến theo đuổi lối viết mộc mạc, trơn thẳng, về ngôn từ thì sát với thực tế hơn, nhưng về tư duy nhân vật thì lại một chiều và lý tưởng hóa hơn…”.
Trong cuốn sách này, các tác giả cũng đưa người đọc tiếp cận con đường tìm hiểu về khái niệm và bầu không khí của “văn học tuổi mới”, nhận diện rõ hơn về một “dòng văn học” lửng lơ giữa thiếu nhi và người lớn, từ đó có sự đầu tư về sáng tác và xuất bản…
Những “lát cắt” mỏng nhưng sâu trong cuốn sách “Góp lời cho văn chương phương Nam” là những gợi mở đáng lưu ý trong công cuộc “khai phá” một vùng văn học độc đáo và tiềm ẩn nhiều thú vị trong văn học nước nhà…